Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

ĐỪNG NGẠI! - CN IV MÙA VỌNG A 22-12-2013


X Lời Chúa (Mt 1,18-24)
18 Sau đây là gốc tích Ðức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse.  Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.


20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."


22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."
24 Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.


X Suy Niệm
Tin Mừng Luca nói đến việc truyền tin cho Ðức Mẹ,
còn Tin Mừng Mátthêu lại nói đến việc truyền tin cho Giuse.
Sứ thần Chúa giải tỏa nỗi lúng túng và bối rối của ông,
khi báo cho ông hay
thai nhi nơi người vợ chưa cùng ông chung sống
là do quyền năng Thánh Thần.
Sứ thần mời gọi ông cứ đón nhận Maria làm vợ,
và chấp nhận thai nhi như con mình.


Giuse đã nói tiếng Xin Vâng.
Ông đón lấy những mầu nhiệm mà ông không hiểu hết.
Maria là một mầu nhiệm.
Người con sắp sinh ra bởi Thánh Thần cũng là mầu nhiệm.
Giuse đã để cho các mầu nhiệm vây bọc mình.
Cả cuộc đời Giuse là chiêm ngắm các mầu nhiệm
diễn ra một cách bình thường, sát bên ông.
Và chính cuộc đời của ông cũng là một mầu nhiệm.



Giuse chấp nhận ý định của Thiên Chúa
dù nó phá vỡ ước mơ ông ấp ủ từ lâu.
Ông muốn làm chồng cô Maria, người ông yêu mến,
nhưng Thiên Chúa lại muốn ông làm bạn của cô thôi.
Ông muốn là cha của một đàn con đông đúc,
nhưng ông chỉ là cha nuôi của Ðức Giêsu.
Bề ngoài, Giuse vẫn gánh trách nhiệm làm chồng, làm cha,
nhưng căn tính sâu xa của ông, ít ai biết.
Ông sống một mình mầu nhiệm đời ông trước Thiên Chúa.
Giuse đã mau mắn nói tiếng Xin Vâng.
Ông luôn bị đánh thức vào lúc đang an nghỉ.
Sứ thần Chúa bảo ông chỗi dậy để làm điều gì đó.
Ông bỏ dở giấc ngủ và lên đường giữa đêm khuya.
Từ Nadarét lên Bêlem, từ Bêlem đi Ai cập, rồi lại trở về.
Giuse chịu trách nhiệm về những kho báu Chúa giao.
Vâng phục một cách đơn sơ: đó là thái độ của Giuse.
Hôm nay có thể Chúa không nói với tôi qua giấc mơ,
nhưng qua bao con đường khác,
rất riêng tư, mà chỉ mình tôi cảm nhận được.
Nếu tôi mau mắn nói tiếng Xin Vâng như Giuse,
tôi sẽ góp phần vào việc cứu độ cả thế giới.
Ðể Con Thiên Chúa làm người, cần tiếng Xin Vâng của Maria,
nhưng cũng cần tiếng Xin Vâng khiêm tốn của Giuse.
Nhận Maria đang mang thai về nhà mình,
và đặt tên cho Hài Nhi trong tư cách một người cha:
những hành động ấy đã cho Giuse một chỗ đứng đặc biệt
trong lịch sử cứu độ.
Chúng ta không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra,
nếu như Giuse cứ cương quyết bỏ Ðức Maria.
Nhờ Giuse, Ðức Giêsu đã là người thuộc nhà Ðavít.
Những lời hứa của Thiên Chúa đã ứng nghiệm (x. 2Sm 7,13).
Cùng với Giuse, xin được gọi tên Con Thiên Chúa là GIÊSU.
Cùng với cả vũ hoàn, xin gọi tên Ngài là EMMANUEL.
GIÊSU là Thiên-Chúa-ở-với-ta cho đến tận thế.


X Gợi Ý Chia Sẻ
Theo kinh nghiệm của bạn, Thiên Chúa thường nói với bạn bằng những cách thức nào?  Có khi nào bạn xin vâng khi dự tính của bạn bị tan vỡ không?
Con Thiên Chúa được gọi bằng nhiều tên: Giêsu, Kitô, Con vua Ðavít, Emmanuel.  Bạn thích tên nào hơn cả?  Tại sao?


