Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA Mt 6, 24-34 - CN 8 TN A 26 - 2 - 2017



1. Tiền bạc

Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được. Lời Chúa phán trên quả là một sự thật, một chân lý được áp dụng cho mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Điều Chúa đòi buộc chúng ta đó là phải phục vụ Ngài chứ đừng phục vụ tiền của. Tiền của là điều cần thiết cho cuộc sống, nhưng đừng để nó trở thành mục đích chi phối toàn bộ cuộc đời chúng ta và biến chúng ta trở thành những kẻ nô lệ cho nó. Hãy kiếm sống một cách lương thiện nhưng đừng để cho cõi lòng của mình trở thành một túi tham không đáy. Đừng để cho tiền của trở thành một thứ thần tượng của lòng mình, bởi vì con bò vàng của Cựu Ước vẫn đứng vững qua dòng thời gian.
Thế nhưng, như chúng ta đã biết: tiền của là một tên đầy tớ tốt nhưng lại là một ông chủ hà khắc nếu chúng ta quá quyến luyến và dính bén với nó. Ngoài ra chúng ta còn phải biết sử dụng tiền của để bảo đảm cuộc sống vật chất cho bản thân và những người thân yêu, cũng như để giúp đỡ cho những người túng cực và thiếu thốn. Bằng không thì tiền của sẽ trở nên nguyên nhân mọi bất hạnh.
Hẳn chúng ta đã biết, Giuđa đã phản bội Chúa cũng chỉ vì tiền bạc. Hắn đã mất đi tất cả chỉ vì để cho lòng mình quá dính bén với tiền bạc. Đức Thánh Cha Phaolô VI, khi còn làm Tổng Giám Mục Milan, trong một bức thư mục vụ, đã khuyên nhủ mọi người trong giáo phận phải biết đề cao cảnh giác trước những hiểm nguy do tiền của gây nên, ngài viết: Tại sao Chúa Giêsu đã tỏ ra nghiêm khắc đối với những kẻ giàu có? Bởi vì tiền của thường ru ngủ tâm hồn, làm cho chúng ta nghĩ rằng nó là một sự thiện tuyệt đối, có giá trị vạn năng, khả dĩ thoả mãn được mọi nhu cầu và mọi khát vọng của chúng ta, cũng như đem lại cho chúng ta sự bảo đảm an toàn và hạnh phúc. Tiền của nhiều lúc đã trở thành một thứ ngẫu tượng, lừa dối chúng ta và làm cho chúng ta trở thành nô lệ.
Dĩ nhiên tiền của cũng có giá trị của nó khi chúng ta biết sử dụng nó để phục vụ con người. Nhưng nếu chúng ta không biết dứt khoát bằng một tinh thần nghèo khó, thì chúng ta sẽ trở nên đầy tớ cho nó. Lúc bấy giờ nó sẽ chế ngự tư tưởng và cõi lòng chúng ta. Nó sẽ nhuộm đen cái nhìn của chúng ta về cuộc đời, cắt đứt mọi liên hệ tình cảm đối với người chung quanh, dập tắt mọi ước vọng cao thượng, hạ thấp đời sống luân lý và đạo đức. Nó sẽ làm cho bản thân chúng ta trở nên kiêu căng, cõi lòng chúng ta trở nên băng giá.
Để kết luận, đạo của chúng ta là đạo của tình thương, nhưng lòng đam mê tiền bạc sẽ huỷ hoại tình thương ấy. Đạo của chúng ta đòi phải sống kết hiệp với Chúa, nhưng lòng đam mê tiền bạc sẽ làm cho chúng ta xa cách và quay lưng chống lại Ngài.




