Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

MỤC TỬ NHÂN LÀNH - CN IV PS / B 26-4-2015

Chúa Nhật 4 Phục Sinh Năm B
Mục Tử Nhân Lành
(Chúa Nhật Chúa Chiên Lành)
X Lời Chúa: (Ga 10, 11-18)
Khi ấy, Ðức Giêsu nói: 11 "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13 vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên. 14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết các chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, 15 như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho chiên. 16 Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. 17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Ðó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được."

X Suy Niệm
Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ
là một hình ảnh quen thuộc đối với người Pa-lét-tin.
Giữa người và chiên có một mối tương quan mật thiết.
Ở đây Ðức Giêsu tự ví mình như người mục tử.
Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê,
vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên,
chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ.
Hội Thánh là đoàn chiên của Ðức Giêsu Kitô.
Giữa Ngài và từng con chiên, có mối dây gắn bó.
Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi,
như Cha biết tôi và tôi biết Cha.
Ðây là cái biết sâu thẳm, cái biết hai chiều.
Chiên không phải là một con vật ngờ nghệch, thụ động.
Chiên là hình ảnh của một ngôi vị tự do.
Vị Mục Tử gọi tên từng con bằng giọng quen thuộc.
Chiên nghe tiếng của Ngài và đi theo.
Như thế giữa Mục Tử và đoàn chiên
có sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận ra nhau dễ dàng,
và một sự trân trọng quý mến nhau đặc biệt.


Sau Phục Sinh, Ðức Giêsu đã giao cho Phêrô sứ mạng
chăn dắt và chăm sóc đoàn chiên của Ngài.
Sứ mạng này bắt nguồn từ một tình yêu.
Yêu mến Ngài dẫn đến yêu mến đoàn chiên Ngài.
Ðức Giêsu là Mục Tử tối cao và gương mẫu.
Mọi mục tử khác chỉ là phụ tá
giúp chăn dắt đoàn chiên của Ngài.
Mọi mục tử phải noi gương Ngài,
dám chết để cho chiên được sống.

Hội Thánh dành Chúa Nhật hôm nay để cầu cho ơn thiên Triệu.
Chúa Giêsu vẫn cần những người tiếp nối công việc của Ngài,
để lo cho đoàn chiên trên thế giới.
Các bạn trẻ khi lớn lên thường lập gia đình.
Ðiều đó thật là tốt đẹp.
Nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn một số bạn trẻ
ở bên Ngài cách đặc biệt để được Ngài sai đi.
Họ chấp nhận hy sinh quyền được lập một tổ ấm,
để có thể yêu mãnh liệt hơn và bao la hơn.


Tiếng gọi của Chúa vẫn vang lên
ở ngay nơi lời nài xin của con người.
Những người đói khát Lời Chúa, đói khát tình thương,
đói khát bánh ăn, đói khát ý nghĩa cuộc sống.
Khước từ tiếng kêu của con người là khước từ tiếng Chúa.
Chúa Giêsu mời các bạn trẻ nhìn thấy đám đông bơ vơ.
Những người bệnh hoạn tật nguyền, những trẻ em đường phố,
những người lầm lỡ, tự đặt mình ở bên lề xã hội...
Thấy họ bằng trái tim và để cho tim mình đáp trả.

Tạ ơn Chúa đã cho Hội Thánh hơn 100.000 đại chủng sinh,
hơn 400.000 linh mục, hơn 800.000 nữ tu.
Nhưng đồng lúc chín vàng vẫn cần nhiều thợ gặt,
tận tụy hơn, thanh khiết hơn, vô vị lợi hơn.
Có thể chính bạn được Chúa bất ngờ mời gọi
để đứng trong đội ngũ những người phục vụ đó!
(Ðể có con số chính xác hơn,
xin xem thống kê của Giáo Hội được đổi mới theo từng năm)
Xin mời theo dõi Thống kê niên giám 2015 của Giáo Hội Công giáo (xin bấm để xem Niên giám của Tòa Thánh và Thống kê mục vu của Giáo phận Kon Tum):


 X Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn nghĩ gì về cuộc sống của các linh mục và tu sĩ ở vùng bạn sống? Các vị ấy đã làm gì và còn phải làm gì cho dân Chúa?
Theo ý bạn, cuộc sống thực dụng hôm nay có làm cho ít người muốn đi tu không? Ði tu có phải là làm một việc khác thường hay bất thường không?


 X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa,
nên cũng thuộc trọn về con người.
Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và từng người,
nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.
Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết với Chúa
để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.
Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,
tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.
Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say mê con người,
hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.

"Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi" Ga 10, 14

Bài suy niệm trích từ Tập Manna B của Lm.An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
"Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi" TV.22, 3a

Lời Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử đời đời, nhờ ơn Chúa, Giáo Hội chẳng thiếu chi; Chúa làm cho chúng con được tái sinh trong nước thanh tẩy và đổ ơn Thánh Thần xuống trên chúng con; Chúa lại dọn cho chúng con bàn tiệc Thánh Thể và đưa dẫn chúng con vượt qua cõi chết mà đi tới Nhà Cha trên trời, nơi đầy tràn ân sủng, hạnh phúc và bình an. A men! 

Ca Khúc:
CHÚA CHĂN NUÔI TÔI - PHƯƠNG THẢO



CN IV PS / B 26042015
MTC



Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN - CN III PS B 19-4-2015

Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm B
Anh Em Là Chứng Nhân

X Lời Chúa: (Lc 24,35-48)
35 Hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại cho Nhóm Mười Một và các bạn hữu những việc đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. 36 Các ông còn đang nói, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói: "Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.
41 Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. 44Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm".
45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và bảo: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, 47 và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân của những điều này.

X Suy Niệm
Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con.
Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma.
Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ,
nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,
họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma.
Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách
để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng.
Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài
để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt.
Ngài còn ăn một miếng cá nướng
để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.
Khi các môn đệ yếu đức tin,
họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma.
Nhưng khi đức tin của họ được củng cố,
họ mới thấy Ngài có thực.
Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa,
vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ,
giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược,
hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau.
Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến.
Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.


Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng.
Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ.
Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại.
Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời.
Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng.
Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi
ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.
Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.
Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết.
Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động.
Những loại ma túy khiến người ta chết không ra người.
Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ.
Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu.
Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt,
và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết.
Họ phải là nguồn sống dồi dào,
sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui.
Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học.
Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc.
Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền.
Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa,
nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình,
chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh,
bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.
Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin.
Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ
thì người ta có thể gặp được Ðấng đang sống.

X Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, người Kitô hữu phải làm gì để người khác tin rằng Chúa đã sống lại (phục vụ người nghèo, lạc quan giữa khó khăn, vui nhận những thiệt thòi...)?
Làm chứng cho Chúa bằng lời nói và bằng cuộc sống, bạn thấy điều nào cần hơn, hay cả hai đều cần?

X Cầu Nguyện
Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
"Các con hãy cho họ ăn đi."
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.
Bài suy niệm trích từ Tập Manna B của Lm. AnTôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường (MTC)

Mừng Chúa Phục Sinh! Alleluia! - CN III PS B 19-4-2015

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

VUI MỪNG VÌ THẤY CHÚA - CN II PS B - CN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA - 11-4-2015



Vui Mừng Vì Thấy Chúa
(Chúa Nhật Lòng Nhân Hậu Chúa)

X Lời Chúa: (Ga 20, 19-31)
19 Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an!" 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: "Chúc anh em được bình an! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em". 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ".


24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. 25 các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tôma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin".


26 Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an" 27 Rồi Người bảo Tôma: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin". 28 Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" 29 Ðức Giêsu bảo:"Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"
30 Ðức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.


X Suy Niệm
"Chúng tôi đã được thấy Chúa"
Ðó là tiếng reo vui ngây ngất của các môn đệ.
Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, chết và chôn cất,
nay bất ngờ hiện đến, đứng giữa họ thật gần gũi.
Ðộng từ "thấy" được nhắc đến 6 lần trong bài Tin Mừng này.
Thấy Thầy vẫn như xưa, với những dấu đinh và vết đâm.
Nhưng Thầy cũng khác xưa, nên không dễ nhận ra ngay.
Maria Macđala cứ tưởng Thầy là người làm vườn.
Ðể thấy được Chúa phục sinh, cần có đức tin.
Ai tin mới thấy, và thấy để rồi tin hơn.
"Phúc cho ai không thấy mà tin"
Chúng ta vẫn tin bao điều mình không thấy.
Các bạn trẻ vẫn tin vào tình yêu, tình bạn.
Các đôi vợ chồng vẫn tin vào sự chung thủy của nhau,
dù chẳng ai thấy rõ hết lòng dạ con người.
Tin không phải là một hành vi mù quáng, phi lý.
Tin chẳng hề làm hạ giá con người.
Trái lại, chỉ con người mới biết tin và dám tin.
Nhờ tin, tôi không còn bị giam trong thế giới chật hẹp
của cân đo đong đếm, của vật chất khả giác,
nhưng được đưa vào một thế giới phong phú hơn nhiều:
thế giới của những ngôi vị tự do, của chính Thiên Chúa.
Tin là chấp nhận bấp bênh, là có thể bị lừa.
Nhưng nếu không tin thì không thể sống được.
Vấn đề là tôi phải biết tôi đã tin vào ai.