X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.


Xin cho con dám ra khỏi chính mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu.  Amen.
Nguồn: Trích Tập Suy niệm Manna A của LM. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

VÀI HÌNH ẢNH VỀ CN IV VỌNG A







Nguyện chúc Quý Vị & Các Bạn MỘT MÙA GIÁNG SINH ĐẦY TRÀN THÁNH ĐỨC VÀ MỘT NĂM MỚI 2014 CHỨA CHAN HẠNH PHÚC!
PETER CUONG KT







Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Còn Phải Ðợi Ai? Chúa Nhật 3 Mùa Vọng A 15-12-2013





X Lởi Chúa (Mt 3,1-12)
2 Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Ðức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: 3 "Thưa Thầy, Thầy có thật là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" 4 Ðức Giêsu trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: 5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, 6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."
7 Họ đi rồi, Ðức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: "Anh em ra xem gì trong hoang địa?  Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? 8 Thế thì anh em ra xem gì?  Một người mặc gấm vóc lụa là chăng?  Kìa những người mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. 9 Thế thì anh em ra xem gì?  Một vị ngôn sứ chăng?  Ðúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. 10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng:
Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con,
người sẽ dọn đường cho Con đến.


11 Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt long mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.  Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông."


X Suy Niệm
"Anh em ra xem gì trong hoang địa?"
Ðức Giêsu đã ba lần đặt câu hỏi như thế.
Hẳn không phải để xem một cây sậy bị gió lay,
vì Gioan chẳng phải là người dễ lung lay, khuất phục.
Cũng không phải để xem người mặc lụa là gấm vóc,
vì Gioan chỉ có áo lông lạc đà và dây lưng da.
Nhưng để gặp một vị ngôn sứ cao trọng hơn cả,
vì ông ở đỉnh cao kết thúc Cựu Ước,
đồng thời ông là người giới thiệu Ðức Kitô cho dân Ít-ra-en.


Ðối với ông, Ðức Kitô là Ðấng mạnh mẽ.
Ngài đến sau ông, nhưng mạnh hơn ông (x.Mt 3,11).
Ngài như người cầm rìu chặt mọi cây không sinh trái
và quăng vào lửa (x.Mt 3,10).
Ngài còn như người cầm nia sàng sảy (x.Mt 3,12),
thóc lép thì cho vào lửa, thóc mẩy thì thu vào kho.
Ngài sẽ thanh tẩy trong Thánh Thần và lửa (x.Mt 3,11).
Quả thực Ngài là vị thẩm phán đáng sợ.
Ngài trừng phạt tội nhân bằng ngọn lửa không hề tắt.


Khi ở tù, Gioan vẫn nghe biết các việc Ðức Giêsu làm.
Thật chẳng có gì giống với những điều ông đã loan báo.
Ngỡ ngàng, hoang mang, ông sai môn đệ đến gặp Ngài.
Ðức Giêsu kín đáo cho thấy Ngài thật là Ðức Kitô,
vì Ngài làm ứng nghiệm những lời ngôn sứ Isaia loan báo.
Ngài không phải là một Mêsia đoán phạt, báo thù,
nhưng là một Mêsia xót thương cúi xuống người đau khổ.
Gioan đứng trước một thách đố.
Ông có chịu đổi quan niệm của mình về Ðấng Mêsia không?
Nếu không đổi, ông chẳng thể nào đón nhận Ðức Giêsu,
Ðấng mà ông đã giới thiệu là Kitô, là Mêsia.
"Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."
Phêrô cũng đã vấp ngã sau khi tuyên xưng đức tin.
Ông không thể nào chấp nhận một Ðấng Mêsia chịu đau khổ.
Giona cũng nổi giận, vì Thiên Chúa không phạt dân Ninivê
như lời ông loan báo (x. Ga 3,4; 4,1).
Như thế cả Giona, Gioan hay Phêrô
đều phải mở ra để đón lấy Thiên Chúa bất ngờ.
Ngài không như điều ta tưởng,
thậm chí có khi Ngài ngược với điều ta rao giảng.
Gioan đã vượt qua chính mình khi nói:
"Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại" (Ga 3,30).
Ông đã giới thiệu môn đệ và dân chúng đến với Ðức Giêsu.
Nhưng ông còn phải vượt qua chính mình một lần nữa,
khi chấp nhận thanh lọc cái nhìn của mình về Ðấng Mêsia.


