Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

HIỆU QUẢ CỦA LỜI CẦU NGUYỆN – CN XXX TN C – 27-10-2013


Xin thương xót con là kẻ tội lỗi (Lc 18, 13b)
Image
Hai cách cầu nguyện
 X Lời Chúa (Lc 18, 9-14)
9 Khi ấy, Ðức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: 10 ”Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.
11 Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
14 ”Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Image
X Suy Niệm
Khi Ðức Giêsu đưa ra kết luận:
người thu thuế được nên công chính, còn người pharisêu thì không.
những người nghe Ngài hẳn đã ngỡ ngàng, chưng hửng.
Ông pharisêu là mẫu mực trong việc giữ Luật.
Những điều xấu xa tiêu cực, ông không làm.
Những điều Luật đòi hỏi, ông còn làm hơn thế.
Lời cầu nguyện của ông hết sức tự phát và chân thành,
một lời nguyện mà nhiều người đạo đức thèm muốn.
Tại sao Thiên Chúa lại không nhìn đến ông?
Tại sao Thiên Chúa lại thương người thu thuế tội lỗi,
dù anh ta nào đã hứa bỏ cái nghề tồi tệ đó.
nào đã chịu đền bù bao nhũng lạm mình gây ra?
Tình thương của Thiên Chúa thì nghịch lý, nhưng không vô lý.
Chúng ta cần nhìn ông pharisêu cầu nguyện.
Ông đứng tách biệt với những người khác trong Ðền Thờ.
Mắt ông vẫn thấy anh thu thuế đứng tuốt phía dưới.
Chúng ta cần nghe lời ông cầu nguyện.
Ông muốn dâng lên Thiên Chúa một lời tạ ơn,
nhưng tạ ơn lại trở thành so sánh mình với người khác,
và đầy ứ cái tôi tự mãn, tự hào:
tôi không như bao kẻ khác, tôi ăn chay, tôi nộp thuế…
Cái tôi của ông thật tuyệt vời, hơn hẳn người khác.
Cái tôi của ông quá ngon lành, bảo đảm,
nên ông không cần xin Chúa thêm điều gì.
Ông chỉ khoe Chúa những thành tích của ông,
hay đúng hơn ông đang ngắm mình độc thoại.
Ðời sống của ông pharisêu đầy đặn quá, tròn trịa quá
đến nỗi Thiên Chúa trở nên thừa.
Ngài chẳng tìm ra một kẽ hở nào để vào đời ông
nên Ngài chịu đứng ngoài.
Ngược lại anh thu thuế thì run rẩy xấu hổ,
chẳng dám ngước nhìn Chúa, chẳng dám lại gần tha nhân.
Anh thấy rõ các tội của mình,
và thấy mình bị kẹt cứng, tự sức không sao tháo gỡ.
Anh chỉ còn biết cậy dựa và phó thác cho Tình thương.
Người thu thuế thật là con người tội lỗi,
nhưng tội của anh đã trở nên một kẽ hở
để Thiên Chúa có thể đi vào đời anh.
Chính sự trống rỗng của anh đã thành khoảng trống cho Thiên Chúa.
Tội lỗi hay công đức
đều có thể làm ta khép lại hay mở ra.
Ðiều quan trọng là thấy mình luôn luôn cần Chúa.
Tiếc là ông pharisêu chưa nhận ra khuyết điểm của mình.
Ông về nhà mà không biết mình chẳng được Chúa ưu ái.
Ông về nhà mà vẫn khép kín tự mãn như lúc lên đền.
Làm sao tôi có được sự trung tín của người pharisêu
và sự khiêm hạ của người thu thuế?
Làm sao tôi tận dụng mọi năng lực Chúa ban
mà vẫn hoàn toàn phó thác cho Chúa định liệu?
Ước gì đời tôi có nhiều kẽ hở để Chúa vào.

Image
X Gợi Ý Chia Sẻ
Càng thánh thiện thì càng thấy mình cần đến Thiên Chúa. Khi nào trong cuộc sống bạn thấy mình cần Chúa hơn cả?
Chúng ta vẫn thường ngấm ngầm so sánh mình với người khác như ông pharisêu. Chúng ta rất dễ rơi vào thái độ tự hào. Làm sao để thắng được tính xấu này?
Image
X Cầu Nguyện
Lạy Cha, những tội chúng con phạm
vừa mang dáng dấp của tội Ađam
vừa mang dáng dấp của tội Cain.
Tội nào cũng là khép lại trên chính mình,
khước từ Thiên Chúa và quay lưng trước anh em.
Tội nào cũng là lấy mình làm trung tâm
và qui tất cả về mình.
Xin cho chúng con đừng nhìn ngắm công trạng của mình,
nhưng nhìn vào những nén bạc Cha giao
mà chúng con chưa đầu tư sinh lợi cho đủ.
Xin cho chúng con đừng tự mãn nhìn về quá khứ,
nhưng hướng đến tương lai với bao điều cần thực hiện.
Lạy Cha, xin cho chúng con đừng lấy đức hạnh của mình
làm thước đo người khác,
đừng cứng cỏi lạnh lùng khi đánh giá tha nhân.
Ước gì chúng con có quả tim như Con Cha,
hiền lành và khiêm nhượng,
để chúng con có thể mở ra đến vô cùng
trước những đòi hỏi của Cha và nhu cầu của anh em. Amen.
Nguồn: Trích Tập Manna C của Lm. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

