Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

SUY NIỆM LỜI CHÚA NGÀY THỨ SÁU TUẦN XXI TN 01-9-2017


"Chú rể kia rồi! Ra đón đi!" (Mt 25, 6)

Dụ ngôn "Mười nàng trinh nữ" (Mt 25, 1-13)
Bậc lễ: thường
Màu phụng vụ: Xanh
Nghe Lời Chúa qua video:

Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời tôi. Lạy Chúa tôi, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào Chúa. Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Chúng con cầu xin...
Bài Ðọc I:  1 Tx 4, 1-8
"Ðây cũng là thánh ý Thiên Chúa và cũng là sự nên thánh của anh em".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, chúng tôi van nài anh em trong Chúa Giêsu điều này là như anh em được chúng tôi dạy cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em. Vì chưng, đây là thánh ý Thiên Chúa, và cũng là sự nên thánh của anh em là anh em hãy giữ mình khỏi tội gian dâm, để mọi người trong anh em biết giữ thân xác mình trong sự thánh thiện và danh dự: anh em chớ nên buông theo dục tình đam mê, như Dân Ngoại không biết Thiên Chúa: và đừng ai xâm phạm hay lường gạt quyền lợi anh em mình trong việc ấy, vì Chúa sẽ báo oán các điều đó, như chúng tôi đã bảo trước và đã minh chứng cho anh em. Vì chưng, Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để sống ô uế, nhưng để sống thánh thiện. Bởi thế, kẻ nào khinh chê những luật này, thì chẳng phải là khinh dể người phàm, nhưng là khinh dể Thiên Chúa, Ðấng cũng đã ban Thánh Thần Người cho chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 96, 1-2b. 5-6. 10. 11-12
Ðáp: Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa
Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu.
Xướng: Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan; trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.
Xướng: Chúa yêu thương những ai ghét xa điều dữ; Người gìn giữ tâm hồn những tôi ngoan, và giải thoát họ khỏi bàn tay đứa ác. 
Xướng: Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người. 
Alleluia: 1 Tx 2, 13
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy đón nhận lời Chúa, không phải như lời của loài người, mà là như lời của Thiên Chúa, và đích thực là thế. - Alleluia.


Phúc Âm: Mt 25, 1-13
"Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.
"Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: "Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả". Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: "E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn". Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: "Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Nhưng người đáp lại: "Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi". Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào".
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa nhân từ, Chúa đã dùng hiến lễ duy nhất của Ðức Kitô để quy tụ một đoàn con đông đảo; xin thương tình ban cho Giáo Hội ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin...
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, do kết quả việc Chúa làm, địa cầu được no phỉ, để từ trong đất, con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỷ lòng người.
Hoặc đọc:
Chúa phán: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hưởng trọn vẹn ơn cứu chuộc Chúa đã thương ban, để chúng con ngày thêm mạnh sức và hăng say nhiệt thành. Chúng con cầu xin...


 Suy niệm
SẴN SÀNG ĐÓN ĐỢI CHÚA
(Mt 25, 1 -13)
Là con người, ai cũng phải chết, đây là quy luật sinh tử của kiếp người. Tuy nhiên, không ai trên trần gian này biết trước giờ chết của mình. Ý thức được như vậy, chúng ta sẽ dễ hiểu bài Tin Mừng hôm nay khi Đức Giêsu kể dụ ngôn: “Mười trinh nữ”.
Toàn cảnh dụ ngôn là câu chuyện tiệc cưới. Tuy nhiên, ngang qua đó, Đức Giêsu muốn nói đến cuộc giáng lâm lần thứ hai của Ngài trong ngày cánh chung.
Vị hôn phu chính là Đức Kitô. Mười cô trinh nữ tượng trưng cho Giáo Hội. Hành vi ra đón chàng rể là hình ảnh ngày chết của mỗi người.
Chàng rể chậm trễ một phần muốn nói lên sự bất ngờ, phần khác muốn nói đến sự kiên trung, nhẫn nại và sẵn sàng mà mỗi người cần có...
Đèn còn dầu và hết dầu nơi các cô trinh nữ nói lên sự sẵn sàng, tỉnh thức, hối cải, nhạy bén hay không!
Được đưa vào phòng tiệc là hình ảnh được cứu độ.
Cửa đóng lại muốn nói lên sự quyết liệt, dứt khoát trong ngày chung thẩm.


Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn dạy cho người đương thời và mỗi người chúng ta bài học về tinh thần trách nhiệm trong đức tin và tự do. Đồng thời, nhắc cho chúng ta về sự tỉnh thức, sẵn sàng để đón đợi Chúa bằng những việc bác ái, hy sinh, tha thứ, yêu thương... như năm cô khôn có dầu dự trữ mang theo. Không ai trên trần gian này có hai cuộc sống cũng như hai cái chết! Vì thế, phải sẵn sàng.
Mong sao sứ điệp Lời Chúa hôm nay làm cho mỗi người chúng ta suy nghĩ đến cái chết của mình để chuẩn bị cho xứng đáng. Bởi vì biết suy nghĩ đến cái chết hằng ngày là người khôn ngoan.


Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết kiên trì, trung thành và bền đỗ đến cùng trên hành trình tin và theo Chúa. Xin cho chúng con biết chuẩn bị chu đáo cho ngày chết của mình, để Chúa đến với chúng con bất cứ lúc nào, chúng con sẵn sàng ra đi đón Chúa. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP - Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/12309-thu-sau-tuan-xxi-thuong-nien.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường


Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Myanmar và Bangladesh - Ý Nghĩa Khẩu hiệu & Logo Chuyến viếng thăm


Đức Thánh Cha sẽ thăm Myanmar và Bangladesh

8/29/2017 7:40:41 AM
VATICAN. Phòng báo chí tòa thánh chính thức thông báo: ĐTC sẽ viếng thăm Myanmar và Bangladesh vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm nay.

”Nhận lời mời của các vị Quốc trưởng và các Giám Mục liên hệ, ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện một cuộc tông du tại Myanmar từ ngày 27 đến 30-11, viếng thăm các thành phố Yangon và Nay Pyi Taw, rồi tại Bangladesh từ ngày 30-11 đến 2-12-2017, viếng thăm thành phố Dhaka.

 Chương trình chuyến viếng thăm sẽ được công bố trong thời gian tới đây.

 Cùng với thông cáo trên đây, Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố chủ đề và 2 huy hiệu của cuộc viếng thăm.

 - Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC tại Bangladesh là”Hòa hợp và Hòa bình” (Harmony and Peace [tiếng Anh] và Shomprity & Shanti [tiếng Bangla].

 Thực tại và khát vọng Hòa hợp giữa các tôn giáo, văn hóa, dân tộc, xã hội, lịch sử, gia sản và các truyền thống ở Bangladesh.

 Thực tại hòa bình được cảm nghiệm cũng như được khát mong trong tương lai, với một viễn tượng sự phát triển nhân bản toàn diện và tinh thần tại Bangladesh.

 - Huy hiệu (Logo) chuyến viếng thăm của ĐTC tại Bangladesh có hình con chim hòa bình, tượng trưng ĐTC Phanxicô vị sứ giả hòa hợp và hòa bình.

 Thánh giá và Shapla: Thánh giá tượng trưng sự hiện diện của Chúa Kitô và tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Các dân tộc Bangladesh thuộc nhiều văn hóa và tôn giáo đang sống với nhau trong tinh thần hòa hợp dựa trên mối liên hệ chung, được diễn tả bằng bông hoa quốc gia Shpala. Nó cũng tượng trưng sự sống và hy vọng, đồng thời cho thấy niềm tin của chúng ta rất sinh động, dù rằng chúng ta là thiểu số.

 Màu của huy hiệu: xanh lá cây, đỏ và vàng là những màu cờ quốc gia Bangladesh và Vatican. Sự liên kết các màu này tượng trưng sự đoàn kết và tình hữu nghị giữa Vatican và Bangladesh. Vatican là một trong những nước đầu tiên nhìn nhận nền độc lập của Bangladesh hồi năm 1971. Màu xanh dương trong chữ viết diễn tả biểu tượng hòa bình và nước trong của các sông ngòi ở Bangladesh.

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 28.08.2017)
------------------------------ 
Nguồn:http://conggiao.info/duc-thanh-cha-se-tham-myanmar-va-bangladesh-d-42409
------------------------------ 

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Myanmar từ 27 đến 30-11-2017

8/29/2017 7:42:48 AM
VATICAN. Hình huy hiệu là một trái tim. Căn bản chung của Kitô giáo và Phật giáo là Tình yêu. Chính ý niệm này tạo nên sự tôn trọng và đón nhận nhau giữa các tín hữu Kitô và Phật tử.

Sợi dây làm thành hình trái tim là hai lá cờ: cờ Vatican màu vàng và trắng, màu cờ Myanmar màu vàng, xanh trái cây và đỏ.

 Bản đồ Myanmar màu được vẽ màu với một cầu vồng. Nó nói lên sự đa chủng tộc tại Myanmar: nước này có 8 bộ tộc chính và 135 nhóm chủng tộc với những ngôn ngữ, thổ âm và văn hóa khác nhau.

 Hình Đức Thánh Cha với một chim bồ câu có ý nói ĐTC là sứ giả hòa bình.



 ”Yêu thương và Hòa bình”, đó là khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC. Hòa Bình Kitô dựa trên Tình Yêu. Không thể có hòa mình mà không có tình yêu. Tình Yêu mà dân tộc Myanmar yêu chuộng nhất, sẽ dọn đường cho hòa bình. Cuộc viếng thăm của ĐTC là để cổ võ Tình Thương và Hòa bình tại Myanmar.