Mùa vọng là thời gian chờ đợi Chúa đến.
Ta nghĩ Chúa đến một cách ồn ào, oai phong lẫm liệt,
thì Ngài lại đến cách âm thầm lặng lẽ.
Ta tưởng Chúa đến qua những đại lộ thênh thang,
thì Ngài lại đến qua ngõ hẹp tăm tối.
Ta chờ Ngài những câu trả lời, còn Ngài lại đặt câu hỏi!
Xin cho chúng ta đừng đi tìm Ngài, khi Ngài đang ở kề bên.


X Gợi Ý Chia Sẻ
Thiên Chúa thích chơi ú tim với con người.  Ta tưởng Ngài ở đây, thì Ngài lại ở kia.  Ngài luôn vượt quá điều ta nghĩ về Ngài.  Vậy theo ý bạn, làm sao gặp được Ngài?
Ðức Giêsu đã kể ra những việc Ngài làm để cho thấy Ngài thật là Ðức Kitô (x. Mt 11,5).  Theo ý bạn, đâu là những việc bạn phải làm để cho thấy bạn là Kitô hữu thật sự?


X Cầu Nguyện
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Nguời là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

                              R. Tagore


Bài suy niệm trích từ Tập Manna A của LM. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

HÃY SÁM HỐI VÌ CHÚA ĐANG ĐẾN GẦN - CN II MÙA VỌNG II A - 08-12-2013



X Lời Chúa (Mt 3,1-12)
1 Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: 2 "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." 3 Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới:
Có tiếng người hô trong hoang địa:
Hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa,
sửa lối cho thẳng để Người đi.


4 Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt long bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. 5 Bấy giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông. 6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. 7 Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? 8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. 9 Ðừng tưởng có thể bảo mình rằng: chúng ta đã có tổ phụ Apraham.  Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Apraham. 10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. 11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối.  Còn Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người.  Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. 12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi."


X Suy Niệm
Nước Trời đã gần, Ðấng Mêsia sắp đến:
đó là điều Gioan đã hô to trong hoang địa miền Giuđê.
Ðối với ông, Ðấng Mêsia thật là vị Thẩm phán đáng sợ.
Chính Ngài sẽ tách biệt người lành với kẻ dữ,
như người ta phân biệt thóc mẩy với thóc lép,
"thóc mẩy thì thu vào kho, thóc lép thì bỏ vào lửa."
Ngày Ðấng Mêsia đến cũng là ngày Thiên Chúa thịnh nộ.
Rìu đã sẵn, cây không sinh quả thì bị chặt đi.
Người ta sẽ phải chịu phép rửa trong lửa hồng.
Chính vì thế Gioan khẩn trương mời gọi dân chúng sám hối.


Thực tế cho thấy
Ðức Giêsu không phải là Ðấng Mêsia kinh khủng như ông nghĩ.
Tuy nhiên lời mời gọi sám hối của Gioan
vẫn còn nguyên giá trị.
Chúng ta không sám hối vì bị đe dọa và sợ hãi,
nhưng vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương nơi Ðức Giêsu.
Mùa Vọng là mùa sám hối để đón Chúa đến.
Chúa đã đến âm thầm ở Bêlem.
Chúa sẽ đến khải hoàn vào ngày tận thế.
Chúa vẫn đang đến với chúng ta mỗi ngày
qua các bí tích và các biến cố lớn nhỏ.