CẦU NGUYỆN LÀ SỰ SỐNG CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU - Chúa Nhật 29 Thường Niên C 20-10-2013

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN C : KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO


 

11bbd-378857_244099618981871_2076854475_nBất kể một tôn giáo nào, cầu nguyện là yếu tố sống còn của mình. Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công Giáo, chính là thể hiện niềm tin, phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu một lần nữa nhắc lại cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện, đồng thời Ngàidạy mỗi chúng ta hãy kiên trì, trung thành khi cầu nguyện qua dụ ngôn vị thẩm phán bất lương và bà góa nghèo.
1.      Sự cần thiết của lời cầu nguyện
Nếu cá cần nước để sống; cây cối cần ánh sáng mặt trời để quang hợp và sinh trưởng, thì cầu nguyện cũng cần cho đời sống của người kitô hữu như vậy. Cầu nguyện chính là nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa để xin Ngài ban ơn, nâng đỡ. Cầu nguyện còn nói lên một sự thật là ta thuộc về Chúa; Chúa thuộc về ta. Tuy nhiên, vẫn là khởi đi từ Thiên Chúa, Ngài luôn thúc đẩy tâm hồn chúng ta khao khát Ngài: “như nai rừng mong mỏi, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa”. Hay nói như thánh Âu Tinh: Lạy Chúa, tâm hồn con vẫn bồn chồn xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ ngơi trong Chúa”.
Chúa Giêsu cầu nguyện

Khi nói đến sự cần thiết của cầu nguyện, Đức Giêsu cũng đã nhiều lần khuyên các môn đệ của mình hãy cầu nguyện và, chính Ngài cũng luôn luôn cầu nguyện trước, trong và sau khi làm bất cứ việc gì. Thật vậy, Ngài cầu nguyện trong sa mạcnơi hội đường; trên triền núi; ngoài bãi biển. Đặc biệt, nơi các giáo huấn của Ngài, chúng ta thấy toát lên tâm tình cầu nguyện. Khi dạy các tông đồ cầu nguyện, Ngài nói: “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ”(Lc 18,1). “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mc 14,38). Rồi khi dạy các ông về sự tín thác, Ngài nói: “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5). Qua câu nói này, Đức Giêsu cho chúng ta thấy sức mạnh vô song của lời cầu nguyện, cũng như quyền năng của Thiên Chúa trên mọi sự.
Đức HY. FX. Nguyễn Văn Thuận cầu nguyện trong ngục tù cọng sản
Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói về sức mạnh của lời cầu nguyện như sau: “Hãy cho tôi một đòn bẩy, một điểm tựa, thì tôi sẽ nâng thế giới lên”.
Như vậy, cầu nguyện là điều quan trọng. Không cầu nguyện, ta đánh mất điều căn bản để làm nên đời sống tinh thần. Tuy nhiên, khi cầu nguyện, Đức Giêsu dạy phải có sự kiên trì và trung thành.
2.      Kiên trì trong cầu nguyện
Nói về sự kiên trì trong cầu nguyện, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn bà góa và vị thẩm phán:

Bà góa mà Đức Giêsu nói đến hôm nay chính là một trong những thành phần bị xã hội khinh khi, bỏ rơi; là thành phần thấp cổ bé họng trong xã hội, không có tiếng nói và ít được ai quan tâm. Sở dĩ có sự kỳ thị này là do thói quen, văn hóa và truyền thống của một số nước niềm Cận Đông thời bấy giờ. Thành phần bà góa là một trong ba thành phần không cần quan tâm(quả phụ, cô nhi  di dân). Họ cũng không có quyền đòi xã hội phải công bằng với mình.Chính vì thế, việc ông thẩm phán dửng dưng và không thèm quan tâm tới bà là lẽ đương nhiên, không có gì lạ. Ý thức được điều đó, nên bà đã trai lỳ và hoàn toàn phó thác trong tay vị thẩm phán bất công.
Nói lên tính kiên trì của bà góa này, tưởng cũng nên nhắc lại khuôn mặt của vị thẩm phán trong dụ ngôn hôm nay để thấy được lòng kiên định, trung thành của người đàn bà này.
Vị thẩm phán chính là một người bất lương, tham nhũng, bóc lột. Cuộc đời của ông là tiền và tiền chứ không có ân nghĩa gì hết. Vì thế, ông ta không có kiêng nể ai và, cũng chẳng coi Thiên Chúa ra gì”.Cán cân công lý của ông chính là tiền. Tuy nhiên, ông đã chịu thua bà góa nghèo. Bà này có một thứ vũ khí thần kỳ, khiến vị thẩm phán cứng lòng, vô cảm đến đâu cũng phải khuất phục, đó là: kiên trì để ngồi lỳ, kỳ nèo, năn nỉQuả thật, ông thẩm phán này không thể chịu nổi sự phiền hà của bà góa. Cuối cùng, ông ta đã phải mở phiên tòa để minh oan cho bà. Điều mà Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là sự kiên trì của bà góa. Và, đi xa hơn một bước nữa, Đức Giêsu muốn nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa qua hình ảnh vị quan tòa.
3.      Lòng nhân từ của Thiên Chúa

Nếu người thẩm phán trong bài Tin Mừng hôm nay rất bất lương và bất nhân như thế, mà ông ta còn phải chịu khuất phục trước nỗi thống khổ của bà góa, thì Thiên Chúa là Đấng nhân lành, từ bi, chậm giận và hay thương xót… lại không thương con cái khi chúng chạy đến với mình hay sao? Chính Đức Giêsu đã mạc khải cho thấy tình thương của Thiên Chúa khi nói:Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cửa cho”(Mt 11,9). Tuy nhiên, lời cầu nguyện của chúng ta có khi đẹp lòng Chúa và ích lợi cho phần hồn thì Chúa sẽ ban cho ngay, nhưng đôi khi chúng ta chỉ biết xin mà không biết điều đó có lợi hay có hại, những lúc như thế, Chúa sẽ trì hoãn hoặc ban những ơn khác tốt đẹp hơn cho chúng ta. Vì vậy, hãy tin tưởng, kiên trì và phó thác nơi Thiên Chúa. Hãy trở thành tác phẩm trong bàn tay tuyệt diệu của Thiên Chúa. Vậy, nếu chúng ta đã được Chúa yêu thương, thì chúng ta cũng phải loan truyền về một vị Thiên Chúa giàu tình thương và muốn cho con người được hạnh phúc đến với hết mọi người, mọi nơi… 
4.      Truyền giáo bằng cầu nguyện
Bé thơ cầu nguyện
Hôm nay là ngày khánh nhật truyền giáo, ngày cả Giáo Hội cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, đồng thời cũng là dịp để mỗi chúng ta ý thức vai trò loan báo Tin Mừng của mình.
Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội không truyền giáo thì Giáo Hội đánh mất bản chất của mình, và như thế đặc tính của chúng ta mất. Tuy nhiên, truyền giáo có nhiều cách. Một trong những cách truyền giáo hữu hiệu nhất chính là cầu nguyện.
Đức Giêsu khi xưa cũng vậy, Ngài khởi đầu sứ vụ của mình bằng việc vào hoang địa ăn chay, cầu nguyện. Ngài cầu nguyện để:  nhằm tìm kiếm, đón nhận và thi hành thánh ý của Chúa Cha (x. Mt 4,1-11). Sau khi loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu cũng cầu nguyện: “Giải tán họ xong, Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện” (Mt 14, 23); “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện” (Mt 26,36); “ sau khi từ biệt các ông, Ngài lên núi cầu nguyện” (Mc 6,46); “Ngài lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện” (Lc 5,16)..

Tại sao khi truyền giáo phải cầu nguyện? Thưa vì chúng ta xác định rất rõ: công trình cứu độ là của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là người cộng tác vào công trình ấy mà thôi. Thật vậy: “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thờ nề vất vả cũng là uổng công…”. Chính Thiên Chúa mới làm cho công cuộc truyền giáo sinh hoa kết quả (x. 1 Cr 3, 6-7).Thánh Phaolô cũng nói: “ Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin, và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh  em thỉnh nguyện” (Pl 4,6).
Khi cầu nguyện, chúng ta biết được tính cấp thiết của s vụ. Biết mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Sẵn sàng hy sinh, trung thành vì Nước Trời và phần rỗi của các linh hồn.
Nếu không có đời sống cầu nguyện, chúng ta sẽ là những người thợ dại khờ trong cánh đồng của sự chết. Cầu nguyện để xin Chúa biến đổi chính chúng ta, làm cho chúng ta trở nên xứng đáng để trở thành sứ giả của Chúa, những người thợ gặt lành nghề như Chúa muốn trong cánh đồng truyền giáo của Ngài, trở nên những người gieo vãi hạt giống Tin Mừng yêu thương giữa một thế giới đang dần dần muốn xa rời Thiên Chúa, đến với những con người chưa có cơ hội biết Ngài, những con người lầm lạc trong thế giới hôm nay.
Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu mến đời sống cầu nguyện, bởi vì có cầu nguyện, chúng con mới biết Chúa là Đấng yêu thương. Xin cũng cho chúng con biết kiên trì, trung thành trong khi cầu nguyện. Xin Chúa ban cho cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội có được nhiều thợ gặt lành nghề, để ra đi thu lúa về cho Chúa. Amen.
Jos. Vicn. Ngọc Biển