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 28.08.2017)
------------------------------------ 
Nguồn: http://conggiao.info/khau-hieu-cuoc-vieng-tham-cua-duc-thanh-cha-tai-myanmar-d-42410
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
------------------------------------ 

 Tìm hiểu thêm về Tiến trình ngoại giao giữa Vatican và Myanmar
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và phái đoàn Myanmar do Bà Aung San Suu Kyi hướng dẫn tại Vatican, 04/05/2017 (AP)

Giáo Hội Myanmar Đón Nhận Quan Hệ Ngoại Giao Với Tòa Thánh Vatican

Pathein, Myanmar, 05/05/2017 (MAS) – Đức Giám Mục John Hsane Hgyi, giám mục giáo phận Pathein của Myanmar đã thể hiện niềm vui trước sự đồng thuận chung giữa Tòa Thánh và Nước Cộng Hòa Liên Bang Myanmar về việc thiết lập các mối quan hệ ngoại giao, một quyết định mà Ngài cho là vì sự phát triển tích cực và vì những bước hướng đến sự thay đổi.
Quyết định diễn ra sau một cuộc gặp gỡ tại Vatican được tổ chức vào ngày 04/05, giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, Cố Vấn và Ngoại Trưởng Burma.
Đức Giám Mục nhấn mạnh rằng thách đố chính vẫn là giải quyết các mâu thuẫn với các dân tộc thiểu số. Ngài hy vọng tất cả mọi nhóm thiểu số khác nhau có thể tham gia vào ngày gặp mặt quốc gia 24/05 tại Yangon để cùng ký kết một lệnh ngừng bắn và biến nó thành một bước thực sự hướng đến sự hòa giải quốc gia.
Tất cả mọi dân tộc tại Myanmar và tất cả mọi tôn giáo đều muốn hòa bình, Ngài nói nhưng ngày nay đất nước cần một nỗ lực nhân danh mọi người để đạt tới hòa bình. Giáo Hội Công Giáo thể hiện tình liên đới sâu thẳm nhất ngay cả với anh em Hồi Giáo Rohingya và mong muốn những giải pháp tôn trọng phẩm giá con người và nhân quyền, theo tiêu chuẩn hòa bình và công lý, Đức Giám Mục nhấn mạnh.
Giáo Hội Công Giáo tại Myanmar đang coi năm 2017 là Năm Hòa Bình và người tín hữu được khích lệ ăn chay, thực hiện những hy sinh và nâng cao ý thức về hòa bình tại đất nước. Hiện tại các cuộc hội thảo và thảo luận đều đang được cổ võ về chủ đề hòa giải ở nhiều giáo phận và sự hợp tác của các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đang được tìm kiếm, Đức Giám Mục nói.
Phát ngôn viên chính phủ Zaw Htay nhận định về quan hệ ngoại giao khi nói rằng đất nước của ông muốn là một phần của gia đình quốc tế và rằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican là chìa khóa cho điều đó, trước vai trò của việc này là một điểm qui chiếu đối với tất cả mọi Kitô Hữu.
Một phát ngôn của Giáo Hội Công Giáo tại Myanmar, Cha Soe Naing, nói rằng mối quan hệ mới sẽ thực hiện nhiều hơn là thuần túy sắp xếp các mối liên lạc trực tiếp giữa Tòa Thánh và Yangon.
Sự cần thiết hòa bình được thể hiện ở mọi cấp độ. Đức Hồng Y Bo tại một cuộc hội thảo hòa bình liên tôn tại Yangon vào ngày 26/04 nhắc nhớ các anh em của Ngài từ các niềm tin khác về việc tuân thủ đạo đức của họ để xây dựng hòa bình và hòa hợp ở các cấp độ thấp nhất trong một đất nước đang bị xâu xé. Ngài nói rằng mong muốn hòa bình cần phải chiếu tỏa qua mọi lời nói và việc làm, và giải pháp phải được tìm thấy qua “đối thoại và sự hiểu biết nhau”.
Khoảng 1% trong tổng số 51 triệu dân Myanmar là người Công Giáo nơi mà Giáo Hội đã hoạt động trong 5 thế kỷ. Dịp kỷ niệm 500 năm Giáo Hội Myanmar đã diễn ra vào năm 2011, nhưng tình hình chính trị và sự thiếu sự tự do tôn giáo hồi đó, đã không cho phép một việc tổ chức trên cả nước. Do đó, năm thánh đã bắt đầu từ 24/11/2013 – 24/11/2014.
Âu Dương Duy (Theo Fides)
Nguồn: http://masimpress.com/ban-tin/giao-hoi-myanmar-don-nhan-quan-he-ngoai-giao-voi-toa-thanh-vatican
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
---------------------------------------------------------- 
BẢN ĐỒ 
VỀ CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐTC PHANXICÔ
TẠI MYANMAR (27 ĐẾN 30-11-2017) VÀ TẠI BANGLADESH (30.11 ĐẾN 2.12.2017)


ĐTC. Phanxicô trong các chuyến tông du của ngài

GHI CHÚ:
Giáo hội Công giáo Myanmar đã hình thành và hoạt động tròn 500 năm tính đến năm 2011 với tỉ lệ giáo dân là 1% trên tổng số 51 triệu dân. Đặc biệt, Myanmar đã tiến triển sớm hơn VN trên đường thực hiện nền dân chủ tự do và đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Vatican, nhờ công lao to lớn của Bà Aung San Suu Kyi.
Nay đất nước Myanmar đang nhộn nhịp chuẩn bị đón mừng Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước này từ 27 đến 30-11-2017 sắp tới với khẩu hiệu "YÊU THƯƠNG VÀ HÒA BÌNH". Thật là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao dành cho mọi người tín hữu và toàn thể dân tộc Myanmar, người bạn rất gần gũi và thân thiết với Việt Nam về địa lý và về các mối quan hệ, như cùng là thành viên Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á Châu (gọi tắt là A.S.E.A.N.).
Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng có quá trình lịch sử lâu đời như Giáo hội Myanmar, và hiện đang ước nguyện Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Giáo hội CG và thăm đất nước Việt Nam, nhưng chỉ vì trong hiện tại nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chưa lập quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican, mà chỉ mới chấp nhận liên lạc ngoại giao cấp thấp là thừa nhận vị Đại diện Tòa Thánh không thường trú và những cuộc đàm phán song phương hàng năm, thường rất nặng về hình thức, không cho thấy những bước tiến triển khả quan và nhanh chóng trong nội dung các cuộc đàm phán này.
Do vậy, riêng Giáo hội Việt Nam với tỉ lệ 8% giáo dân trên tổng số 90 triệu dân, sẽ tiếp tục không ngừng cầu nguyện nhiều hơn nữa cho đất nước Việt Nam noi theo gương người tốt, việc tốt của đất nước láng giềng Myanmar, nhanh chóng hội nhập với thế giới trên con đường dân chủ, tự do và hòa bình thực sự, mới mong thấy được ngày Đức Thánh Cha viếng thăm đất nước Việt Nam như một thực tế mà dân tộc Myanmar đang hân hoan đón nhận.
P. Mai Tự Cường

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Trên Tảng Ðá Này - Suy Niệm Lời Chúa CN XXI TN 27-8-2017


X Lời Chúa: (Mt 16,13-20)
13 Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" 14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ". 15 Ðức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" 16 Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". 17 Ðức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". 20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðấng Kitô.


 X Suy Niệm
Trong cộng đoàn Hội Thánh,
SIMON là khuôn mặt nổi bật trong nhóm Mười Hai.
Ông thuộc nhóm những môn đệ đầu tiên theo Ðức Giêsu,
và là một trong ba môn đệ thân tín nhất.
Ông có mặt lúc Chúa hiển dung và trong Vườn Dầu.
Ông thường là phát ngôn viên của cả nhóm (x. Mt 19,27).
Ðức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho ông trước tiên (1Cr 15,5),
và giao cho ông chăn dắt đoàn chiên của Ngài (Ga 21,15-17).
Simon có bản tính bộc trực, hăng hái.
Vì quá tin vào sức mình, ông đã sa ngã, chối Chúa.
Bất chấp những yếu đuối và giới hạn của Simon,
Ðức Giêsu vẫn chọn ông đứng đầu nhóm Mười Hai,
và làm nền tảng cho Hội Thánh của Ngài.
Ngài đặt cho Simon một tên mới là Phêrô,
tiếng Aram gọi là Kêpha, nghĩa là Tảng Ðá.
Tên mới này phản ánh sứ mạng Chúa giao cho ông.
Phêrô được tuyên bố là người có phúc,
vì ông đã được Cha trên trời cho biết Ðức Giêsu là ai.
Ông đã tin tưởng đón nhận mạc khải ấy.
"Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống."
Ðó là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô.
Nhưng ông không chỉ tuyên xưng đức tin của mình,
ông còn tuyên xưng tình yêu nữa:
"Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy."
Với niềm tin-yêu vào Ðức Giêsu,
Phêrô sẵn sàng chia sẻ sứ mạng Mục Tử của Ngài,
sẵn sàng hiến mình vì đoàn chiên.
Quả thực, Phêrô đã giang tay chịu chết như Thầy Giêsu,
đã theo Thầy và đến nơi mình không muốn đến.


Chúng ta ngỡ ngàng trước sự tin tưởng của Ðức Giêsu.
Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài.
dù ông chỉ là một ngư phủ bình thường, ít học.
Chỉ mình Ðức Giêsu mới là Nền Tảng (x. 1Pr 2,4-5),
nhưng Phêrô cũng được làm nền cho Hội Thánh.
Chỉ mình Ðức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7),
nhưng Phêrô cũng được trao chìa khóa Nước Trời.
Nếu Phêrô có quyền giáo huấn,
quyền thánh hoá và quản trị Hội Thánh,
thì chỉ nhằm mục đích là phục vụ Dân Chúa.
Hội Thánh đã gặp biết bao khó khăn trong dòng lịch sử.
Không phải chỉ là những cuộc bách hại đẫm máu,
mà còn là những chia rẽ, tranh chấp nội bộ,
những sa sút trầm trọng vì chạy theo thế gian.
Hôm nay, Hội Thánh cũng gặp khó khăn không ít,
khi nhiều người bỏ nhà thờ, bỏ đức tin,
khi ơn gọi giảm sút ở nhiều nơi,
khi Ðức Thánh Cha bị công kích.
Ước gì mỗi người chúng ta ở lại và yêu mến Hội Thánh,
cải tổ và canh tân Hội Thánh
bằng việc canh tân chính bản thân mình.


 X Gợi Ý Chia Sẻ
Khuôn mặt Hội Thánh vẫn còn nhiều vết nhăn, và trở nên khó coi trước mặt mọi người. Theo ý bạn, đâu là điều cần phải sửa trước hết, để Hội Thánh trở nên đáng tin hơn?
Bạn có khi nào cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha không? Bạn có cảm được gánh nặng trách nhiệm và nỗi âu lo của Ðức Thánh Cha trước những vấn đề của Hội Thánh và của thế giới không?


 X Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa.  Amen.
--------------------------- 
Nguồn: Trích Tập Manna A của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
----------------------------- 
VIDEO NHẠC THÁNH CA:
(XIN BẤM NGHE)

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

SUY NIỆM "LÒNG TIN CỦA BÀ MẠNH THẬT" CN XX TN A 20-8-2017


X Lời Chúa: (Mt 15,21-28)
21 Hôm ấy, Ðức Giêsu lui về miền Tia và Xiđôn, 22 thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi. Ðứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!" 23 Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: "Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!" 24 Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi." 25 Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!" 26 Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con." 27 Bà ấy nói: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống." 28 Bấy giờ Ðức Giêsu đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.


 X Suy Niệm
Một người mẹ có đứa con gái bị quỷ ám.
Bà là dân ngoại, còn Ðức Giêsu là người Do thái.
Ít khi Ngài đến vùng đất quê hương của bà.
Không rõ nhờ đâu mà bà biết được Ðức Giêsu.
Khi thấy Ngài, bà tin rằng cơ may đã đến,
con bà hoàn toàn có hy vọng khỏi bệnh.
Ðức Giêsu khen bà là người có lòng tin lớn lao.
Khi đọc lại đoạn Tin Mừng trên, chúng ta thấy điều đó.
Lòng tin lớn lao biết kiên trì khi Chúa thinh lặng.
Bà xin Ngài nhìn đến nỗi đau của người mẹ,
đau vì nỗi đau của đứa con.
Nhưng Ðức Giêsu không đáp lại một lời.
Phải chăng Ngài lạnh lùng trước nỗi đau,
lãnh đạm trước điều Ngài có thể làm được?
Lắm khi chúng ta cũng gặp sự thinh lặng như thế.
Chúng ta khắc khoải tự hỏi:
Chúa có nghe gì không? Chúa có thấy gì không?
Lòng tin lớn lao biết kiên trì khi bị từ chối.
Bà chẳng ngã lòng trước sự thinh lặng của Ðức Giêsu.
Bà cứ đi sau mà kêu, kêu hoài, kêu mãi.
Rồi bà trực tiếp giáp mặt Ngài,
và nài xin Ngài cứu giúp.
Kết quả là một lời từ chối không khoan nhượng:
"Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con."
Bà có bị sốc không
khi Ðức Giêsu ví dân ngoại với chó con nuôi trong nhà
không đáng được hưởng phần bánh của con dân Ít-ra-en?
Chắc chắn bà đã chẳng thất vọng trước lời từ chối này.


Lòng tin lớn lao là lòng tin khiêm tốn.
Bà chấp nhận lối so sánh của Ðức Giêsu.
Bà chấp nhận mình chỉ là chó con,
chỉ dám trông chờ những vụn bánh từ bàn rơi xuống.
Bà không dám mong được phần ăn của các con.
Sức mạnh của lòng tin ở nơi sự khiêm tốn.
Tin không phải là đòi hỏi.
Tin là chờ đợi tất cả từ tay Chúa,
và đón lấy tất cả như hồng ân nhưng không.
Ðức Giêsu từ chối giúp người phụ nữ dân ngoại
vì Ngài thấy rõ sứ vụ Cha giao cho Ngài:
Ngài chỉ được Cha sai đến với người ít-ra-en thôi.
Nhưng Ðức Giêsu không cứng nhắc trong nguyên tắc.
Ngài tin Cha vẫn nói với Ngài qua mọi cảnh ngộ,
nên Ngài cứ để cho trái tim Ngài được tự do mở ra,
ngỡ ngàng và ngây ngất trước lòng tin của người phụ nữ.
Ngài để cho mình bị chinh phục
và chấp nhận thay đổi quyết định ban đầu.
Thay đổi không phải là phản bội hay thiếu ý chí.
Thay đổi là trung thành và uyển chuyển
để có thể nắm bắt được ý Cha mới hé lộ cho ta.
Ước gì chúng ta để Cha dẫn đi từng ngày,
và mở chúng ta ra trước những chân trời mới.


 X Gợi Ý Chia Sẻ
Lòng tin lớn lao của người phụ nữ dân ngoại đã khiến Ðức Giêsu đổi ý.  Ngài đổi ý vì Ngài nghe thấy một lời mời gọi mới của Cha. Bạn là người uyển chuyển hay là người có tính nguyên tắc?  Làm sao để uyển chuyển không trở thành thiếu kiên định, và tính nguyên tắc không trở thành cứng nhắc?
Bạn nghĩ gì về lòng tin của bạn hiện nay?  Bạn có còn tin vào Thiên Chúa không?  Theo bạn, tin là gì?


 X Cầu Nguyện
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ
vì những gì Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha
vì những gì Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.
--------------------------------------------------------------- 
Nguồn: Trích Tập Manna A của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường - CN 20-8-2017
---------------------------------------------------- 
VIDEO THÁNH NHẠC (Xin bấm nghe)

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

THA THỨ THẬT THÀ - Thứ Năm tuần XIX TN ,Mt 18, 21-19,1

Tha thứ cho nhau
Mỗi ngày sống của chúng ta là một chuỗi những ân huệ của Thiên Chúa tình yêu. Từ bầu không khí trong lành đến những khoảng thời gian quý báu. Từ sức khỏe thể lý đến sức mạnh tâm linh. Từ khả năng trí tuệ đến năng lực tiếp xúc ngoại tại. Tất cả là những ân ban của Thiên Chúa để chúng ta sử dụng làm vinh danh Ngài và mang lại ơn ích cho chúng ta và cho mọi người.
Thế nhưng trong thực tế, chúng ta đã chẳng đáp lại cho cân xứng mối tình bao la nhưng không của Ngài. Những ân huệ ấy mãi mãi là món nợ tình yêu mà có lẽ không bao giờ con người có thể đền bù cho đủ.
Nếu Thiên Chúa càng tỏ rõ vinh quang và sự cao cả của Ngài khi Ngài tha thứ thì con người càng nên giống Thiên Chúa khi biết tha thứ cho nhau. Chính vì thế mà Đức Giê-su đòi hỏi phải tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ đến vô cùng, lúc đó mới có thể nói “tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta”. Như thế, tha thứ được xem như đòi hỏi hàng đầu không phải đối với một số thành phần ưu tuyển mà là đối với mọi Ki-tô hữu.
Trong thực tế chúng ta đều có kinh nghiệm rằng tha thứ như thế không phải là chuyện dễ dàng: “Tôi sẵn lòng tha thứ, nhưng tôi sẽ không thể quên sự xúc phạm người đó đã làm cho tôi, tôi sẽ không bao giờ tin tưởng người đó nữa”. Tha thứ như thế chưa phải là tha thứ thực sự, chưa phải là tha thứ như Chúa đã tha: xóa sạch cả tội lỗi lẫn hình phạt do tội gây ra và còn phục hồi cho con người địa vị và phẩm giá là người con của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay cho thấy, chúng ta được hưởng rất nhiều trước sự “nhanh nhảu” của Phêrô. Bỗng dưng ông đưa ra trước Chúa Giêsu một câu hỏi thiệt hay và rồi ông tự trả lời cũng bằng một câu hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”.  Có lẽ ông nghĩ, ông sẽ được Chúa khen bởi vì tấm lòng rộng lượng và sự hào phóng của mình. Bởi vì ông đã gấp đôi số định mức tối đa của luật Do Thái và cộng thêm một.
Chẳng bao giờ có thể tính hết được muôn ngàn lần chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa. Thế nhưng, vì Ngài là tình yêu, nên trái tim yêu thương của Ngài luôn luôn rộng mở để sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Một tình yêu tha thứ không giới hạn như trong bài Tin Mừng hôm nay. Cho dù món nợ của chúng ta có khổng lồ đến mấy đi nữa, thì trái tim Ngài luôn chạnh lòng thương và tha bổng cho chúng ta (câu 27).


Tình thương tha thứ của Thiên Chúa chắc hẳn phải được ghi sâu trong thâm tâm chúng ta. Để rồi chúng ta cũng phải luôn luôn sẵn sàng yêu thương tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta.
Chúa Giêsu đưa ra một con số khác và một ví dụ so sánh cũng bằng các con số, để định mức cho Phêrô và cho chúng ta về sự rộng lượng trong việc thứ tha, giúp chúng ta nhìn về tình yêu thương tha thứ vô bờ của Thiên Chúa và cách chúng ta hành xử với anh em đồng loại của mình.
          Trước tiên Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta về “số lần” tha thứ cho anh em: Sự quảng đại và hào phóng của con người chỉ có thể nói được như Phêrô: gấp bảy lần thôi. Nhưng đối với Thiên Chúa, tình yêu và sự quảng đại của Ngài đòi hỏi nhiều hơn. Ngài đòi hỏi tình yêu phải “vô biên”, tha thứ phải “vô cực”, bản chất của hành động thể hiện tha thứ phải “vô lượng”, cách thế tha thứ phải “vô chiêu”. Bảy mươi lần bảy, cho một người trong một ngày… làm sao có thể xảy ra… mà giả như có xảy ra đi nữa, thì Thiên Chúa cũng đòi hỏi con người phải tha thứ cho nhau. Như vậy, Thiên Chúa đòi hỏi con người phải học biết tha thứ cho nhau không giới hạn, không định mức.
          Tiếp theo Chúa Giêsu lấy ví dụ hai con nợ để so sánh về “phẩm chất” của sự tha thứ : Ngài mô tả con nợ của “VUA” là “mười ngàn yến vàng”; con nợ của tên “đầy tớ” là “100 quan tiền”. Một bên là “đầy tớ” và “vua” còn một bên là “đồng bạn” với nhau. Một vị vua uy nghi cao trọng đã tha bổng cho con nợ đầy tớ với món nợ vô cùng lớn lao chỉ vì anh ta van xin, thế nhưng người ấy đã nhẫn tâm bóp cổ đồng bạn chỉ vì một trăm quan tiền, mà anh bạn kia cũng đã van xin. Hình ảnh Chúa Giêsu đưa ra ở đây chắc hẳn với mục đích nhấn mạnh: ngoài “số lần tha thứ” con người phải thực hiện đến vô cùng cho nhau, nếu như còn có sự chênh lệch về “phẩm”, về “lượng”, về “đối tượng” của sự việc cần tha thứ, Chúa cũng đòi hỏi con người phải thực thi tha thứ. Chúa Giêsu không định mức số lần tha thứ, cũng không giới hạn bản chất sự việc cần được tha. Tắt một lời, Chúa muốn chúng ta tha thứ không định mức, tha thứ phải vô biên, vô lượng, vô chiêu, vô phương, vô cách.
Thật vậy, ta có thể tìm sâu hơn ý Chúa muốn qua trang Tin Mừng hôm nay, không những chúng ta phải học cách tha thứ vô biên, vô lượng, mà chúng ta còn phải sáng tạo ra cách thế tha thứ sao cho phù hợp với sự vô biên ấy. Nếu chúng ta muốn được tha thứ vô biên chừng nào, thì cách thức nài xin tha thứ của chúng ta, cũng thể hiện lòng thành của chúng ta chừng ấy.
Hôm nay Đức Giêsu dạy cho chúng một bài học về sự tha thứ đích thực khi kể về dụ ngôn của người đầy tớ không biết yêu thương đồng loại của mình khi mình đã ông chủ tha cho một món nợ lớn. Còn người đồng bạn nợ anh ta một số tiền nhỏ thì anh ta lại không tha thứ và nhất quyết bắt bỏ vào tù. Khi nghe biết điều đó thì ông chủ đã bắt tên đầy tớ bất nhất đó hành hạ cho tới khi trả hết nợ. Quả thật đây là một thảm kịch cho người đầy tớ bất nhân đó. Và lúc đoạn cuối của dụ ngôn Đức Giêsu đã cho ta một lời cảnh báo: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18, 35).
Thật vậy, mỗi người chúng ta thật là hạnh phúc vì được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng và sai con một đến cứu chuộc vì tội lỗi của tổ tông. Không những thế Ngài để Con Một của mình ở lại qua Bí Tích Thánh Thể và tha thứ cho ta qua Bí Tích Hòa Giải. Vì thế, Ngài khuyên chúng ta hãy biết tha thứ cho anh em với hết cõi lòng.
Chúa mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn đón nhận tình thương tha thứ của Ngài, đồng thời cũng hãy sống quảng đại nhiều hơn với anh em bằng tình yêu thương tha thứ mỗi khi chúng ta bị xúc phạm.
Huệ Minh
Nguồn: http://giaoxutanviet.com/tha-thu-that-tha/
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Xin Cho Con Ði Trên Mặt Nước! (Mt. 14, 22-33) - CN XIX TN A 13-8-2017


X Lời Chúa: (Mt 14,22-33)
Sau khi đã làm phép lạ cho năm ngàn người ăn no, 22 Ðức Giêsu liền bảo các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến, Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy!", và sợ hãi la lên. 27 Ðức Giêsu liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" 28 Ông Phêrô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." 29 Ðức Giêsu bảo ông: "Cứ đến!" Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Ðức Giêsu. 30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với!" 31 Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" 32 Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. 33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!"


 X Suy Niệm
Giữa lúc dân chúng định tôn Ðức Giêsu làm Vua,
sau khi đã được no nê bánh và cá,
thì Ngài lại giải tán họ,
và buộc các môn đệ phải chèo thuyền qua bờ bên kia.
Yên lặng trở lại với nơi hoang vắng.
Chỉ còn một mình Ðức Giêsu, cầu nguyện.
Ngài chìm sâu trong gặp gỡ Cha, Ðấng sai Ngài.
Nhưng Ðức Giêsu không quên các môn đệ.
Ngài biết họ đang vật lộn với sóng gió, một mình.
Kinh nghiệm cam go này thật cần cho họ.
Mãi gần sáng, Ngài mới đi trên mặt nước mà đến.
Các môn đệ tưởng là ma, nên kêu la sợ hãi.
Ðức Giêsu trấn an họ: "Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ."
Tuy còn ngờ vực, Phêrô đã dám liều đề nghị:
"Nếu quả là Thầy, thì xin cho con
được đi trên mặt nước mà đến với Thầy."
Thật là một lời đề nghị làm ta kinh ngạc.
Phêrô có thể chỉ cần nói:
Nếu quả là Thầy, thì xin cho sóng gió yên lặng.
Nói như thế dễ hơn nhiều, ít nguy hiểm hơn nhiều.
Nhưng Phêrô đã chấp nhận dấn thân nghiêm túc.
Nếu không phải là Thầy, thì thật là dại dột.
Nhưng nếu đúng là Thầy,
thì ông tin mình cũng đi được trên mặt nước như Thầy.


Ðức Giêsu chấp nhận đề nghị của Phêrô: "Cứ đến."
Thế là Phêrô bước ra, đi trên mặt nước, đến với Ðức Giêsu.
Thật không thể tưởng tượng nổi,
mặt nước trở nên cứng như đá,
hay con người có đức tin trở nên nhẹ bổng.
Phêrô đi được bao xa, ta không rõ,
nhưng lòng ông thì cứ reo lên sau mỗi bước đi:
"Ðúng là Thầy rồi!"
Phải tin thì mới dám xin đi trên mặt nước,
nhưng phải dám đi trên mặt nước, thì mới tin trọn vẹn.
Cần ngắm nhìn những bước chân của Phêrô,
những bước chân của lòng tin mạnh mẽ.
Nhưng khi gió lồng lên dữ dội, nỗi sợ hãi ùa vào,
lòng tin bị chao đi với sóng,
lúc đó Phêrô thấy mình bị hút xuống lòng biển.
Ông chỉ kịp kêu lên: "Lạy Thầy, xin cứu con."
Bàn tay Chúa đưa ra nắm lấy ông và đưa ông về thuyền.
"Người kém tin, tại sao lại hoài nghi!"
Hoài nghi và sợ hãi đã làm Phêrô trở nên nặng nề,
và nhận chìm ông xuống.
Chúng ta chỉ bắt đầu hiểu tin là gì
khi phải chịu lênh đênh giữa sóng gió và đêm tối
chỉ vì Chúa buộc phải ra đi,
khi dám xin đi trên mặt nước
dù Chúa chỉ là cái bóng trước mặt.



X Gợi Ý Chia Sẻ
Qua đoạn Tin Mừng trên đây, bạn có thấy Ðức Giêsu là một nhà huấn luyện giỏi để cho các môn đệ trưởng thành hơn trong đức tin không?
Thánh Phêrô đã có kinh nghiệm đi trên mặt nước.  Trong đời bạn, bạn có một kinh nghiệm kinh khủng tương tự như thế không?


 X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,
nhưng nhiều khi con cảm thấy
sống đức tin giữa lòng cuộc đời
chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.
Ði trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.
Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,
để con trở nên nhẹ tênh
mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.
Nguồn: Trích Tập Manna A của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
---------------------- 
VIDEO THÁNH NHẠC