.
Sám hối là nhìn nhận mình đã gieo rắc bao gương mù
khiến khuôn mặt Ðức Giêsu trở nên khó tin.
Sám hối là tự vấn về những hành động gây chia rẽ
các anh em Kitô hữu với nhau.
Sám hối là ăn năn về những cử chỉ thiếu khoan dung,
về việc đôi khi dùng bạo lực
để bắt người khác chấp nhận chân lý.
Sám hối là nhìn nhận phần trách nhiệm của mình
trước bao sự ác của thế giới hôm nay.
Ðây không phải là việc của cá nhân,
nhưng là việc của cả Hội Thánh.
Một Hội Thánh có can đảm sám hối
là một Hội Thánh đang vươn tới sự thánh thiện.
Chúng ta cần nghe lại những lời nhắc nhở của Gioan.
Ông kéo chúng ta ra khỏi sự tự mãn:
"Ðừng tưởng mình có cha là Apraham." (Mt 3,9)
Ðừng tưởng mình đương nhiên được vào Nước Trời.
Gioan mời mọi người xưng thú tội lỗi (Mt 3,6).
Sông Giođan đã thành nơi con người làm hoà với Thiên Chúa.
"Hãy dọn đường cho Chúa đến"


Hội Thánh và mỗi Kitô hữu là những con đường,
để Chúa đến với nhân loại
và để nhân loại đến với Chúa.
Ước gì đó là những con đường thẳng và phẳng phiu,
để ai cũng muốn đi và đi tới đích.



X Gợi Ý Chia Sẻ
Ðức Thánh Cha mời gọi Hội Thánh sám hối và canh tân.  Bạn có thấy giáo xứ, gia đình hay nhóm của bạn làm điều gì ngược với tinh thần Ðức Kitô và gây gương mù cho người khác không?
Bạn nghĩ gì về đời sống của bạn?  Hiện nay, bạn thấy mình cần hoán cải và canh tân về những điểm nào?


X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
----------------------------------------------------
Nguồn: Bài suy niệm trích từ Tập Manna A của LM. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

HÃY SẴN SÀNG - CN I MÙA VỌNG NĂM A 01-12-2013



X Lời Chúa (Mt 24,37-44)
Ðức Giêsu nói với các môn đệ về ngày quang lâm của Người rằng: 37 "Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. 38 Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. 39 Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy.  Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. 40 Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; 41 hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.
42 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. 43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. 44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.


X Suy Niệm
Vào một ngày của tháng 10 năm 1992,
một số người Nam Hàn tụ tập ở các nhà thờ
để chờ ngày tận thế đến vào lúc nửa đêm.
Có người đã bán nhà và xin nghỉ việc,
nhưng dĩ nhiên đó không phải là ngày tận thế.
Kinh Thánh chẳng hề nói tận thế đến vào lúc nào.
Ðức Giêsu cũng bảo là Ngài không biết (Mt 24,36).
Chính vì thế Kitô hữu không tin những lời đồn thổi,
nhưng kiên tâm chờ đợi trong hy vọng.
Ðây không phải là thứ nơm nớp chờ đợi, khoanh tay,
nhưng là thứ chờ đợi bằng cách sống hết mình
để chuẩn bị cho trái đất đón Chúa trở lại.


Mùa vọng là thời gian đặc biệt để tập sống chờ đợi.
Không phải chỉ là chờ mừng lễ Giáng sinh
mà nhất là chờ đợi Chúa đến kết thúc dòng lịch sử.
Ngày tận thế và ngày Chúa quang lâm là một.
Ðó là một ngày đáng sợ,
không phải vì những hiện tượng kinh khủng sẽ xảy ra,
nhưng vì là ngày Chúa đến phán xét kẻ sống người chết.
Ngày đó còn là một ngày hội vui:
ngày vui của Chúa Giêsu toàn thắng vinh quang,
ngày vui của những người được cứu chuộc,
ngày vui của cả vũ trụ vật chất được giải phóng.
Tận thế là cánh cửa mở ra trời mới đất mới.
Tất cả được đưa vào thế giới vĩnh cửu.
Có lẽ chúng ta hôm nay mong chờ Chúa đến
ít hơn các Kitô hữu thuở ban đầu.
Chẳng ai thích nghĩ đến ngày tận thế.
Tận thế bị coi là chuyện tương lai xa vời.
Cuộc sống hiện tại có vô số mối lo âu và hy vọng:
ăn uống, cưới vợ, lấy chồng, làm ruộng, xay bột
Thật ra, nghĩ đến ngày tận thế
cũng cần như nghĩ đến cái chết của mình.
Cái chết dạy người ta biết cách sống.
Ngày tận thế dạy người ta biết cách xây dựng thế giới
trên nền tảng vĩnh cửu, trên những giá trị trường tồn.


