Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Mù và Sáng (Chúa nhật 4 mùa Chay, năm A) - TRẦM THIÊN THU


Thứ hai - 24/03/2014 23:59
Mù và Sáng (Chúa nhật 4 mùa Chay, năm A)
Mù và Sáng (Chúa nhật 4 mùa Chay, năm A)
Tiền nhân xác định: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Điều đó cho thấy đôi mắt sáng rất cần cho cuộc sống. Người mù bẩm sinh còn đỡ khổ hơn người lớn lên mới bị mù. Người mù bẩm sinh cảm thấy “bình thường” vì họ không có khái niệm về sáng – tối, cao – thấp, lớn – nhỏ, mập – gầy, vuông – tròn,… hoặc về màu sắc. Người lớn lên mới bị mù cảm thấy khổ hơn vì đã trải nghiệm nhiều khái niệm.



Tin Mừng Ga 9, 1-41

Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy, và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôe mà rửa" (chữ Silôe có nghĩa là được sai)". Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.
Những người láng giềng và kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: "Ðó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?" Có kẻ nói: "Ðúng hắn". Lại có người bảo: "Không phải, nhưng là một người giống hắn". Còn anh ta thì nói: "Chính tôi đây".
Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt. Anh đáp: "Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt". Mấy người biệt phái nói: "Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat". Mấy kẻ khác lại rằng: "Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?" Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: "Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Ðó là một Tiên tri". Họ bảo anh ta: "Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?" Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.
Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: "Anh có tin Con Thiên Chúa không?" Anh thưa: "Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?" Chúa Giêsu đáp: "Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh". Anh ta liền nói: "Lạy Ngài, tôi tin", và anh ta sấp mình thờ lạy Người.
 


Mù và Sáng
(Chúa nhật 4 mùa Chay, năm A)

Tiền nhân xác định: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Điều đó cho thấy đôi mắt sáng rất cần cho cuộc sống. Người mù bẩm sinh còn đỡ khổ hơn người lớn lên mới bị mù. Người mù bẩm sinh cảm thấy “bình thường” vì họ không có khái niệm về sáng – tối, cao – thấp, lớn – nhỏ, mập – gầy, vuông – tròn,… hoặc về màu sắc. Người lớn lên mới bị mù cảm thấy khổ hơn vì đã trải nghiệm nhiều khái niệm.



Có hai con mắt, mờ một mắt, hư một mắt, hoặc thị lực yếu thì đã thấy khổ lắm rồi, huống chi bị mù hẳn. Hai con mắt “khác” một chút như bị đau cũng thấy khổ rồi, tình trạng “bốn mắt” là khổ suốt – dù có thêm “hai con mắt” nữa.

Mắt cũng biết khóc, biết cười. Khó nhận biết khi mắt cười, nhưng ai cũng nhận biết khi mắt khóc. Khóc cũng đa dạng: vì vui, vì buồn, vì khổ, vì thương, vì nhớ, vì tức, vì sợ, vì nhõng nhẻo, vì giả bộ,… Tuy nhiên, đôi khi người ta cũng cần phải biết khóc, vì nước mắt có thể “cuốn trôi” nổi buồn và làm sạch mắt nhờ chất mặn. Đặc biệt là phải khóc vì tội lỗi mình đã phạm – tội với Thiên Chúa và lỗi với tha nhân!



Mắt còn có khả năng “bật mí” nhiều thứ khác, như người ta ví von: “Đôi mắt là của sổ của tâm hồn”. Qua hai “cửa sổ” này, người ta có thể biết người đối diện như thế nào. Cửa sổ nhỏ hơn cửa ra vào, thế nhưng đôi khi cửa sổ vẫn quan trọng lắm đấy! Người yếu vía sẽ “tự quay đi” khi nhìn vào mắt của người “mạnh vía”. Dòng nước mạnh sẽ “lướt” dòng nước yếu thôi!
Mù đồng nghĩa với tối tăm, trái ngược với sáng sủa. Khiếm thị hoặc mù lòa về thể lý là tình trạng tồi tệ đối với một con người, nhưng “mù lòa tâm linh” còn nguy hiểm hơn nhiều. Thế nên Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9:39). Thật đáng sợ nếu chúng ta bị Ngài quở trách như vậy. Lúc đó, chúng ta hóa thành người “có mắt như mù”. Khủng khiếp quá!

Ngày xưa, Đức Chúa đã phán với ông Sa-mu-en: “Ngươi còn khóc thương Sa-un cho đến bao giờ, khi ta đã gạt bỏ nó, không cho làm vua cai trị Ít-ra-en nữa? Ngươi hãy lấy dầu đổ đầy sừng và lên đường. Ta sai ngươi đến gặp Gie-sê người Bê-lem, vì Ta đã thấy trong các con trai nó một người Ta muốn đặt làm vua” (1 Sm 16:1). Chúa không nói đến mắt, nhưng chúng ta biết Ngài nói đến mắt nhờ động từ “khóc”.

Trình thuật 1 Sm 16:6-7, 10-13 cho biết rằng khi họ đến, ông thấy Ê-li-áp, ông nghĩ: “Đúng rồi! Người Đức Chúa xức dầu tấn phong đang ở trước mặt Đức Chúa đây!”. Nhưng Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng”. Cách nghĩ của Thiên Chúa đã khác hẳn với loài người rồi, mà cả tầm nhìn của Ngài cũng hoàn toàn khác.

Chúng ta thường “trông mặt mà bắt hình dong”, cứ tưởng “con lợn béo” thì “lòng nó ngon”. Nhưng Thiên Chúa không như vậy, Ngài không nhìn theo bề ngoài mà Ngài nhìn “thấu suốt” nội tâm. Tục ngữ Việt Nam cũng xác nhận: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Những người coi trọng bề ngoài là những người có nội tâm hời hợt, nông cạn – gọi là dạng “yếu bóng vía” hoặc “mắt kém”.

Sau đó, ông Gie-sê cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Sa-mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói với ông Gie-sê:
“Đức Chúa không chọn những người này”. Quả là “mắt thần” có khác! Rồi ông lại hỏi ông Gie-sê rằng các con ông có mặt đầy đủ chưa. Ông Gie-sê nói còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên. Ông Sa-mu-en liền bảo ông Gie-sê cho người đi tìm nó về rồi mới nhập tiệc. Ông Gie-sê cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. Đức Chúa nói với ông Sa-mu-en: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!”. Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí Chúa nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi.



Phụng vụ Chúa Nhật Hồng (*) hôm nay sử dụng trọn Thánh Vịnh 23 (gồm 6 câu). Đây là Thánh Vịnh phổ biến nên rất quen thuộc, nói về niềm hạnh phúc được Chúa quan phòng và gìn giữ, đồng thời cũng có ý đề cập niềm tín thác vào Ngài: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:1-4).

Thật vậy, khi có Chúa đồng hành thì “dầu qua lũng âm u” chúng ta cũng “chẳng sợ gì nguy khốn”, chúng ta có “côn trượng Ngài bảo vệ” thì hoàn toàn “vững dạ an tâm”. Tác giả Thánh Vịnh cho biết: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:5-6). Có Chúa là có tất cả, hoàn toàn an tâm vững dạ, vì chúng ta được đi trên “con đường sáng” chứ không tăm tối.

Thánh Phaolô nói: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5:8-9). Tức là phải cẩn trọng xem “điều gì đẹp lòng Chúa”, chứ “đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng” (Ep 5:10-11). Thánh Phaolô giải thích: “Vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi.
Nhưng tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra; mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng. Bởi vậy, có lời chép rằng: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5:12-14).



Bóng tối rất mạnh, chỗ nào không có ánh sáng thì nó phủ đầy ngay. Nó mạnh mà lại yếu, vì chỗ nào có ánh sáng, dù chỉ le lói, nó cũng sẽ lui ngay. Quẹt một que diêm sẽ thấy “tác động” giữa ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng rất cần, nhưng chúng ta phải cố gắng “tạo” ra nó. Có một câu danh ngôn liên quan ánh sáng và bóng tối, ý nói chúng ta phải không ngừng nỗ lực trong cuộc sống: “Hãy thắp lên một ngọn nến còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”.

Chuyện đời thường mà chúng ta còn phải cố gắng thì chuyện tâm linh càng phải nỗ lực hơn nhiều lắm!

Một hôm, Thầy Trò cùng nhìn thấy một người mù bẩm sinh. Các môn đệ hỏi Sư Phụ Giêsu: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.
Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9:3-5). Khi “thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện” là lúc Thiên Chúa được vinh danh.

Đáng lẽ chúng ta phải “ngộ” ra nhờ câu trả lời của Chúa Giêsu mới phải, thế nhưng có lẽ chúng ta vẫn không mấy quan tâm. Do đó, trong cuộc sống, chúng ta vẫn “chắc nịch” cho rằng những người kém may mắn hơn mình (làm ăn thua lỗ, mùa màng thất bát, bị tai nạn, bị bệnh hoạn, gặp điều xui xẻo,…). Có người chỉ “để bụng”, nhưng có người lại dám “phán câu xanh rờn” rằng: “Chúa phạt!”. Lạy Chúa tôi! Nói theo phim bộ Hong Kong thì phải nói: “Thiện tai!”.

Không chỉ vậy, chúng ta còn có thiên kiến. Cũng một sự việc như nhau (ví dụ: bệnh hoạn), với người không “hợp ý mình” thì chúng ta nói: “Chúa phạt cho đáng đời!”. Nhưng với người “hợp ý mình” thì chúng ta lại nói: “Thánh giá Chúa trao”. Đúng là “cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Chính định kiến đó là chúng ta “giết” người không cần gươm giáo!

Trả lời các đệ tử xong, Chúa Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta:
“Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là “người được sai phái”). Anh ta liền đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. Chúa Giêsu có biệt dược độc đáo ghê đi. Mà phải nói là “thần dược” hoặc “linh dược” mới đúng ngữ nghĩa. Đó là “nước miếng trộn với bùn”. Hay dữ nghen! Mấy lang băm chớ mà học đòi theo, các pháp sư phải sợ mà chạy có cờ, còn các lương y và bác sĩ danh tiếng cũng phải tâm phục khẩu phục!



Dân chúng trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới xì xầm bàn tán, kẻ thì bảo là chính hắn, kẻ thì bảo không phải, kẻ lại bảo ai đó giống hắn thôi. Chín người, mười ý. Chẳng ai chịu ai. Thế là họ dẫn anh ta đến với những người Pha-ri-sêu. Rắc rối là ngày Chúa Giêsu trộn bùn với nước miếng và làm cho anh ta sáng mắt lại là ngày sa-bát. Ấy thế, người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Chính anh xác nhận: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy” (Ga 9:15). Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì bảo Chúa Giêsu không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát, kẻ thì bảo rằng người tội lỗi không thể làm được những dấu lạ như vậy. Cũng chẳng ai chịu ai, thế là họ đâm ra chia rẽ. Ngộ dữ nghen, chuyện của người ta mà xía vô làm chi vậy ha? Rồi họ lại hỏi “cựu người mù” nghĩ gì về người đã mở mắt cho mình. Anh ta đáp ngày: “Người là một vị ngôn sứ!” (Ga 9:17).

Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. Họ hỏi anh ta có phải là con không. Cha mẹ anh xác nhận anh bị mù từ khi mới sinh, còn bây giờ anh sáng mắt thì họ không biết tại sao, cha mẹ canh bảo họ cứ hỏi anh ta là chính xác nhất. Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái, những người sẵn sàng trục xuất khỏi hội đường bất cứ kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô.

Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi” (Ga 9:24). Anh ta bảo rằng ông ấy có phải là người tội lỗi hay không thì anh không biết, mà anh chỉ biết một điều là trước đây anh bị mù nhưng nay anh nhìn thấy được. Họ hỏi anh xem Chúa Giêsu đã làm thế nào mà anh sáng mắt. Anh bảo rằng anh đã nói rồi mà họ không chịu nghe. Anh nói thẳng rằng có phải họ cũng muốn làm môn đệ Chúa Giêsu hay không. Tự ái bốc tới chỏm đầu nên họ không tiếc lời mắng nhiếc: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giêsu ấy bởi đâu mà đến”.

Anh vừa gãi đầu vừa nói: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9:30-33). Họ đối lại: “Trứng khôn hơn vịt. Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” (Ga 9:34). Và rồi họ liền trục xuất anh. Người có tâm địa xấu là vậy, chỉ chờ có thế thôi!



Đức Giêsu cũng biết họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Ngài hỏi anh có tin vào Con Người không, anh ta hỏi Đấng ấy là ai để anh ta tin. Đức Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây” (Ga 9:37). Thật bất ngờ, nhưng anh thấy rất vui nên nói ngay: “Thưa Ngài, tôi tin” (Ga 9:38). Nói xong, anh sấp mình xuống trước mặt Ngài. Đức tin của “cựu người mù” này lớn quá! Tại sao? Thường thì đa số hơn thiểu số, nhiều người ghét Chúa Giêsu, nhưng anh vẫn có lập trường rõ ràng của riêng mình, không chịu “gió chiều nào ngả theo chiều nấy”.

Biết anh thật lòng, Chúa Giêsu nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9:39). Những người Pha-ri-sêu đang ở đó và nghe vậy thì liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?”. Lại tự ái. Đầu óc “bã đậu” và “nhỏ mọn” như thế thì chả bao giờ khá lên được. Đầu óc gì mà nhỏ như hạt đậu, hẹp như ống hút nước vậy! Có lẽ lúc ấy Chúa Giêsu lắc đầu, rồi thản nhiên bảo họ: “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng ‘chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9:41). Họ thường ngu đột xuất, giờ lại tiếp tục ngu kinh niên, ngu tầm cỡ quốc tế luôn!

Còn chúng ta? Chắc hẳn đã có những lần chúng ta y như người Pha-ri-sêu vậy, chẳng hơn họ đâu. Và rồi chúng ta cũng vẫn cứng lòng, không chịu “cho vào tai” những lời “thuận ngôn”, không chịu “cân nhác” lời hơn lẽ thiệt, không chịu “mở mắt” to để nhìn rõ vấn đề, thế nên chúng ta “có mắt như mù”. Thật đáng sợ!

Mù thì chắc chắn khổ, nhưng chỉ mờ mắt hoặc thông manh cũng khổ, và cũng khổ nếu cận thị, viễn thị hoặc loạn thị. Nói chung là khổ hết ráo, nếu đôi mắt không bình thường. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Mở mắt coi, bạn liền thấy rõ thế nào là số phận bọn ác nhân” (Tv 91:8). Do đó, chúng ta phải luôn biết cầu nguyện: “Xin mở mắt cho con nhìn thấy luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao” (Tv 119:18).

Chúa Nhật IV Mùa Chay là “cột mốc” cho biết rằng chúng ta đã đi được nửa Hành Trình Mùa Chay. Chúng ta đã “nhìn” thấy gì, “sáng” thêm mấy độ, còn cận thị, viễn thị hoặc loạn thị nhiều hay ít? Chúng ta cận thị vì tưởng mình đạo đức tốt lành, viễn thị vì không nhận biết tội mình, và loạn thị vì “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại bạn một phần”. Đã qua nửa Mùa Chay, chúng ta cùng tạ ơn Chúa và tiếp tục xin Ngài dìu dắt chúng ta đi hết chặng đường Mùa Chay theo đúng Thánh Ý Ngài.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin mở mắt đức tin cho chúng con, xin tăng thị lực đức tin cho chúng con, xin giúp chúng con nhìn thấy chính Chúa trong mọi người – nhất là nơi những người nghèo khổ, nơi những người hèn mọn, và xin cho bất kỳ ai gặp chúng con cũng có thể nhận thấy nơi chúng con thực sự có Chúa sống động. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Chúa Nhật IV Mùa Chay mệnh danh là Chúa Nhật Hồng hoặc Chúa Nhật Vui (Laetare Sundae), do chữ đầu tiên của Ca Nhập Lễ là “Laetare” (Hãy vui lên, hỡi Giêrusalem). Chúa Nhật này dùng lễ phục hồng, được phép chưng hoa trên bàn thờ, và đệm đàn khi hát. Hoa Hồng Vàng được làm phép hôm nay, và còn được gọi là Mediana, Ngày Giữa Mùa Chay, Ngày Lễ Các Mẹ, Ngày Hoa Hồng, hoặc Chúa Nhật Tĩnh Dưỡng.

Có một Chúa Nhật Hồng khác, cũng gọi là Chúa Nhật Vui (Gaudete Sundae), đó là Chúa Nhật III Mùa Vọng, do câu mở đầu của Ca Nhập Lễ có câu “Gaudete in Domino semper” (Anh em hãy vui trong Chúa luôn mãi). Chúa Nhật này cũng dùng lễ phục hồng.

 

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Lời Xin Vâng - Lm. Giuse Trần Đình Long - Lễ Truyền Tin 25-03

Tác giả: 
 Lm Trần Đình Long
LỜI XIN VÂNG
      
    Lm. Giuse Trần Đình Long
Dòng Thánh Thể

Với lời “Xin Vâng”, Đức Maria được làm Mẹ Thiên Chúa như lời Sứ Thần đáp lời Mẹ : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc1, 35). Bà Elizabet tự hỏi : “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43). Còn Mẹ Maria thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Thực ra không ai trong loài người có thể lý luận tại sao ? Vì Kinh Thánh nói : “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1,37). Tất cả những việc Thiên Chúa làm chỉ vì yêu thương con người. Nhưng đúng hơn là mỗi người chúng ta phải nói lên được rằng : Việc Đức Maria đáp tiếng “Xin Vâng” để làm Mẹ Thiên Chúa là bởi vì Thiên Chúa yêu tôi. Vì yêu tôi mà Ngài đã phải hạ mình nhờ cậy một người phụ nữ hèn mọn, do chính tay Ngài tạo dựng nên, để làm Mẹ Ngài, để nhờ người nữ này mà Con Thiên Chúa có được một thân xác hữu hình ở giữa trần gian giống như tôi, để tôi được gặp gỡ Ngài, nhìn thấy Ngài chết thay tôi chỉ vì yêu mến tôi.


  Đức Maria, một tôi tớ hèn kém mà tin, tin tuyệt đối, không lý luận. Mẹ cậy nhờ tất cả vào Thiên Chúa, để mặc cho Thiên Chúa muốn dẫn đưa đến đâu, tùy ý của Ngài. Mẹ chỉ biết đáp lời “Xin Vâng”!

          Mọi chuyện xảy ra trong đời Mẹ, dù vui mừng, dù buồn đau, đau đến xé nát cả cõi lòng, đau đến như gươm thâu qua tim óc, Mẹ chỉ giơ tay đón nhận, giữ lấy suy niệm trong lòng, và nhắm mắt tin tưởng vào Thiên Chúa với lời “Xin Vâng”. Chính như thế mà Thần khí Thiên Chúa đã dễ dàng đưa Đức Maria từ Belem nghèo hèn tới chân thập giá cô đơn. Nơi đây Mẹ thấy Con của mình trong ngày Truyền Tin được gọi là “Con Đấng Tối cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavid…và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32) vậy mà giờ đây coi như bị thất bại hoàn toàn! Con của Mẹ đang bị hành hình, tả tơi nhục nhã, bị lột trần bêu xấu trước đám quần chúng kiêu căng ngạo mạn.


 Trước thảm cảnh ấy, Đức Maria không kêu gào than khóc, chỉ đứng yên đối diện với đau khổ, tim vỡ ra từng mảnh mà nhìn vào thánh ý của Thiên Chúa trong giây phút bi thảm này. Mẹ vẫn chỉ một lời “Xin Vâng”. Kinh Thánh nêu một câu rất ngắn, để chứng tỏ Thiên Chúa yêu mến Đức Maria thế nào. Câu ấy là : “Phúc cho Bà là kẻ đã tin” (Lc 1,45).

          Lòng tin của Mẹ không rơi vào vô vọng. Lời hứa của Thiên Chúa đã thành sự. Từ trong tối tăm đau thương của thập giá, mầm sống bừng lên. Đức Giêsu đã phục sinh, và Thiên Chúa tôn vinh Giêsu Kitô là Chúa muôn loài.

          Đức Maria, kẻ đã bám vào lòng tin mà chết lên chết xuống nơi thập giá cũng được phục sinh và được tôn lên làm Mẹ Thiên Chúa.

          Còn tôi, kẻ đứng ngoài chầu rìa, vì lãnh đạm với ơn cứu độ, lại luôn sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô mà cũng được nhờ ơn phục sinh của Đức Giêsu mà trở thành con Thiên Chúa, và được gọi Đức Maria, Mẹ của Ngài là Mẹ của tôi.


  Khi các bà mẹ trần gian với con mắt tự nhiên muốn xếp Đức Maria ngang hàng với mình, thì Đức Giêsu nhìn họ, và qua họ, Người nhìn tất cả các bà mẹ trên thế gian và nói : “Ai là Mẹ Ta?

          Sự thật duy nhất chỉ có một Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Tất cả các bà mẹ thế gian chỉ muốn cho con mình nên danh nên phận theo ý của mình. Còn Đức Maria thì đặt tất cả vận mệnh của con mình và  của cả bản thân mình trong ý của Thiên Chúa. Nên Đức Giêsu đã ca ngợi Đức Mẹ : “Mẹ và anh em Ta là kẻ nghe và làm theo ý Cha Ta”.


 Cả cuộc đời Đức Maria chỉ có một mong ước là bỏ ngỏ đời mình cho Thiên Chúa, là đáp tiếng “Xin Vâng”. Thế nên suốt đời Mẹ chẳng cố gắng tập tành đạo đức giống như các bậc hiền nhân quân tử thế gian, mà chỉ trông nhìn vào Thiên Chúa, để đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa ban cho. Nhờ đó Đức Maria được tràn đầy nhân đức, vượt trên tất cả loài người và trên tất cả các thần thánh trên trời.

Đức Maria đã sống như vậy, và đang là gương mẫu cho mọi xác phàm muốn sống như vậy. Đức Maria là mẫu mực và là người chúng ta phải nhờ cậy để gặp gỡ được Con Thiên Chúa. Vì tất cả những gì Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, đó là : “Chức vị làm con, chức vị thừa hưởng phúc lộc của Cha, chức vị đồng trị với Đức Giêsu” (2Tim 2,12), dù có cố gắng lắm chúng ta cũng không nhận được trọn vẹn, chưa nói chúng ta còn có khả năng từ chối. Nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho một người có khả năng nhận được, đó là Đức Maria, để nhờ Mẹ dẫn dắt mà chúng ta đón nhận được Đức Giêsu.

          Đức Maria, một con người xác phàm từ đất mà ra như chúng ta, không phải từ trời mà đến như Đức Giêsu Kitô, đã sống trọn vẹn cuộc sống ân nghĩa trong vinh quang Thiên Chúa bằng lời “Xin Vâng”. Mẹ đã chứa đựng trong thân xác linh hồn mình cả một Đấng quyền năng tạo thành vũ trụ, cùng với một đại dương mênh mông của lòng mến, mà vẫn sống được cuộc sống bình thường như mọi người, trong nhân ái yêu thương như mọi người, và còn trổi xa hơn mọi người. Như vậy Đức Mẹ phải là con người duy nhất mà chúng ta có thể tín nhiệm và phải cậy trông. Muốn không bị lạc nẻo giữa đường trần gian này, chúng ta phải chạy đến nhờ Mẹ đưa đến gặp gỡ được Đức Giêsu con Mẹ, để sống kết hiệp với Ngài. Sống kết hiệp không phải trên mây trên gió, mà ngay trong mọi nỗi đau buồn, khấp khểnh, đói no, bất trắc của cuộc sống hôm nay, trong xã hội này, giữa thế giới đầy xao xuyến bất an chúng ta đang ở.

Bản thân Đức Maria chẳng có công nghiệp gì để đáng được như vậy. Và phần chúng ta không bao giờ có thể đặt một tạo vật như Đức Maria ngang hàng với Đức Giêsu Kitô. Tất cả chỉ là ơn, như chính Đức Maria đã nói trong kinh Magnificat. Mẹ chẳng có công gì nhưng tất cả đều là ơn huệ của Thiên Chúa : “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…” (Lc 1,48-49).


 Đức Maria được nên cao trọng như vậy, bởi vì Mẹ đã đặt cả đời mình vào trong ý của Cha trên trời và kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu Kitô.

          Hôm nay nhìn vào Đức Maria, Mẹ của tôi hiện đang ở trên thiên quốc cả hồn lẫn xác, và cũng đang ở bên tôi. Mỗi người tự đặt câu hỏi : Tôi phải yêu mến Đức Maria thế nào ?

          Thưa, tôi phải yêu mến Đức Maria như người con thảo đối với mẹ hiền. Đừng bao giờ sợ lòng yêu mến Đức Maria là quá mức hay quá đáng. Vì thật sự tất cả thần thánh trên trời cũng như những người tốt lành dưới đất có yêu mến Đức Maria đến đâu cũng không thể sánh bằng lòng yêu mến của Đức Giêsu Kitô đối với Mẹ của Ngài được.

          Hơn nữa, nếu tôi càng yêu mến Đức Mẹ, thì chắc chắn tôi lại càng gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Vì chính Đức Mẹ sẽ giúp tôi làm việc ấy, và cũng chính là lòng khao khát của Đức Mẹ như vậy. Đức Mẹ sẽ có con đường ngắn nhất và đúng nhất để dẫn dắt tôi vào trong tình yêu của Con Thiên Chúa.


 Suy niệm như thế, tôi phải cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho tôi một người Mẹ, đã thấm cuộc đời mình vào trong đau khổ thập giá Đức Kitô mà được nên tinh tuyền cao trọng và có một tấm lòng yêu thương tôi vô bờ bến.

          Chính Đức Giêsu đã ban cho tôi ân huệ này. Ngài nói với tôi : “Này là Mẹ con”. Và Đức Giêsu hằng mong ước mọi người luôn chạy đến nhờ cậy Mẹ của Ngài. Khi tôi chạy đến cùng Đức Maria thì Đức Mẹ ban cho tôi những ơn gì ?

          Riêng tự mình Đức Mẹ, thì Mẹ chẳng có ơn gì để cho tôi cả, nhưng khi tôi chạy đến cùng Mẹ, thì chắc chắn tôi sẽ được Đức Maria ban cho Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ.

          Do đó hàng ngày tôi siêng năng đọc kinh lần hạt sùng kính Đức Mẹ mà tôi thấy lòng tôi vẫn lạnh nhạt với Đức Giêsu Kitô, thì tôi phải xem lại cách kính mến Đức Mẹ của tôi. Vì nơi nào tôi thấy bóng dáng Đức Maria mà không thấy Đức Giêsu thì có thể tôi đã yêu mến một bà nào, mà tôi tưởng là Đức Mẹ, mà thực sự không phải là Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa. Vì hai trái tim của Đức Maria và Chúa Giêsu đã nên một với nhau trong Thần khí Chúa, không bao giờ tách rời phân cách.

          Lạy Đức Maria, xin cho con biết đáp tiếng “Xin vâng” như  Mẹ trong mọi biến cố cuộc đời, để ý Chúa được thể hiện trong con, để con không bắt người khác lúc nào cũng phải làm theo ý con, để con không lấy ý con làm trên hết, nhờ đó những người khác đỡ khổ vì con, và con được sống bình an trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ con. Amen

Lễ Truyền Tin 25-03

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

"Kẻ này gieo, người kia gặt" CN III Chay A 23-03-2014

Chúa Nhật 3 Mùa Chay A
Cho Tôi Xin Chút Nước Uống


X Lời Chúa (Ga 4, 5-42)
5 Khi ấy Ðúc Giêsu đến một thành xứ Samaria, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. 6 Ở đấy, có giếng của ông Giacóp.  Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng.  Lúc đó vào mười hai giờ trưa.


7 Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước.  Ðức Giêsu nói với người ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống!" 8 Quả thế, các môn đệ của Người vào thành mua thức ăn. 9 Người phụ nữ Samari liền nói: "Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?" 10 Ðức Giêsu trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống? 11 Chị ấy nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu.  Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? 12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, là người đã cho chúng tôi giếng này?  Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy." 13 Ðức Giêsu trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. 14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa.  Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời."


15 Người phụ nữ nói với Ðức Giêsu: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước." 16 Người bảo chị ấy: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi hãy trở lại đây." 17 Người phụ nữ đáp: "Tôi không có chồng."  Ðức Giêsu bảo: "Chị nói: tôi không có chồng là phải, 18 vì chị đã năm đời chồng rồi, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị.  Chị đã nói đúng." 19 Người phụ nữ nói với Người: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ... 20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa."


 21 Ðức Giêsu phán: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. 22 Các ngươi thờ Ðấng các ngươi không biết; còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái. 23Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là thần khí, và những ai thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." 25 Người phụ nữ thưa: "Tôi biết Ðấng Mêsia, gọi là Ðức Kitô, sẽ đến.  Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự." 26 Ðức Giêsu nói: "Ðấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây." 27 Vừa lúc đó, các môn đệ trở về.  Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ.  Tuy thế, không ai dám hỏi: "Thầy cần gì vậy?" hoặc "Thầy nói gì với chị ấy?"
28 Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: 29 "Ðến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.  Ông ấy không phải là Ðấng Kitô sao?" 30 Họ ra khỏi thành và đến gặp Người. 31Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: "Rabbi, xin mời Thầy dùng bữa." 32 Người nói với các ông: "Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết." 33 Các môn đệ mới hỏi nhau: "Ðã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?" 34 Ðức Giêsu nói với các ông: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. 35 Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! 36 Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. 37Thật vậy, câu tục ngữ "kẻ này gieo, người kia gặt" quả là đúng! 38 Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không vất vả làm ra.  Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ."
39 Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Ðức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. 40 Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người ở lại đó hai ngày. 41 Số người tin vì lời Ðức Giêsu nói còn đông hơn nữa. 42 Họ bảo người phụ nữ: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin.  Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng người thật là Ðấng cứu độ trần gian."


X Suy Niệm
Sau nửa ngày hành trình từ Giuđê về Galilê,
Ðức Giêsu nghỉ mệt bên một giếng nước ở vùng Samari.
Ngài vừa đói vừa khát, giữa cái nắng ban trưa.
Các môn đệ vào thành mua thức ăn.
Còn lại một mình Ðức Giêsu ngồi bên bờ giếng.
Chính nơi đây đã diễn ra cuộc gặp gỡ
giữa Ngài và người phụ nữ Samari vốn bị coi là ô nhơ.
Ðức Giêsu bắt đầu gieo hạt
để chuẩn bị cho mùa gặt mai sau của các môn đệ.
"Cho tôi chút nước uống."
Ðức Giêsu mở đầu cuộc đối thoại bằng một lời nài xin.
Ngài chẳng sợ thú nhận sự thiếu thốn của mình.
Xin nước uống là làm một cuộc cách mạng,
là bắc một nhịp cầu qua vực sâu
ngăn cách hai dân tộc Samari và Do thái
vốn dĩ đã thù ghét và xa lánh nhau từ bốn thế kỷ.
Chẳng ai hiểu nổi một bậc thầy như Ðức Giêsu
lại nói chuyện và xin nước một phụ nữ Samari.
Ðức Giêsu đã cúi mình phá bỏ những hàng rào
để xây dựng một cuộc đối thoại đích thực và bình đẳng.
"Cho tôi chút nước uống."
Ngài là người xin nước trước khi là người cho...
Chúng ta cũng có nhiều điều phải xin
nơi chính những người cần chúng ta giúp đỡ.
Ðức Giêsu cho thấy Ngài có một thứ nước lạ lùng,
uống vào không còn khát nữa.
Người phụ nữ vội vã xin Ngài thứ nước kỳ diệu đó.
Chị đâu ngờ chính mình đã bắt đầu được nếm rồi.
Nước đó chính là Lời của Ðức Giêsu,
Lời vén mở dần dần con người thâm sâu của Ngài.
Ðức Giêsu cho thấy Ngài biết rõ gia cảnh của chị.
Cái biết của Ngài không nhằm soi mói, nhưng để cảm thông.
Cái biết của Ngài về những điều riêng tư thầm kín
đã khiến chị coi Ngài là một ngôn sứ đáng tin.
Từ đó, chính chị gợi lên vấn đề tôn giáo,
một vấn đề khiến chị rất bận tâm;
Chính chị nói lên niềm mong đợi của mình về Ðấng Mêsia,
Ðấng sẽ đến dạy dỗ mọi sự (Ga 4,25);
rồi cũng chính chị đã bỏ vò nước lại
mà hân hoan chạy đi giới thiệu Ðức Giêsu cho đồng bào.
Chị đã tìm thấy thứ nước tuyệt diệu nơi Ðức Giêsu.
Ngài từ từ tỏ mình cho chị:
"Ðấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây."
Không thấy nói đến chuyện Ðức Giêsu ăn hay uống.
"Lương thực của Thầy là thi hành ý Ðấng đã sai Thầy."
Ðức Giêsu chỉ đòi một điều, đó là nuôi dưỡng nhân loại.
Ngài chỉ khát một điều, đó là ban nguồn nước sự sống.
Chúng ta có dám chia sẻ cơn đói khát của Ngài không?



X Gợi Ý Chia Sẻ
Khi chiêm ngắm Ðức Giêsu trong đoạn Tin Mừng trên đây, bạn thấy đâu là những thái độ cần thiết mà người rao giảng Lời Chúa hôm nay cần có?
Con người đói khát cơm gạo và nước uống tinh khiết.  Theo ý bạn, giới trẻ hôm nay đói khát điều gì hơn cả (tình bạn, tình yêu, lòng tin, niềm hy vọng, ý nghĩa cho cuộc sống, sự trung thực...)?  Kitô giáo có thể giúp gì cho giới trẻ?



X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
Thánh Âu-tinh
Nguồn: Trích từ Tập Manna A của Lm. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

THÁNH GIUSE, NGƯỜI CHA TUYỆT VỜI ( Lễ mừng kính Thánh Giuse ngày 19-03-2014)

THÁNH GIUSE, NGƯỜI CHA TUYỆT VỜI

(Lễ thánh Giuse ngày 19-3-2014)
Jos. Vinc. Ngọc Biển

Thánh Cả Giuse, 19-03

         
Trong toàn bộ Tin Mừng, chúng ta thấy chỉ nhắc đến tên và một số đặc tính của thánh Giuse, chứ tuyệt nhiên không hề có chỗ nào ghi lại lời nói của ngài. Tuy nhiên, chỉ nhắc tới ngài thôi, thì cũng đủ để cho chúng ta thấy được vai trò ưu tuyển của ngài trong lịch sử cứu độ và nơi truyền thống của Giáo Hội.
Thật vậy, từ lâu, Giáo Hội đã tuyên xưng ngài là “đấng công chính”; “cha nuôi Con Đức Chúa Trời”; là “bạn trăm năm của Đức Nữ Trinh”; là “đấng bầu chữa cho cả Giáo Hội”; là “mẫu gương sống động cho những người cha nơi các gia đình”.
Vậy do đâu và tại sao ngài lại được ân thưởng những đặc ân cao quý như vậy?

Gia đình theo mẫu gương Thánh Gia

1.      Thánh Giuse là đấng công chính
Có lẽ xét về góc độ bề ngoài, thánh Giuse không có gì trổi vượt, thậm chí là một người bình thường như mọi người đàn ông nông dân khác thời bấy giờ. Nhưng xét về góc độ niềm tin, chúng ta dễ dàng nhận ra ngài là một anh hùng vì can đảm và tín trung.
Khi gọi ngài là “đấng công chính”, Giáo Hội muốn nói với con cái mình rằng: thánh Giuse là người thuộc về Thiên Chúa trọn vẹn, vì đã gắn bó và trung thành tuân giữ lời của Thiên Chúa cách tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh.
Lần giở lại Kinh Thánh, chúng ta thấy việc Thiên Chúa sai sứ thần mộng báo cho thánh Giuse luôn mang tính đột ngột. Nhưng thái độ đáp ứng của thánh nhân cũng mau mắn đến độ đột ngột không kém.
Trong lần báo mộng đầu tiên, ý Thiên Chúa muốn thánh Giuse đón nhận Mẹ Maria về chung sống, để Con Thiên Chúa có một mái ấm gia đình bình thường như mọi gia đình khác trên trần gian. Nhưng đặt mình trong hoàn cảnh của thánh nhân lúc bấy giờ, thì việc đón nhận thánh ý Thiên Chúa thật không dễ, vì thai nhi Giêsu đang lớn dần trong cung lòng Mẹ Maria không phải của ngài, mà do quyền năng Chúa Thánh Thần. Xét theo góc độ con người thì việc đón nhận này không dễ. Tuy nhiên, thánh nhân đã không ngần ngại khi được giả thích, nên sẵn lòng đón Đức Mẹ về sống chung để cùng nhau xây dựng một gia đình thánh.
Tiếp theo là lần báo mộng thứ hai, ý Thiên Chúa mặc khải cho biết bạo chúa Hêrôđê đang tìm cách giết Con Trẻ, vì thế phải trốn sang Aicập ngay trong đêm; thánh nhân cũng mau mắn thi hành cách vội vã vì sự an toàn của tính mạng Con Thiên Chúa.
Lần cuối cùng, thánh nhân được báo mộng là đem Hài Nhi và Mẹ Người trở lạiNazareth, vì hòa bình đã lập lại; thánh Giuse không ngần ngại đem Hài Nhi và Mẹ Người trở lạ quê hương xứ sở của mình cách an toàn.
Thêm vào đó, sau khi đi lễ đền thờ, lúc trở về, ngài phát hiện được Hài Nhi Giêsu không về chung với mọi người thân thuộc, nên đã cùng với Đức Maria tức tốc trở lại đền thờ để tìm con.
Và, mặc dù không nói, nhưng chắc chắn rằng: suốt cuộc đời sống âm thầm nơi làng quê Nazareth... thánh Giuse luôn gắn bó mật thiết với Thiên Chúa qua mọi biến cố thăng trần của cuộc sống được thể hiện qua vai trò người chồng và người cha trong gia đình. Thật vậy, thánh nhân là người rất nhạy bén với thánh ý của Thiên Chúa và mau mắn thi hành. Chính sự cộng tác cách tuyệt đối này của thánh Giuse mà lịch sử cứu độ chuyển sang trang sử mới.
Bởi vậy, thánh Giuse xứng đáng được gọi là “đấng công chính” và là “cha nuôi Con Đức Chúa Trời”.
Khi trở thành dưỡng phụ của Đức Giêsu, lẽ đương nhiên, ngài trở thành “bạn trăm năm của Đức Maria”. Ngài là người chồng chung thủy và hết lòng yêu mến Mẹ Maria.

Thánh Gia Thất

2.      Thánh Giuse là đấng bầu chữa cho Giáo Hội
Thánh Giuse còn được gọi là đấng bầu chữa cho cả Giáo Hội:
Thật thế, trải qua dòng lịch sử, ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra sự bầu chữa của thánh nhân. Ngài luôn nâng đỡ những người nghèo khổ, kém may măn trong cuộc đời và nơi cuộc sống. Hình ảnh thánh Giuse hay làm phép lạ được truyền tai nhau khắp nơi. Đến nỗi người ta có thể nói rằng: ngài không quên ai chạy đến để cầu cứu ngài. Thánh nữ tiến sĩ Têrêsa Avila đã viết: “Tôi nhớ rõ, chưa bao giờ tôi cầu xin sự gì cùng thánh Cả Giuse mà không được như ý. Kỳ diệu thay, những ơn đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban đầy tràn cho tôi, và đã giải thoát tôi khỏi mọi nguy hiểm phần hồn cũng như phần xác, do lời cầu bầu của Vị Thánh vinh phúc này”;thánh Têrêsa Avila viết tiếp: “Dường như Đấng Tối Cao ban ơn cho các thánh giúp chúng ta việc này, việc nọ, nhưng kinh nghiệm cho tôi biết thì Thánh Giuse vinh hiển có quyền năng rộng rãi giúp chúng ta trong mọi việc. Như thế là Chúa muốn cho chúng ta hiểu rằng, như xưa Chúa đã vâng phục Thánh Cả dưới thế, đã nhìn nhận Ngài với quyền làm Cha và làm Giám Quản, thì nay ở trên trời, Chúa cũng sẵn lòng chiều theo ý muốn của Ngài, mà nhận mọi lời Ngài cầu xin. Những người khác mà tôi khuyên chạy đến cùng Vị Bảo Hộ này, cũng nhận thấy điều ấy như tôi, do kinh nghiệm”.
Ý thức được tầm quan trọng của thánh nhân trong đời sống đức tin của Giáo Hội, và hết lòng tôn kính Ngài, vì thế, ngày 01.01.2013, Giáo Hội không ngần ngại khi đưa tên của thánh nhân vào trong Kinh Nguyện Thánh Thể với sắc lệnh số 215/11/L của Bộ Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Các Bí Tích. Vì thế, các Kinh Nguyện Thánh Thể đã nhắc tới danh xưng “Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ” như một niềm tôn vinh và cũng như một lòng trông cậy.
Như vậy, thánh nhân thật xứng đáng trở nên Vị Bảo Trợ cho cả và Giáo Hội. Bên cạnh đó, ngài còn là mẫu gương các gia trưởng nơi các gia đình. Bởi vì, ngài là người chồng, người cha mẫu mực khôn ngoan.



3.      Bài học rút ra từ cuộc đời thánh Giuse
Mừng lễ thánh Giuse, Giáo Hội mời gọi mỗi chúng ta hãy hướng nhìn lên thánh nhân như một mẫu gương về lòng trung tín với Thiên Chúa, chung thủy với Đức Maria, luôn chu toàn trách vụ của người cha trong gia đình.
Thật vậy, thánh nhân là một con người thinh lặng, trầm tư, cầu nguyện... nên ngài dễ dàng nhận ra Thiên Ý và sẵn sàng mau mắn thi hành ý của Thiên Chúa trong cuộc đời. Sự thinh lặng của thánh nhân đã biến cuộc đời của ngài trở nên cuộc đời sống vì yêu. Yêu Chúa để thi hành mệnh lệnh. Yêu Mẹ Maria để sống chung thủy. Yêu mến Đức Giêsu để hết mực chăm lo. Yêu mến Giáo Hội để luôn bầu cử, trợ giúp... điều này thật đúng với tác giả Philippon, OP. đã nhận định về sự thinh lặng: “Ai yêu mến sự thinh lặng, sẽ được dẫn tới sự thinh lặng của mến yêu”.

Thánh Giuse, Bổn Mạng Nhà thờ Chính Tòa TGP. Hà Nội

Đối với Giáo Hội Việt Nam, giáo dân đất Việt có lòng yêu mến ngài đặc biệt. Nhiều gia đình, dòng tu, chủng viện, học viện đã tôn nhận ngài là Đấng Bảo Trợ. Nhiều nhà thờ lấy tước hiệu của ngài. Nhiều đền đài được dựng lên tỏ lòng tôn kính. Nhiều cụ ông, và anh em đã chọn ngài làm bổn mạng. Khi gặp bất trắc gì trong cuộc sống, chúng ta đều chạy đến với Ngài.
Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta cũng chưa tôn kính ngài cho đủ, và cũng nhiều khi chúng ta chưa noi gương ngài thực sự. Vì thế, mừng lễ thánh Giuse, nhất là năm nay, là năm “Phúc Âm hóa đời sống gia đình”, chúng ta hãy xin thánh nhân bầu cử cho các gia đình chúng ta, luôn giữ được lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội như ngài; mặt khác, khi Giáo Hội dành trọn tháng 3 để tôn kính thánh nhân, mà theo niên lịch phụng vụ thì thường rơi vào Mùa Chay, mà Mùa Chay là mùa sám hối, vì thế, cách này, cáh khác, Giáo Hội muốn mời gọi mỗi chúng ta hãy trở về với sự thinh lặng, để gắn bó với Chúa, nhận ra thánh ý Chúa trên cuộc đời và mau mắn thi hành mệnh lệnh của Chúa như thánh Giuse.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con mẫu gương tuyệt vời là thánh Giuse. Xin Chúa đón nhận lời bầu cử của thánh nhân mà ban cho chúng con được can đảm, trung thành và yêu mến luật Chúa; đồng thời đem ra thi hành trong cuộc sống hiện tại. Amen.


Tác giả:  Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển