Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

29-09: MỪNG KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN:

1.- Tổng Lãnh Thiên Thần MICAE :


Micae có nghĩa là "Ai bằng Thiên Chúa". Thánh Micae đã chống lại thần dữ để bênh vực quyền tối cao của Thiên Chúa. Giáo Hội nhận thánh Micae như Ðấng bảo trợ và tin rằng ngài vẫn dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên ngai tòa Chúa. Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cũng đã hiện ra với nhiều người, đặc biệt năm 708, ngài hiện ra với Ðức Giám Mục thành Arranche và Ðức Giám Mục đã xây một thánh đường nguy nga để kính dâng Ðức Micae tại Mont Saint Michel.
Hằng năm ngày 29.09. Giáo Hội mừng lễ kính Tổng lãnh Thiên Thần Michael cùng với hai vị Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel và Raphael.
Tổng lãnh Thiên Thần Michael là ai và có liên quan gì với đời sống đức tin và con người?
Quis ut Deus?
Tổng lãnh Thiên Thần Michael được xưng tụng với danh xưng bằng tiếng Latinh: Quis ut Deus? – Ai bằng Thiên Chúa?.
Theo tương truyền:
-Thiên Thần Michael được liệt vào hàng Thiên Thần quân đội chiến đấu đã đánh thắng Thiên Thần quỉ dữ Lucifer.
-Thiên Thần Michael đã vâng lệnh Thiên Chúa cầm gươm đuổi Ông Bà nguyên tổ Adong-Evà ra khỏi vườn địa đàng, sau khi Ông bà phạm tội bất phục tùng Thiên Chúa.
- Thiên Thần Michael cũng là vị Thiên Thần thổi kèn Posaune đánh thức gọi những người đã qua đời sống lại ra khỏi mồ.
Hình ảnh cùng tượng Thiên Thần Michael được vẽ phác họa hay khắc chạm là một người mặc quân phục thời cổ Lamã có hai cánh bay sau lưng với bắp thịt gân cốt dũng mãnh, một tay cầm gươm như vũ khí, một tay cầm chiếc lá chắn, và chân đứng đạp trên con khủng long hình ảnh của qủi dữ.
Hình ảnh chiếc gươm trên tay Tổng lãnh Thiên Thần Michael là hình ảnh nói lên sức mạnh của tình yêu trong ý nghĩa cánh tay của Thiên Chúa được dương ra. Tổng lãnh Thiên Thần Michael giúp đỡ chỉ cho chúng ta tìm lại nẻo chính đường ngay, khi tầm nhìn con mắt chúng ta lạc mất hướng về trời cao.
Theo Kinh Thánh cựu ước Michael là vị Thiên Thần có đẳng cấp cao nhất trong các Thiên Thần bên ngai Thiên Chúa ( Sách Tiên tri Danien 10,13; 12, 1) có nhiệm vụ che chở bảo vệ dân Israel trước các quân thù địch, cùng cho khỏi cảnh khó khăn thử thách.
Thiên Thần Michael vào thời cựu ước ngày xưa được trình bày là một vị Thiên Thần trong sáu hay bảy vị Thiên Thần đẳng cấp chỉ huy cai trị, được Thiên Chúa tin tưởng các đặc biệt trao cho nhiệm vụ giữ chìa khóa nuớc trời, cùng là vị Thiên Thần chỉ huy tối cao các Thiên Thần.
Theo Kinh Thánh tân ước , Michael là Tổng lãnh Thiên Thần chống lại ma qủi.
„Cả những người mê sảng kia cũng vậy, họ làm cho thân xác ra ô uế, khinh dể chủ quần của Chúa, nói phạm đến các Bậc uy linh. Khi bàn cãi và tranh luận vói qủy về thi hài ông Môsê, ngay cả tổng lãnh thiên thần Micaen cũng không dám đưa ra một phán quyết nào phạm đến nó, mà chỉ nói: Xin Chúa trừng phạt ngươi! (" ( thư Giuda 8-10)
„Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Micaen và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không có chỗ trên trời nữa." ( KH 12, 7-8)
Trong thời tân ước, Tổng lãnh Thiên Thần Michael được trình bày là sứ gỉa của Thiên Chúa với uy quyền sức mạnh đặc biệt, như người cầu khẩn phù hộ cho con người bên ngai Thiên Chúa, như Thiên Thần của dân Chúa Kitô, như người cùng đồng hành với người đang hấp hối, với linh hồn những người đã qua đời.
Đó đây trong các nghĩa trang, tượng Tổng lãnh Thiên Thần Michael được xây dựng trên nấm mồ hay tường thành, tay cầm loa thổi kèn gọi người qua đời chỗi dậy ra trình diện Thiên Chúa. Đây là hình ảnh nói lên niềm hy vọng và sự công bằng cùng lòng thương xót trứơc mặt Thiên Chúa, khi con người trong giờ phút lịch sử ra trước thánh nhan Ngài.
Hình ảnh Tổng lãnh Thiên Thần trên tay cầm chiếc cân đo lường nói lên vị Thiên Thần này quan tâm săn sóc về luật pháp, về sự công bằng chính trực. Trong nhiệm vụ này Tổng lãnh Thiên Thần Michael là người phục vụ đi tìm chân lý sự thật, sự công bằng.
Năm 1947 những cuộn giấy sách chép Kinh Thánh được tìm thấy ở bờ Biển Chết bên Israel, trong đó có đoạn ghi lại coi Thiên Thần Michael là „vị thần ánh sáng", chỉ huy đoàn quân của Thiên Chúa chống lại thần dữ. Và Thiên Thần Michael được mang tước hiệu „ Phó vương trên trời".
Danh xưng của Tổng lãnh Thiên Thần Michael „ Quis ut Deus? – Ai bằng Thiên Chúa? –„ có lẽ cần được dịch sang ngôn ngữ con người ngày hôm nay: „ Có điều gì khác hơn thay thế Thiên Chúa được không ?".
Câu trả lời theo lương tâm nghiêm chỉnh sẽ là: Tất cả đều có giới hạn, không có ai, không có sự gì như Thiên Chúa là Đấng hòan hảo toàn năng được!