Ðối với Kitô giáo, ngày tận thế không phải là ngày buồn,
ngày của hủy diệt và tang tóc,
nhưng là ngày của thân xác được sống lại,
ngày khai sinh một thế giới mới
không bị hận thù và chết chóc đe dọa.
Ngày tận thế là ngày Chúa quang lâm.
Chúng ta phải sẵn sàng ra đón Ngài.
Sẵn sàng là cùng với Chúa
xây dựng một trái đất đầy tình thương và công lý.
Sẵn sàng là biến trái đất thành con đường dẫn tới Thiên đàng.
Ngày Chúa quang lâm là một ngày bất ngờ,
nhưng nó sẽ ít bất ngờ
đối với những ai biết sẵn sàng chờ đợi.


X Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, có sự giằng co giữa đời này và đời sau nơi người Kitô hữu không?  Làm sao để mối lo toan về đời này không làm ta sao nhãng đời sau?  Làm sao để mối quan tâm về đời sau lại thêm sức cho ta chu toàn bổn phận đối với đời này?
Nếu ngày mai tận thế, hôm nay bạn làm gì?



X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại
Nguồn: Trích Tập Manna A của LM. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ: NHỮNG ĐIỀU LẠ LÙNG CỦA VUA TÌNH YÊU GIÊSU

Ngày nay, trên thế giới, chúng ta nhận thấy: cứ chuẩn bị đến dịp bầu cử là các ứng viên thường vận động cử tri bầu cho mình, và muốn được trúng cử thì đương sự phải đưa ra những kế hoạch mình sẽ làm trong nhiệm kỳ tới.
Nếu lòng dân thấy thuận thì họ bầu cho. Rồi đến khi đắc cử, thường họ hay mở tiệc ăn mừng. Đến ngày ra mắt công chúng, đương sự phải có một bài diễn văn rất hay… như là một cách thức cám ơn dân chúng đã bầu cho mình. Và khi thi hành, người ta dùng quyền để cai trị con dân và giữ gìn an ninh quốc gia.
Hôm nay, kết thúc năm Phụng vụ với lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta có một vị Vua là Vua các vua, Chúa các chúa, nhưng lại không theo kiểu người đời, vị Vua ấy lại chọn cho mình một đời sống từ bỏ, khiêm hạ, yêu thương, khước từ vinh hoa phú quý, lợi lộc trần gian. Vị Vua ấy không cai quản và điều hành bằng quyền lực, mà bằng tình yêu. Rồi cuối cùng trở nên Đấng xóa tội trền gian qua cái chết (x. Ga 1,29). Vị Vua ấy chính là Đức Giêsu Kitô.

1. Đức Giêsu là vua cách lạ lùng
Nếu một vị vua theo kiểu trần gian, ngày đăng quang và xưng vương phải là một ngày trọng đại, có các lễ nghi trang trọng, có dân chúng reo hò chúc tụng, thì Đức Giêsu làm vua, lại là vị vua âm thầm, khiêm hạ, cả cuộc đời, không hề có kiểu “diễu sĩ dương oai” không kèn không trống.
Vương quyền của Ngài được tỏ lộ không phải qua một nghi thức trọng thể, mà lại qua một tấm bảng bêu xấu mà Philatô truyền lệnh đóng trên thập giá, phía đầu Ngài: “Ðây là Vua dân Do Thái”.  Ngai vàng không phải là một cái nghế được sơn son thiếp vàng lộng lẫy cao sang, mà là hai thanh gỗ được ghép lại với nhau thành hình thập tự để làm ngai cho Vua trời ngự giá. Đây là một hình khổ mà người Do thái thời bấy giờ dành cho những kẻ bị kết án tử.


Vương niệm của Ngài không phải là mũ làm bằng kim loại quý (thường là bằng Vàng) và được khảm những châu báungọc ngàđá quýkim cương. Còn Đức Giêsu lại có một vương niệm đặc biệt, đó là một vòng gai được đội trên đầu. Vương trượng là cây sậy yếu ớt, được người ta đưa cho để nhằm chế giễu, chọc ghẹo. Các quan hầu cận là 12 tông đồ, ít học, kém hiểu biết và hoàn toàn không mảy may am tường về chuyện binh đao, họ còn là kẻ bán Chúa, trối Thầy, những kẻ khác thì chạy trốn,… Áo cẩm bào thì lại là thân hình ô nhục. Người thân dự lễ phong vương lại là kẻ thù, chỉ có một vài người vỏn vẹn là Mẹ Ngài, Gioan, mấy phụ nữ và 2 tên gian phi cùng chịu đóng đinh với Ngài. Lẽ ra thần dân tung hô “chúc tụng vạn tuế đức vua” thì lại là: “đóng đinh nói đi”, “đóng đinh nó vào thập giá”, đến nỗi ngay cả kẻ cùng chịu đóng đinh với Ngài cũng cất lên những lời nguyền rủa, nhục mạ, thách thức: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Khung cảnh phong vương thì lại ở trên núi sọ, thay vì ở trong thành phố… Diễn từ khai mạc là: “Lạy Cha xin hãy tha cho họ” và sau cùng: “Mọi sự đã hoàn tất”.


Khi lập pháp thì lại hoàn toàn “Vâng theo ý Cha”. Khi truyền lệnh hành pháp thì lại chỉ có vỏn vẹn trong giới luật Yêu thương: “Đây là giới răn của Thầy là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Và “Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng đã khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh. Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án, và vị dẫn tới chỗ chết… Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta”(Is 53,7-8). Suốt cả hành trình loan báo về Nước Trời, Ngài đã không ngồi yên, mà nay đây mai đó, miễn sao Tin Mừng cứu độ được loan báo và không hề có một dinh thự, lâu đài, mà là: “con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ dựa đầu”.
Như thế, triều đại của Đức Giêsu được kết thúc qua cái chết ô nhục trên thập giá.

2. Đức Giêsu là vua của Tình Yêu
Thế nhưng, đường lối của Thiên Chúa thì vượt xa trí hiểu của con người. Thật vậy, Người đã dùng hành động tưởng chừng như bêu xấu này để mặc khải một lần nữa về bản chất Tình Yêu của Thiên Chúa qua người Con Một của Người là Đức Giê su Kitô.
Ngài là Vua, nhưng lại là một vị vua khiêm nhường, nhân hậu, Ngài là Vua của Hoà bình, Vua Tình yêu. Một vị vua thiếu thốn đủ điều: “Con Người không có nơi tựa đầu”, một vị Vua chết cho thần dân được sống. Ngài là một vị vua của lòng người, của nhân tâm. Ngài xử dụng quyền lực, nhưng là thứ quyền lực “mềm” chứ không phải là quyền lực “cứng” như các nhà lãnh đạo vẫn thường xử dụng.
Vị Vua ấy được ví như người mục tử nhân lành, biết và hiểu rõ từng con chiên trong đàn. Người Mục Tử ấy sẵn sàng bảo vệ đoàn chiên khi gặp sói dữ và chấp nhận hy sinh mạng sống vì đoàn chiên của mình (x. Ed 34,11-12.15-17). Thật vậy, người mực tử chân chính là người còn yêu thương cả những con chiên hư hỏng, đi lạc và tìm cách đưa nó về ràn: vị Vua ấy đến trần gian để cứu vớt những gì đã hư mất (x. Lc 19,1-10). Và vì yêu, Ngài đã “đền bù tội lỗi cả thế gian” (1 Ga 2,2), cũng vì yêu mà: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21). Đức Vua ấy đã trở nên:  “Người Tôi Tớ khổ đau của Giavê Thiên Chúa”, Đấng gánh lấy mọi tội lỗi của trần gian, và dùng chính cái chết của mình để mưu cầu ơn tha tội cho nhân loại. Ngài “đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra Ngài đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (x. Is 53,2-12). Vì yêu, Ngài đã chấp nhận làm bạn với những ai bé nhỏ nghèo hèn, những kẻ tội lỗi, thu thuế, gái điếm, những người ốm đau, bệnh tật, thấp cổ bé họng… Vì thế, Ngài đã lên tiếng bênh vực những người cô thế cô thân. Và mời gọi mọi người hãy Yêu như Thầy là hy sinh mạng sống cho người mình yêu: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13).
Và như một quy luật: sự sống, niềm vui và hạnh phúc nơi con người chính là vinh quang của Thiên Chúa. Vì thế, mới nghe người trộm lành cất tiếng kêu xin: “Lạy Ngài, khi vào Nước Ngài, xin nhớ đến tôi!” thì ngay lập tức, Ngài đã đưa anh ta vào vương quốc của mình qua lời tuyên bố: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng “.

3. Người Kitô hữu tham dự vào sứ vụ Vương Đế của Đức Giêsu
Mỗi người Kitô hữu đều được tham dự vào sứ vụ Vương Đế của Đức Kitô ngày ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Qua Bí tích này, chúng ta được dìm vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh của chính Đức Kitô, Đấng đã yêu mến, vâng phục Cha hết lòng và, cuối cùng đã chết vì yêu để làm vinh danh Đấng đã sai mình đến trần gian hầu biểu lộ tấm lòng từ ái của Thiên Chúa cho nhân loại.
Khi thông chia và được thừa tự sứ vụ đó của Đức Giêsu qua Giáo Hội, nơi Bí tích Rửa Tội, mỗi chúng ta đều có bổn phận thi hành sứ vụ đó trong cuộc đời Kitô hữu của mình.
Là người kitô hữu, chúng ta chỉ có thể chu toàn bổn phận này với một cách tốt đẹp khi noi gương và trở nên giống Đức Giêsu là dám chấp nhận khước từ những vinh hoa lợi lộc thuần túy trần thế. Ở điểm này, thánh Phaolô đã diễn tả: “Đức Kitô, Đấng vốn dĩ giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Người (x. 2 Cr 8,9).
Thật vậy, muốn được cứu độ, ta phải sống thực sự với tinh thần nghèo như Chúa, vì nghèo  thì mới dễ yêu và khi yêu mới mong được trọn vẹn. Nếu chúng ta là con người đúng nghĩa thì phải có cả hồn và xác trong một thân thể, thì nghèo và yêu được ví như hai mặt của cùng một tấm mề đai.
Lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11: 28-29). “Mang lấy ách” của Chúa là gì nếu không phải là: “Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em”. Ách này không thể mang vác được, nếu ta kiêu căng, ngạo mạn và tự mãn, nhưng chỉ với sự hiền lành, khiêm nhường và tình yêu phát xuất từ con tim chân thành.

Thật vậy, chúng ta không thể cùng lúc vừa là Kitô hữu vừa mang tinh thần thế tục. Nếu để hai yếu tố đó thường trực trong con người chúng ta cùng một thời điểm, thì mọi việc chúng ta làm và suy nghĩ sẽ rơi vào tình trạng hư ảo, ngạo mạn, tự đắc.
Ước gì sống tinh thần nghèo và đến với người nghèo bằng một trái tim yêu thương rộng mở sẽ là hướng đích của mỗi chúng ta khi noi gương của vị Vua tình yêu, đã sống và chết vì yêu.
Sống được như thế, chúng ta mới có hy vọng được hưởng lời chúc phúc của Chúa: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi” (Mt 25,34), nơi đó có Vua Tình Yêu ngự trị (x. Pl 2,6-11).
Lạy Đức Giêsu là Vua vũ trụ, xin cho danh Cha được cả sáng, Nước Cha được hiển trị đến tận cùng bờ cõi trái đất. Xin Chúa hãy thống trị lòng trí chúng con bằng tinh thần của Chúa. Xin cho chúng con được sống trong quỹ đạo của tình yêu, để sau cuộc đời này, chúng con được vào Vương Quốc của Chúa trên trời là nơi dành cho những người yêu và được yêu. Amen.
 Jos. Vinc. Ngọc Biển