Khủng hoảng lớn nhất là khủng hoảng niềm tin:
niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào con người.
Cả hai niềm tin nâng đỡ nhau và cho tôi hạnh phúc.
Ông Tôma không tin vào lời chứng của các bạn,
nên ông chậm tin vào việc Chúa phục sinh.
Khi Chúa giúp ông lấy lại niềm tin vào Chúa,
ông sẽ gắn bó hơn nhiều với cả tập thể.
Chúng ta là những kẻ không thấy mà tin.
Không thấy bằng mắt thường,
nhưng vẫn thấy bằng con mắt đức tin.
Tin là một cách thấy nghiêm túc.
Người tin là người thấy bằng trái tim.
Họ thấy được Ðấng Vô Hình rõ hơn cả cái hữu hình.
Kitô hữu là người tin Chúa, nên cũng là người thấy Chúa.
Thấy Thiên Chúa hiện diện như người Cha nhân từ.
Thấy Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người trên trái đất,
sống chết chỉ vì say mê Cha và say mê con người
và đã sống lại để cho cuộc đời một ý nghĩa mới.
Thấy mọi người là con cái Cha và là anh em của nhau.
Dù những điều chúng ta tin thật là mầu nhiệm,
nhưng đó không phải là chuyện mơ hồ, viễn vông.
Thế giới hôm nay chỉ tin vào những người đã thấy.
Ước gì chúng ta dám mạnh dạn tin Chúa hơn,
để có thể thấy Chúa tỏ tường hơn
và giúp người khác thấy điều mình đã thấy.

CN II PS/ B - KÍNH TRỌNG THỂ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

X Gợi Ý Chia Sẻ
Nhiều khi chúng ta không thấy Chúa chỉ vì chúng ta không dám liều lĩnh tin vào Ngài. Có khi nào bạn gặp được Chúa, vì đã dám quên mình để sống cho tha nhân không?
Có khi nào bạn gặp khủng hoảng đức tin chưa (mất lòng tin vào Thiên Chúa và vào con người)? Ðâu là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng? Ðâu là cách bạn giải quyết?

Chúa đã phục sinh! Alleluia!

X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Mộ trống! Chúa đã sống lại rồi! Hãy vui mừng lên! Alleluia!


 Bài suy niệm trích từ Tập Manna B của Lm. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường (MTC)
Kon Tum, 10/4/2015
Mùa Phục Sinh 2015

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

THỨ NĂM TUẦN THÁNH - PHẢI RỬA CHÂN CHO NHAU - Lm. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ



(02.4.2015 – Thứ năm Tuần Thánh)
footwash.jpg  

1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ

6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : "Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?" 7Đức Giê-su trả lời : "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." 8 Ông Phê-rô lại thưa : "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !" Đức Giê-su đáp : "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." 10 Đức Giê-su bảo ông : "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !" 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : "Không phải tất cả anh em đều sạch."

12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? 13 Anh em gọi Thầy là ' Thầy ', là ' Chúa ', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu gương bác ái cúi xuống rửa chân và hôn chân trong nghi thức rửa chân

Suy Niệm


Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.
 Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.
 Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến
 cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu :
 Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.
 Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.

Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.
Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.
 Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.
 Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,
Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.
 Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.
 Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.
Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ,
thì bây giờ Thầy làm cho trò.
 Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.
 Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.
 Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.
 Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.

Trong cả hai biến cố Rửa chân và Bí tích Thánh Thể,
Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.
 Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân,
 hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài.
 Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu.
 Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.
“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).
“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19).
 Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể
sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.

Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu,
 cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).
 Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau
 như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
 Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy :
“Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi,
 và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.
 Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.
Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nêu gương bác ái, cúi xuống rửa chân và hôn chân trong nghi thức rửa chân

Cầu Nguyện

Lạy Thầy Giêsu,
 khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
 Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
 khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
 khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
 Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

 Lạy Thầy Giêsu,
 thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
 Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
 Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
 Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
 Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
 chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

 Lạy Thầy Giêsu,
 Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
 Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
 Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Bài suy niệm trích từ Tập Manna B của Lm. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Ở đâu có Đức Bác ái và yêu thương,
Ở đó có Thiên Chúa ngự trị