2.- Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel:


Gabriel có nghĩa là "Uy lực của Thiên Chúa" cũng còn gọi là "Sứ Thần truyền tin". Ngài luôn can thiệp vào những sứ mạng liên quan đến việc cứu rỗi loài người. Chính ngài đã báo cho tiên tri Ðaniel thời đại xuất hiện của Ðấng Cứu Thế và là sứ giả được phái đến cùng với Trinh Nữ Maria để loan báo ý định của Thiên Chúa, và cũng chính là người đã nhiều lần hiện ra với thánh Giuse.
Theo như sách Ngôn sứ Daniel cho biết, chính Tổng lãnh Thiên thần Gabriel là đấng đã loan báo cho Daniel biết thời gian Đấng Messia ra đời. Như thánh sử Luca đã tường thuật, vị Tổng lãnh Thiên thần này cũng hiện ra với ông Zacaria, “đứng bên phải hương án”, để cho biết việc thánh Gioan Tẩy Giả sẽ chào đời.
Vinh dự lớn nhất của Tổng lãnh Thiên thần Gabriel là được phái đến với Đức Maria ở Nazareth và loan báo cho Mẹ rằng Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Với lời “Xin Vâng” của Mẹ, “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta”.
Tên Gabriel có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa”. Tổng lãnh Thiên thần đóng vai vị sứ giả trong những công việc nào biểu hiện quyền năng và vinh quang Thiên Chúa. Một số vị Giáo Phụ của Hội Thánh Công Giáo cho rằng ngài đã ở với Đức Giêsu lúc Chúa cầu nguyện tại vườn Cây Dầu. Ngài là vị thiên sứ của mầu nhiệm nhập thể, của sự ủi an và lòng nhân từ.
Qua nhiều thế kỷ, Tổng lãnh Thiên thần Gabriel rất được các tín hữu Kitô tôn kính. Đặc biệt, chúng ta thấy chân dung của ngài trong biến cố Đức Maria được truyền tin.
Bởi vì Tổng lãnh Thiên thần Gabriel đã để lại cho chúng ta lời chào Đức Mẹ đầu tiên “kính mừng Maria”, chúng ta hãy xin ngài giúp chúng ta biết siêng năng đọc kinh Mân Côi với lòng thành kính.

3.- Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael:


Raphael có nghĩa là "Thầy thuốc của Thiên Chúa". Chúng ta biết danh hiệu của Tổng Lãnh Thiên Thần này qua những trang sách Tôbia. Chính ngài đã được Thiên Chúa sai đến giúp đỡ gia đình ông trong cơn hoạn nạn. Ngài đã giúp ông đòi được nợ, chữa ông khỏi mù và lo cho con ông được yên bề gia thất.
Raphae xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh Thánh ở sách Tobia. Ngài tự xưng mình là Azaria. Lúc đó dưới hình hài của một con người, ngài bước đi song hành với một người thanh niên trẻ tên là Tobia trong chuyến đi của chàng tới Rages. Tobia đến thành phố xứ Medes để lấy lại số nợ về cho người cha của chàng. Thiên thần Raphae đã gìn giữ Tobia khỏi mọi hiểm nguy và đưa chàng an toàn trở về nhà cha của mình. Ngài cũng đã tìm cho người thanh niên trẻ này cô vợ rất ngoan hiền, đồng thời chữa cho người cha của chàng khỏi mù bằng mật cá lấy ra từ một con cá do chính tay Tobia bắt được. Vị thiên thần này đã tỏ cho người ta biết về ngài qua câu nói sau : “Ta là Tổng lãnh Thiên thần Raphae, một trong 7 vị thần đứng hầu cận trước ngai tòa Thiên Chúa.”
Người ta thắc mắc tại sao Thiên Chúa lại gởi đến cho Tobia một vị thiên thần. Thiên thần Raphae cho biết : “Bởi vì anh ta luôn mến yêu kính thờ Chúa, anh đã chôn xác kẻ chết, đã đối xử tử tế với người nghèo và chịu đựng mọi thử thách cách dũng cảm, nên Thiên Chúa đã sai tôi đến với anh ấy. Chúc tụng Chúa tể trời đất đã tỏ lòng xót thương đến con cái loài người!”
Tên Raphae có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”. Thánh thiên thần Raphae là vị bảo trợ cho các du khách, các nhà vật lý. Riêng với các bạn trẻ, ngài giúp đỡ họ trong con đường họ đã chọn. Ngài được gọi là vị thiên sứ Tình Yêu và Niềm Vui.


(Truyện các Thánh – Tủ sách Thánh Thể)




CÓ MỘT VỰC THẲM - CN XXVI TN C 29-09-2013

Chúa Nhật 26 Thường Niên Năm C (Ý LỄ PHỤNG VỤ)
(Ngày kính nhớ các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael 29-09)
---oOo---

X Lời Chúa: (Lc 16,19-31)
Một hôm, Ðức Giêsu nói với những người Pharisêu rằng: 19 "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.


23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!" 25Ông Ápraham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bấy giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được".
27 "Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!" 29 Ông Ápraham đáp: "Chúng đã có ông Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó". 30 Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối". 31 Ông Ápraham đáp: "Ông Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu".


 X Suy Niệm
Tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới
còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển.
Bill Gates giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất.
Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông, Liên Hiệp Quốc đủ chi tiêu
cho giáo dục cơ bản, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh
cho cả thế giới trong một thời gian dài.
Khi nhìn sự chênh lệch giữa ông nhà giàu và Ladarô,
chúng ta thấy bức tranh hiện thực của thế giới.
Hố sâu ngăn cách giữa giàu nghèo ở đô thị,
giữa đô thị và nông thôn, càng lúc càng lớn.
Có 800 triệu Ladarô đang đói nghèo cùng cực.
Hơn một tỉ Ladarô bệnh tật không được chăm sóc.
Vẫn có bao người chết đói mỗi ngày,
vì không được hưởng gì từ các bàn tiệc rơi xuống.
Ông nhà giàu trong dụ ngôn có thấy, có biết Ladarô,
nhưng thấy mà như không thấy có Ladarô trên đời.
Tiện nghi vật chất đã thành bức tường kín.
Ông sống an toàn mãn nguyện trong khoảng không gian riêng.
Chính ông đã tạo ra một vực thẳm ngăn cách.
Không cần Chúa, cũng chẳng cần biết đến anh em.
Có thể nói vực thẳm đó lớn dần và kéo dài mãi đến đời sau.
Hỏa ngục là sự tự cô lập mình không thể đảo ngược được.
Chẳng ai có thể cho tôi một giọt nước.
Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau
là do chính con người đã tạo ra từ đời này.
Ông nhà giàu bị phạt, không phải vì ông đã bóc lột ai,
nhưng vì ông không bị sốc chút nào
trước sự chênh lệch ghê gớm giữa ông và Ladarô.
Từ sốc mới nẩy sinh thức tỉnh, và dẫn đến hoán cải.
Nhiều nước giàu vẫn trợ giúp các nước nghèo,
nhưng không muốn loại bỏ sự bất bình đẳng.
Các nước nghèo vẫn bị bóc lột về tài nguyên, nhân công,
và bị nô lệ cho những món nợ không sao trả hết.
Ông nhà giàu bị phạt không phải vì ông đã nhận nhiều,
nhưng vì ông đã không san sẻ những gì mình nhận.
Giàu không phải là một tội, của cải tự nó không xấu.
Có bao người giàu tốt như Dakêu, Nicôđêmô, Giuse Arimathia.
Nhưng giàu sang có thể dẫn đến cám dỗ nguy hiểm:
Tích trữ, tham lam, hà tiện, khép kín, tự mãn, hưởng thụ,
bị ám ảnh bởi đồng tiền, bị mê hoặc bởi lợi nhuận.


Chúng ta có thể nghèo của cải, nhưng giàu có về các mặt khác:
giàu kiến thức chuyên môn, giàu thế lực ảnh hưởng,
giàu sức khỏe, giàu tình bạn tình yêu, giàu niềm vui, ơn Chúa.
Hãy tập nhìn xuống để thấy bao người dưới mình.
Chia sẻ là lấp vực thẳm, nâng người khác lên bằng mình.
Ước gì chúng ta để cho Lời Chúa hoán cải,
để thấy trách nhiệm của mình trước những Ladarô
nằm ngay nơi cửa, trong khu xóm...
Chỉ cần bớt chút dư thừa, xa xỉ của chúng ta
cũng đủ làm nhiều người no nê hạnh phúc.


 X Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, đâu là những nguyên nhân đưa đến sự chênh lệch lớn lao giữa kẻ giàu người nghèo? Có cách nào làm giảm bớt sự chênh lệch đó không?
Nếu bạn là Bill Gates, với tài sản 50 tỉ đô la, bạn có muốn làm gì cho người nghèo trên thế giới không?


 X Cầu Nguyện
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
      bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
     dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Nguồn: Trích Tập Manna C của Lm. AnTôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

LÀM TÔI HAI CHỦ - CN XXV TN C 22-09-2013

Chúa Nhật 25 Thường Niên Năm C



X Lời Chúa: (Lc 16,1-13)
Một hôm, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!"3 Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!".
5 "Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?" 6 Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ôliu". Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi". 7 Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?" Người ấy đáp: "Một ngàn thùng lúa". Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi".
8 "Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
9 "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
13 "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được".


 X Suy Niệm
Cuộc đời này tươi hơn nhờ có người say mê nó.
Các vận động viên chịu khổ luyện để phá một kỷ lục.
Các nhà khoa học tận tụy để tìm ra một phát minh.
Các văn nghệ sĩ nhọc nhằn cưu mang một tác phẩm.
Các nhà kinh doanh bù đầu với chuyện nắm bắt thị trường.
Phía sau một tấm huy chương, một bằng khen, một giải thưởng,
có bao là mồ hôi nước mắt.
Say mê cuộc đời này chẳng có gì đáng trách.
Người Kitô hữu cũng sống hết lòng với cuộc đời này,
nhưng họ không say mê như thể chỉ có nó.
Ðúng ra họ say mê đời này vì họ say mê đời sau.
Ðời này chỉ là con đường dẫn đến mục đích tối hậu.
Sau khi kể xong dụ ngôn về người quản gia khôn khéo,
Ðức Giêsu phàn nàn vì chúng ta, những con cái ánh sáng,
lại không khôn bằng những người chỉ biết có đời này.
Người quản gia khôn vì ông dám đối diện với thực tế,
đó là chuyện ông bị chủ cho thôi việc.
Ông khôn vì ông biết giới hạn của mình:
Không đủ sức cuốc đất, không đủ mặt dầy mặt dạn để đi ăn xin.
Ông khôn vì ông biết xoay sở, tìm ra phương án tốt nhất,
biết tận dụng quyền hành còn lại của mình
để đem đến cho tương lai bấp bênh một bảo đảm.
Ðức Giêsu không dạy ta bất lương như người quản gia.
Ngài dạy ta biết khôn khéo như ông
khi gầy dựng cho đời mình tương lai vĩnh cửu.
Có vẻ đời sau thì xa xôi, không có sức thu hút,
không làm chúng ta say mê và dám đánh đổi tất cả.
Chúng ta thừa sôi nổi để xây dựng tương lai đời này,
nhưng lại thiếu táo bạo để xây đắp tương lai đời sau.
Chúng ta biết xoay sở để việc làm ăn khỏi thua lỗ,
nhưng chúng ta lại thiếu cương nghị và dứt khoát
để đầu tư mọi sự mình có cho Nước Trời.


Cái giằng co của đời sống Kitô hữu nằm ở chỗ
vừa say mê cuộc đời này, vừa say mê vĩnh cửu.
Họ say mê cuộc đời này không thua bất kỳ ai,
bởi vì giữa cái mau qua, họ gặp được vĩnh cửu.
Kitô hữu làm việc, vui chơi như mọi người,
nhưng vẫn có cái gì rất khác nơi họ.
Không phải vì họ dành cho Chúa một thời gian ít ỏi
để đọc kinh, cầu nguyện, dự lễ...
nhưng vì họ đã để Chúa đi vào toàn bộ đời mình.


Chúng ta cần giữ một sự thăng bằng trong cuộc sống.
Sự thăng bằng này lại nằm ở chỗ
chúng ta nghiêng về phía Chúa và để Ngài làm chủ đời mình.
Tiền bạc, của cải không phải là điểm tựa,
dù ta rất cần tiền và phải kiếm tiền để sống.
Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của,
không thể phụng sự hai chủ như nhau, trong cùng một lúc.
Tôi tự hỏi những chủ nào đang thống lĩnh đời tôi.
Ước gì tôi được tự do nhờ biết làm tôi cho Thiên Chúa.



X Gợi Ý Chia Sẻ
Ðồng tiền là tiên, là phật, và cũng có thể là vị chúa đầy hấp dẫn quyền uy. Bạn có kinh nghiệm gì về sức mạnh của đồng tiền? Bạn có thấy ai đánh mất mình vì nô lệ cho tiền bạc không?
Người Kitô hữu cũng dễ mất hút giữa những bon chen của đời thường. Theo ý bạn, nếu sống chân thật lương thiện, người Kitô hữu có hy vọng thành công không?



X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự:
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước những đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Nguồn: Trích Tập Manna C của Lm, Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

TÌNH YÊU BAO LA CỦA THIÊN CHÚA - CN 24 TN C 15-09-2013

"giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối".(Lc 15, 10)
X Lời Chúa: (Lc 15,1-32)
1 Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. 2 Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng". 

3 Ðức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:
4 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? 5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó". 7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

8 "Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? 
9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất". 10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối".
11 Rồi Ðức Giêsu nói tiếp: "Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng". Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy". 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

"Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chồm anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa..." 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy". Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khoẻ". 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha: "Cha ơi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!"31 "Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy".

"chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy"(Lc 15, 32) 

X Suy Niệm
Khi chiêm ngắm người cha nhân hậu,
ta khám phá ra khuôn mặt một Thiên Chúa yêu thương.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa khiêm tốn.
Như người cha chấp nhận chia gia sản cho con,
chấp nhận để con bỏ nhà ra đi,
Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do của con người.
Ðấng Toàn Năng đã tự giới hạn quyền năng của mình
để chúng ta có thể hiện hữu một cách tự do.
Ngài như thể thu mình lại để nhường chỗ cho thụ tạo.
Không phải chỉ con người mới cần cởi giày trước Thiên Chúa.
Chính Thiên Chúa cũng cởi giày trước mầu nhiệm con người,
vì lòng con người cũng là phần đất thiêng thánh.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết chờ đợi.
Thiên Chúa vẫn nuôi hy vọng khi con người lìa xa Ngài.
Người Cha vẫn luôn ngóng con từ bên cửa sổ.
Lòng Cha luôn hướng về con.
Bởi thế ngay khi con còn ở đàng xa, Cha đã thấy.
Cha vẫn nhận ra con, dù con xanh xao tiều tụy.
Thiên Chúa không thất vọng về con người.
Ngài không bắt ép người ta hoán cải, Ngài chỉ chờ.
Ngài chờ vì Ngài tôn trọng tự do của họ.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết tha thứ.
Ngài là Cha yêu con bằng cung lòng người mẹ.
Rõ ràng con thứ thật đáng trách, vì bất hiếu.
Nhưng tình thương của Cha còn lớn hơn tội của anh.
Cha thương anh vì anh đã lỗi phạm.
Tội lỗi tự nó đã đem lại hình phạt rồi.
Người cha có vẻ không cần nghe con mình xin lỗi.
Sự trở về của anh đã là lời thống hối ăn năn.
"Con ta đã chết, nay đang sống; đã mất, nay lại tìm thấy."
Thiên Chúa không nhớ mãi chuyện đã qua.
Ðiều quan trọng là hiện tại:
con đang sống trong vòng tay Cha.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa luôn chạy ra,
như người cha chạy ra để đón đứa con thứ,
như người cha đi ra để năn nỉ đứa con cả.
Thiên Chúa dường như không yên trong hạnh phúc của mình ,
nếu có một người con còn đứng ngoài.
Người cha trong dụ ngôn chẳng sợ mất uy nghi, đạo mạo.
Ông chạy đến với con, phá vỡ khoảng cách của quyền uy.
Quyền uy của người cha là quyền uy của tình yêu,
mà tình yêu thi có can đảm vượt qua mọi khoảng cách.
Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết nhảy mừng.
Thiên Chúa đãi tiệc vì một người ăn năn sám hối.
Nhưng Thiên Chúa nhảy mừng cũng là Thiên Chúa từng đau khổ.
Ngài đau nỗi đau của con khi cố tình xa Cha.
Thiên Chúa biết buồn vui với con người và vì con người.
Hãy trở lại và ở lại trong nhà Cha,
vì Cha muốn trao cho bạn tất cả những gì Ngài có.
Tiệc đã sẵn, vào với Cha cũng là về với anh em.

X Gợi Ý Chia Sẻ
Qua bài Tin Mừng này, bạn hãy cho thấy khuôn mặt khiêm tốn của người cha. Bạn thấy Thiên Chúa có khi nào khiêm tốn với bạn không?
Ðâu là những nét giống nhau giữa người con thứ và người con cả? Người con cả cần hoán cải về tội gì?


X Cầu Nguyện
Lạy Cha,
người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.
Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ,
khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của chúng con.
Chúng con thèm được tự do bay nhảy
ngoài vòng tay Cha,
nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.
Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.
Như người con thứ,
chúng con bỗng thấy mình tay trắng,
rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe dọa.
Lạy Cha đầy lòng bao dung,
xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày,
giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.
Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui
vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.

Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên,
thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.
Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ,
chúng con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân.
Nguồn: Tập Manna C của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

SỐNG LÀ CHẤP NHẬN TỪ BỎ - CN XXIII TN C 08-09-2013

Từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa

X Lời Chúa: (Lc 14,25-33)
25 Một hôm, có rất đông người cùng đi đường với Ðức Giêsu. Người quay lại bảo họ: 26 "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được".
28 Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30 "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc". 31Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? 32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được".



X Suy Niệm
Sống là chấp nhận từ bỏ.
Có những điều xấu phải từ bỏ
như tật nghiện thuốc lá, ma tuý, rượu chè, trụy lạc...
Cũng có điều tốt phải bỏ, để chọn một điều tốt hơn:
chọn nghề, chọn trường, chọn chỗ làm, chọn bậc sống...
Từ bỏ thường làm ta sợ và tiếc.
Bỏ chiếc giường êm để thức dậy đi lễ sáng.
Tắt Tivi vì đến giờ đọc kinh tối gia đình.
Dành Chúa Nhật để học giáo lý và làm việc xã hội.
Nếu từ bỏ vì yêu, ta sẽ thấy nhẹ hơn, dễ hơn.
Người mẹ thức trắng đêm để đan nốt chiếc áo cho con.
Người mẹ là mẹ hơn qua những hy sinh vất vả.
Từ bỏ vì yêu chẳng bao giờ thiệt thòi, mất mát.
Cuộc sống văn minh cho ta nhiều chọn lựa.
Con người dễ chọn cái tầm thường hơn cái cao cả,
chọn khoái lạc phù du hơn hạnh phúc vững bền,
chọn lợi ích cho cá nhân tôi hơn là cho tập thể.
Xem ra con người thích cái dễ dãi hơn.
Kitô hữu là người đã chọn theo Ðức Giêsu.
Làm môn đệ Ngài là chọn đi vào đường hẹp, cửa hẹp.
Ngài đòi ta đặt tất cả dưới Ngài, yêu Ngài trên mọi sự,
trên những người thân yêu, trên của cải tinh thần, vật chất,
trên mạng sống mình, trên cả hiện tại tương lai.
Những thụ tạo trên thật đáng trân trọng,
nhưng chúng chỉ có giá trị tương đối
khi sánh với Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.
Kitô hữu là người sống từ bỏ như Ðức Giêsu.
Ngài đã bỏ vinh quang thần linh để làm người như ta,
đã sống và đã hiến mạng sống vì yêu Cha và nhân loại.
Từ bỏ là đi vào cửa hẹp cùng với Ðức Giêsu.
Phép Rửa đã cho chúng ta trở thành môn đệ Ðức Kitô.
Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài,
chúng ta cần từ bỏ mãi cho đến khi nhắm mắt.
Từ bỏ phải là thái độ nội tâm cần gìn giữ luôn.
Chúng ta dễ nghiêng như tháp Pizza.
Ðiều hôm nay chưa dính bén, mai đã thấy khó gỡ.
Ðiều đã bỏ từ lâu, nay lại bất ngờ hấp dẫn.
Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày
thật là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ.
Chúng ta không được nửa vời, lừng khừng, thỏa hiệp.
Tháp đã bắt đầu xây, cuộc chiến đã khai mào.
Không còn là lúc ngồi xuống mà tính toán nữa.
Cần đầu tư để xây tháp, cần dồn sức để tiến quân.
Cầu từ bỏ mọi vướng víu để tiếp tục trung tín.
Vẫn có những Kitô hữu chịu dở dang và bại trận,
vì họ không dám sống đến cùng ơn gọi làm môn đệ.
Từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu.
Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả.
Ước gì chúng ta vui khi gặp viên ngọc quý là Ðức Giêsu,
dám bán tất cả để thấy mình giàu có.



X Gợi Ý Chia Sẻ
Theo kinh nghiệm của bạn, từ bỏ điều gì là khó hơn cả? Bạn hãy cho biết lý do tại sao.
Có lần bạn đã rất vui khi làm một hy sinh, và bạn cảm thấy mình nhận nhiều hơn cho, được nhiều hơn mất. Bạn hãy kể lại.



X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Nguồn: Trích Tập Manna C của Lm. AnTôn Nguyễn Cao Siêu, SJ