2. Thiên Chúa quan phòng

Hơn bao giờ hết, con người thời nay đang sống trong một sự khắc khoải lo sợ. Đúng vậy, người ta lo sợ trước bệnh tật, tuổi già và chết chóc. Người ta lo sợ trước chiến tranh và vũ khí nguyên tử. Người ta lo sợ trước những điều rủi ro làm mất tiền, mất tình và mất hạnh phúc. Cuộc sống như trở nên bấp bênh vô định. Khắp nơi đều có những đe doạ, những hiểm nguy. Người ta dùng tới mọi phương tiện miễn sao tìm thấy được một sự bảo đảm an toàn. Từ những phương tiện chính đáng như các công ty bảo hiểm đến những phương tiện kỳ cục và vô lý chẳng hạn như bói toán và kiêng cữ.
Tại thành phố Paris có tới 15.000 thầy bói, hằng năm thu được những lợi tức đáng kể. Cứ ba người Pháp thì lại có một người đi nghe bói toán và những chuyện nhảm nhí khác. Tất cả những tờ báo lớn đều có mục tử vi. Có tờ chỉ bỏ mục này có một ngày thì liền bị giảm mất 40.000 số trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Tại Đức và nhiều quốc gia văn minh khác cũng thế. Với chúng ta cũng vậy. Đứa bé mới sinh ra người ta cũng chấm tử vi trọn đời cho nó. Hằng năm người ta lên chùa vào dịp tết để xin sâm, để hái lộc đầu xuân. Hằng ngày mỗi khi mất trộm mất cắp người ta vội đi hỏi thầy bói. Rồi thì kiêng cữ đủ thứ, đủ chuyện để khỏi xui khỏi rủi. Chúng ta muốn biết trước hậu vận tương lai, nhưng mà tiền cho thầy bói chỉ chuốc thêm lo vào mình. Sự sợ hãi vẫn còn đó, nó làm cho chúng ta dường như bị tê liệt. Và sự lo sợ trở thành một tiếng kêu xin cần được cứu vớt và an toàn. Có điều đáng tiếc là họ đã không biết đi tìm sự cứu vớt và an toàn ấy nơi Thiên Chúa vì họ cho rằng Thiên Chúa là một cái gì mơ hồ và xa xôi. Bao lâu người ta không còn tin tưởng vào Thiên Chúa nữa, chắc chắn người ta sẽ bị thất bại.
Đúng thế, với chúng ta Thiên Chúa không phải là một ông chủ hà khắc nhưng là một người Cha đầy yêu thương và thương xót. Đời sống của chúng ta sẽ không còn lo âu khắc khoải nếu chúng ta bước đi dưới sự soi dẫn của Ngài và nếu chúng ta ra sức thực thi thánh ý Ngài. Bởi vì Ngài đã tính trước và thấy trước mọi sự. Đồng thời Ngài lại đặc biệt chăm sóc cho chúng ta: Các con hãy nhìn xem chim trời và cánh hoa đồng nội. Các con còn trọng hơn chúng bội phần. Nào ai trong các con lo lắng mà có thể làm cho thân mình lớn thêm được một tấc sao. Và như thế, người tin tưởng vào Chúa thì sự lo sợ chỉ là một cái gì kỳ cục, bởi vì chúng ta không phải là những kẻ vất vưởng, bị bỏ rơi và tiếng kêu cứu của chúng ta không phải là những tiếng kêu vô vọng chẳng được đáp trả.
Tuy nhiên, cần phải có một chút can đảm chúng ta mới dám phó thác mọi sự cho Chúa, chúng ta mới dám nhảy vào vòng tay thương yêu của Ngài.
Tại Nam Hàn, hồi đó có tin quân Bắc Hàn cùng với quân Liên Xô sẽ mở những cuộc tấn công vượt qua biên giới. Dân chúng sống gần vùng phi quân sự vội vã đi mua sắm những nhu yếu phẩm nào gạo, nào sữa, nào đường, nào thuốc lá. Chỉ có những tiệm sách là im lìm không ai đặt chân tới, vì trong một tình trạng căng thẳng như thế, sách vở phỏng có ích lợi chi. Thế nhưng, cũng có một thiếu phụ bước vào và hỏi mua một cuốn Kinh Thánh và một cuốn giáo lý. Người bán hàng sững sờ ngạc nhiên và tự hỏi: Một cuốn Kinh Thánh và một cuốn giáo lý ích gì khi mà chiến tranh sắp bùng nổ. Nhưng người thiếu phụ đã bình tĩnh trả lời: Những cuốn sách này ở mọi nơi và trong mọi lúc đều đem lại lợi ích.
Sống giữa một hoàn cảnh đầy lo âu sợ hãi, câu trả lời của người thiếu phụ phải chẳng đã làm cho chúng ta xúc động và cảm thấy hổ thẹn.




3. Đừng lo lắng – Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy Niệm
Dường như sự tiến bộ về nhiều lãnh vực không làm con người trên thế giới cảm thấy thanh thản hơn. Trái lại, nó tạo ra những mối lo âu mới, khiến con người sống trong trạng thái bất an, căng thẳng. Bao nhiêu triệu người phải đối mặt với nạn thất nghiệp do khủng hoảng, với nạn đói và thiếu nước, với những bệnh mới chưa có thuốc chữa. Bao nhiêu triệu gia đình sống trong bạo hành, bị tan vỡ; giới trẻ bơ vơ, rơi vào nghiện ngập dưới đủ mọi hình thức. Con người phải sống trong một thiên nhiên bị khai thác đến cạn kiệt, nên thiên nhiên tốt lành lại trở nên kẻ thù đe dọa con người. Các nước lớn phải chạy đua vũ trang để giữ vị thế quân sự. Nói chung người giàu, kẻ nghèo, nước giàu, nước nghèo đều không sao thoát được nỗi lo âu trước tương lai với bao bài toán mới chưa có lời giải đáp.

Cách nay hai ngàn năm, Đức Giêsu đã dạy môn đệ Ngài đừng lo. Xem ra nỗi lo âu đã có từ xa xưa rồi. Người xưa cũng phải lo những nhu cầu căn bản: lo ăn, lo mặc (c. 25). Đức Giêsu mời môn đệ nhìn ngắm những đàn chim trời (c. 26). Chúng có vẻ thảnh thơi, không vất vả làm việc, cũng không tích trữ. Nhưng chúng vẫn sống no đủ, vì được Cha trên trời dưỡng nuôi. Ngài còn mời môn đệ nhìn ngắm những bông huệ ngoài đồng (c. 28), ngắm vẻ đẹp của chiếc áo Thiên Chúa mặc cho chúng, đơn sơ nhưng sang trọng hơn cả áo vua Salomon. Khi ngắm chim trời và hoa huệ, ta sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái, vì Cha quan tâm săn sóc đến cả những sinh vật bé bỏng và tầm thường. Khi biết mình có giá trị hơn chúng nhiều, được Cha quý hơn nhiều, chúng ta được giải phóng khỏi nỗi lo canh cánh về đời sống vật chất.
Thật ra kitô hữu không phải là người ngây thơ, không biết lo. Họ cũng chẳng phải là hoa huệ hay chim trời sống vô tư, thụ động. Kitô hữu cũng phải lo: lo liệu, lo toan, thậm chí lo xa nữa. Nhưng họ lo mà như không lo, lo trong bình an thanh thản, vì đó là cái lo của một người con biết Cha trên trời đã lo cho mình, biết Cha thấu rõ nhu cầu thầm kín của mình và sẽ cung cấp đủ (cc. 32-33). Đó không phải là cái lo âu, lo lắng xao xuyến, hay lo sợ bồn chồn của người dân ngoại không có đức tin (cc. 30. 32). Nhưng đó là cái lo của một người con có tinh thần trách nhiệm. Kitô hữu không phải là kẻ ăn xổi ở thì, sống chỉ biết hôm nay. Nhưng họ lại không để mình bị nỗi lo âu về ngày mai đè nặng, đơn giản vì tương lai của họ ở trong tay Thiên Chúa.
Sống tín thác vào sự quan phòng của Chúa không phải là khoanh tay nhưng là nỗ lực làm mọi sự hết mình trong bình an. Hãy để mọi nỗi lo toan của ta ở dưới và ở sau nỗi lo toan về Nước Chúa. Hãy để cho đời mình chỉ phụng sự một chủ là Thiên Chúa (c. 24). Khi dành ưu tiên cho Thiên Chúa, ta sẽ thấy mình chẳng thiếu gì.


Cầu nguyện:  
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới, nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời. Chúng con phải đối diện với bao thách đố của cuộc sống, của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình, của nghề nghiệp chuyên môn.
Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy của vật chất và quyền lực, nhưng cho chúng con giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu, lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con sống thực tế, nhưng không thực dụng; biết xoay xở nhưng không mưu mô; lo cho tương lai cá nhân, nhưng không quênbao người bất hạnh cần nâng đỡ.
Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc, giữa những xâu xé trước bao lựa chọn, xin cho chúng con biết tìm những phút giây trầm lắng, để múc lấy ánh sáng và sức mạnh, để mình được thật là mình trước mặt Chúa.

Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân, làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh, và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.
Nguồn: http://gpcantho.com/bai-viet-giao-phan-can-tho-cac-bai-suy-niem-cn-8-tn-a-2017-11802.aspx
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét