Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

MỪNG NĂM PHỤNG VỤ MỚI - NĂM B 2015 - TÌM HIỂU MÙA VỌNG

01-12-2014 - MỪNG NĂM PHỤNG VỤ MỚI - NĂM B 2015 -

 Năm Phụng Vụ Mới bắt đầu với CN I Mùa Vọng Năm B ngày 30-11-2014! Mùa Vọng gồm thời gian 4 tuần lễ với 4 Chúa Nhật I,II,III và IV Vọng nhằm giúp mọi người một cơ hội thuân tiện nhất để sửa soạn tâm hồn sẵn sàng đón mừng cách xứng đáng Lễ Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế sẽ được cử hành long trọng vào đêm 24/12 và ngày chính lễ Giáng Sinh 25/12.

Kính mời Quý Vị & Các Bạn cùng tìm hiểu ý nghĩa và cách thực hành sống đạo trong 4 tuần Mùa Vọng qua bài viết "SỐNG MÙA VỌNG" của Lm. THÁI NGUYÊN dưới đây: 

SỐNG MÙA VỌNG

của Lm. Thái Nguyên




Mùa Vọng, ngày xưa thường gọi là “Mùa Áp” (theo tiếng Latinh là Adventus, từ động từ Advenire, tiếng Anh là Advent, có nghĩa là “đến gần”), với ý nghĩa là Mùa “trông đợi”, “mong chờ”.
Theo truyền thống Giáo Hội, Mùa Vọng có bốn ý nghĩa sau: Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô “đã đến” lần thứ nhấtMùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thếMùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng taMùa chuẩn bị tâm hồn Kitô hữu xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.


1/ Mùa Vọng là Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô “đã đến” lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm.  Kỷ niệm ở đây không đơn thuần là hoài niệm, không chỉ là những hình ảnh hay biến cố để ghi nhớ, nhưng là một thực tại để sống.
Mùa Vọng trước tiên là Mùa để chúng ta sống lại lịch sử ơn cứu độ của Đức Kitô trong cuộc đời mình, bắt đầu từ việc dân Do thái mong đợi và chuẩn bị Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để “giải phóng” họ khỏi ách nô lệ, đặc biệt là nô lệ tội lỗi.  Isaia đã loan báo, Gioan Tẩy Giả đã dọn đường, dân chúng cũng đã chịu phép rửa sám hối để đón nhận Đấng Messia.
Đấng Messia là Đức Kitô đã đến, ban đầu người ta cũng hồ hởi đón nhận Ngài, nhưng rồi thấy Ngài là Đấng không giống như mình nghĩ, không hành động như mình mong, không thực hiện những điều như mình muốn, nên người ta dần dần bỏ Ngài.  Hơn nữa, vì quyền hành và tham vọng, vì kiêu căng và lòng chai dạ đá, nên các vị lãnh đạo tôn giáo muốn khai trừ Ngài.
Quả thật,“Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).  Người Do Thái đã muốn nắn đúc Vị Cứu Tinh theo ý đồ và tham vọng của họ, muốn đúc khuôn một Vị Cứu Thế theo quan niệm và mơ ước của họ, nên đã không nhận ra hay không muốn nhận ra Ngài.  Cuối cùng, Chúa Giêsu đã chết cho những ảo tưởng, kiêu căng và tội lỗi của họ, và thật ra cũng là của nhân loại, của mỗi người chúng ta.
Cho tới ngày nay họ vẫn còn gục đầu vào bức tường than khóc để chờ đợi một Đấng Messia như lòng họ mong ước, chứ không như Thiên Chúa ước mong.  Như vậy, sống lại lịch sử của ơn cứu độ trong Mùa Vọng là để chúng ta xác tín rằng, thái độ mong đợi và chuẩn bị Chúa đến trước tiên phải là hành vi tẩy não và thanh lọc cuộc sống mình, để không rơi vào tình trạng vong thân và lạc mất ơn cứu độ như dân Do Thái xưa.
Nói đến tẩy não là vì trong đầu óc ta đầy những tạp niệm, định kiến, thành kiến, thiên kiến; cũng như những hình dung và quan niệm lệch lạc hoặc thiếu xót về Thiên Chúa, về chính mình và tha nhân, để từ đó sáng lên một cái nhìn trung thực, đúng đắn, rõ ràng và thâm sâu về mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa.
Nói đến thanh lọc là vì bản thân ta luôn dễ bị ô nhiễm bởi nhiều ham muốn, đam mê, dục vọng, khiến ta sa lạc, và nô lệ cho tội lỗi.  Tội lỗi làm tâm trí ta trở nên đen tối không còn khả năng nhận diện và gặp gỡ Chúa.  Vì thế, tẩy não và thanh lọc bản thân điều kiện tối cần.  Đó cũng là hành vi tự cứu độ mình trước khi đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.


2/ Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế.  Ngày đó cũng là ngày “không ngờ”, ngày mà “Con Người sẽ ngự đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả!” để xét xử phân minh.  Tuy nhiên đối với những ai có lòng tin nơi Đấng Cứu Thế, và sống theo Phúc Âm của Ngài, thì ngày đó, không đáng kinh khiếp, nhưng lại là “Ngày Giải Thoát” để bước vào miền hạnh phúc viên mãn của cuộc sống “trường sinh, vinh hiển”, một “Trời Mới Đất Mới” (Is 65, 17; 66, 22 ; Kh 21, 1-4).  Hoa quả của lòng tin chính là đức ái trong mọi tương quan hằng ngày.  Tiêu chuẩn chính yếu của ngày chung thẩm không có gì khác hơn là tình yêu mến, là đức ái (x. Mt 25, 32-55).
Dostoievski có lần kể câu chuyện về một người phụ nữ ở dưới luyện ngục, tha thiết xin thánh Phêrô cho lên thiên đàng.  Thánh nhân yêu cầu bà nhớ lại xem đã làm được điều gì tốt để ngài có thể dựa vào lý do đó mà xét cho vào Thiên đàng.  Người phụ nữ nhìn lại thật tỉ mỉ cuộc đời và nhớ chắc chắn đã có lần cho lão ăn mày khốn khổ một củ hành.  Bà vội trình với thánh Phêrô và ngài phán, vì ngươi đã cho kẻ khó một củ hành nên bây giờ ta sẽ cột sợi dây vào củ hành thả xuống luyện ngục, rồi ngươi cứ bám vào đó, ta sẽ kéo lên.  Thế là người phụ nữ bám chặt vào củ hành để thánh Phêrô kéo lên.  Khổ nỗi khi thấy bà được kéo lên, những người khác nhao nhao xin theo và bà ra sức dẫy dụa đạp họ xuống, vừa đạp vừa la “một mình tao lên thôi!”  Nhưng vì dẫy dụa quá nên sợi chỉ đứt luôn và bà vẫn ở lại chỗ cũ.
Tới lúc lên thiên đàng mà vẫn còn ích kỷ.  Câu chuyện này có thể làm ta liên tưởng đến hình ảnh các nhân vật tư tế và trợ tế trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu (x. Lc 10) khi họ vội vã lên đền thờ mà bỏ quên tha nhân trong cảnh đau khổ.  Thiếu tình yêu, thiếu bác ái với tha nhân, thì những cố gắng chu toàn các bổn phận thờ phượng có nghĩa lý gì? “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9, 13).


3- Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta.  Không ai biết được ngày giờ nào, vì thế, hãy chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng.  Như Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào!” (Mc 13, 33).  Thánh Phaolô cũng khuyên: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra…” và mong rằng“chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô, Chúa chúng ta ngự đến” (1Tx 5, 23)
Thường xuyên suy gẫm về sự chết là cách thế hữu hiệu nhất để sống cách tốt nhất.  Đức Hồng Y Px. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm: “Nếu tôi biết ngày mai mình sẽ chết, thì hôm nay tôi sẽ sống một ngày đẹp nhất.”   Chúng ta chưa sống từng ngày đẹp nhất là vì cứ tưởng mình còn lâu mới chết.  Đó cũng là cám dỗ của ma quỉ để ta mê say cuộc sống này mà mất đi sự cảnh giác.
Ai cũng dễ ham mê gây dựng cho mình một sự nghiệp trần thế, muốn có uy tín hơn, sáng giá hơn, chức vụ cao hơn, ảnh hưởng lớn hơn, mọi người nể phục hơn, làm nên những công trình to tát hơn.  Ít có ai muốn sống âm thầm, hiền lành, khiêm tốn và vui lòng chịu khó, chịu khổ theo ý Chúa muốn; ít ai muốn chịu khinh khi, chịu xóa mình, chịu quên lãng, để sống cho Chúa và tha nhân.  Nhưng rồi tất cả những gì chúng ta gầy dựng để mong hưởng thụ cho riêng mình đều là hư vô, vì khi nằm xuống trong lòng đất rồi thì tất cả đều chấm dứt, chẳng còn lại gì.  Chẳng ai còn nhớ đến, thế hệ tương lai cũng chẳng biết ta là ai, hiện hữu cũng vậy, không hiện hữu cũng thế, duy chỉ một mình Chúa biết.  Quả thật, ý nghĩa và giá trị cuộc sống của ta chỉ ở nơi Chúa mà thôi.  Vì thế, đừng bao giờ tìm kiếm những gì ngoài Chúa, những gì không phải là Chúa.


4. Thực tế, Mùa Vọng là mùa chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.  Thật sự ta chẳng bao giờ xứng đáng được với chính Chúa, Đấng thánh thiện vô ngần, nhưng chỉ là bớt bất xứng hơn.  Điều này đòi hỏi mỗi người cứ phải hoán cải, sửa đổi và tu chỉnh cuộc sống không ngừng, để góp phần với Chúa làm cho cuộc sống trở nên chân thật hơn, khiêm tốn hơn, yêu thương hơn, cao đẹp hơn, an bình hơn, như tiên tri Isaia đã hô hào, như Gioan Tẩy Giả đã loan báo, như trong thơ 2Phêrô 3-9 đã nhắc lại“Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em; vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mỗi người đi đến chỗ ăn năn hối cải …”.
Nguyễn Trãi có câu: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một bước sa chân là ngàn đời ân hận.  Quay đầu trở lại là trăm năm cơ đồ).  Cần làm một cuộc trở lại cách đặc biệt trong Mùa Vọng này: trở lại với Chúa, trở lại với anh em, và trở lại với chính mình để đón nhận một sức sống mới.
Chúa Giáng Sinh không chỉ là một biến cố hồng phúc đối với Đức Maria ngày xưa, nhưng còn là một biến cố ân phúc đối với mỗi người chúng ta ngày nay.  Theo cha Zundel, điều này có nghĩa là Chúa cũng muốn cho chúng ta nên giống như Đức Mẹ là cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa lớn lên trong cuộc đời mình.  Đây là điều chúng ta đọc thấy trong phụng vụ lễ Giáng sinh: “Một đứa trẻ được sinh ra cho chúng ta”.



Thiên Chúa muốn sinh ra từ chúng ta cũng như chúng ta được sinh ra từ Ngài.  Điều bí ẩn sâu sắc nhất của Phúc Âm, đó là Thiên Chúa muốn sinh ra từ lòng mến của chúng ta.  Người ta chỉ tin vào Thiên Chúa, tin vào Phúc Âm khi bộ mặt của Chúa Giêsu lộ rõ trong đời sống của chúng ta, để từ đó ta mới có thể trao ban Chúa cách đích thực cho người khác.  Mỗi lần khuôn mặt người khác được sáng lên do sự tiếp xúc với lòng bác ái của chúng ta, thì đó là nét mới của khuôn mặt Thiên Chúa được lộ ra.  Nếu không như thế, thì đời sống thiêng liêng, mọi hoạt động tông đồ và truyền giáo đâu có nghĩa gì.  Đó cũng chính là sự thể hiện tính cách mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Hiểu như thế và xác tín thâm sâu như vậy, chúng ta mới thấy Lễ Giáng Sinh có một ý nghĩa trọng đại trong từng năm của cuộc đời mình.  Nhờ đó, ta biết chuẩn bị bằng cách cải đổi tâm hồn mình như thế nào để phát sinh hiệu quả ơn thánh và làm lớn mạnh công trình tình yêu mà Chúa muốn thực hiện nơi mỗi người chúng ta.
LM Thái Nguyên

Proshow Trời cao hỡi, Hãy gieo sương mai - MTC

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

NGƯỜI GIỮ CỬA - CN I MÙA VỌNG B 30-11-2014 - LM. ANTÔN NGUYỄN CAO SIÊU, SJ



 X Lời Chúa: (Mc 13, 33-37)
Ðức Giêsu nói với các môn đệ về ngày Quang Lâm của Người rằng: 33 "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. 34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. 35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. 36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. 37 Ðiều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!"


X Suy Niệm
Có bao nhiêu thời gian sống ở đời
được chúng ta dành cho việc chờ đợi?
Có sự chờ đợi làm ta căng thẳng, mệt mỏi;
nhưng cũng có sự chờ đợi
đem lại hương vị và ý nghĩa cho cuộc sống.
Người mẹ tần tảo nuôi con, chờ ngày con thành tài.
Người vợ chờ đợi ngày chồng trở về từ biên ải.
Con người không chỉ sống bằng quá khứ
nhưng còn bằng những ngóng đợi về tương lai.
Cái tương lai tưởng như mơ hồ, xa xôi
mà lại lôi kéo được cái hiện tại đi về một hướng.
Biết sống là biết chờ đợi
Chờ đợi làm nên cuộc sống.

CN I Mùa Vọng B : Hãy canh thức!

Mùa vọng đưa ta đi vào thái độ chờ đợi.
Chờ đợi Chúa sẽ đến trong vinh quang mai này.
Chờ đợi Chúa vẫn đến trong niềm vui và nước mắt.
Chờ như người giữ cửa thức trắng đêm,
vì không biết giờ nào chủ trở về.
Nhưng chờ không phải là thụ động khoanh tay
mà là vuông tròn sứ mạng được giao phó.
Ông chủ đi xa đã để lại ngôi nhà,
giao quyền cho các đầy tớ, mỗi người một việc (câu 34).
Có lẽ từ lâu ta đã thấy không cần chờ đợi Chúa,
vì chúng ta có quá nhiều điều khác để đợi mong,
những điều gần gũi hơn, thiết thực hơn, cấp bách hơn.
Hãy nói cho tôi biết, bạn đang chờ gì,
tôi sẽ nói cho bạn biết, bạn đang đi về đâu.
Nếu không có Ai để chờ, thì cũng chẳng cần tỉnh thức.
Tỉnh thức trong đêm tối đâu phải là chuyện dễ dàng.
"Ngài trở lại và thấy các môn đệ đang ngủ...
Rồi Ngài lại đến và thấy họ vẫn đang ngủ,
đôi mắt họ li bì nặng giấc" (Mt 26, 40-45).
Chiến đấu chống lại sự buồn ngủ của mắt
còn dễ dàng hơn chống lại sự mê ngủ của tinh thần.
Cuộc sống vật chất ngày càng cao
cung ứng cho con người biết bao thứ ru ngủ
và đưa con người vào cơn mê mà họ không hay biết.
Ma túy là mối đe dọa giới trẻ hôm nay.
Ma túy đi vào trường học, được bán ở cổng trường,
để chích, để hút, để ngửi.
Nó cho người ta sống lâng lâng trong một thế giới ảo,
để rồi không còn khả năng sống đời thực của mình nữa.
Nhưng ma túy đâu phải chỉ là bạch phiến, cần sa.
Ma túy là tất cả những gì gây nghiện,
khiến con người thành nô lệ và đánh mất mình.
Tiền bạc, tiếng tăm, tình dục, tiện nghi...
vẫn là những thứ ma túy mê hoặc con người.
Mùa Vọng là mùa tỉnh thức,
để thành thật tự hỏi:
"Tôi đang nghiện thứ ma túy gì?"

Chong đèn Niềm Tin Cậy Mến trong lòng, sẵn sàng chào đón Chúa đến viếng thăm!

 X Gợi Ý Chia Sẻ
Sống là có ước mơ và chờ đợi. Ðâu là những ước mơ của bạn? Chúa có chỗ trong những ước mơ đó không?
Có bạn trẻ coi chuyện tình cảm là chuyện hết sức quan trọng, đến độ dám tự tử nếu cuộc tình đổ vỡ. Bạn nghĩ thế nào là thái độ quân bình nên có khi yêu nhau?

Tỉnh thức & Đợi chờ!

X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin đánh thức con.
Xin đưa con ra khỏi cơn mê
mà tự sức con không sao thoát ra được.
Xin đừng ngại đánh thức con
bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,
nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ
đang cắt tỉa con vì yêu con.
Ước gì con được tỉnh táo
để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê,
những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.
Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,
xin cho con thức luôn và sáng luôn,
trước nhan Chúa.


http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/manna2/bmanna10.htm

MÙA VỌNG: MÙA TỈNH THỨC, SÁM HỐI & DỌN LÒNG SẴN SÀNG CHÀO ĐÓN ĐẤNG CỨU ĐỘ GIÁNG SINH!




CN I MÙA VỌNG B 30-11-2014
Peter Cuong Kt (MTC)

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

VÌ XƯA TA ĐÓI - SUY NIỆM TIN MỪNG CN 34 TN A - LM. ANTÔN NGUYỄN CAO SIÊU, SJ



(23.11.2014 – CN 34 TN: Lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ trụ)
Christ-the-King.jpg  
Lời Chúa: Mt 25, 31-46

Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 31 “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 

34 Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”. 

37 bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” 40 Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. 

41 Rồi Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom”. 

44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc là trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” 45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”. 46 Thế là họ sẽ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời”. 



Suy Niệm


TÊRÊSA Calcutta là người mê và sống đoạn Tin Mừng này.
 Bà bị cuốn hút bởi những người đau khổ.
 Dưới mắt bà, đó không chỉ là những người đáng thương,
 mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đau khổ.
 Tình yêu con người và tình yêu Chúa Giêsu quyện vào nhau.
 Vì yêu Ngài, nên bà yêu con người mãnh liệt hơn.
 “Tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người,
 dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa.”

Ðoạn Tin Mừng này được chọn đọc vào Chúa Nhật hôm nay,
 vì ở đây Chúa Giêsu được mô tả như một vị Vua,
 có thiên sứ theo hầu, ngồi trên ngai vinh hiển.
 Ngài là Thẩm phán xét xử muôn dân,
 tách biệt kẻ lành người dữ, thưởng phạt công minh.
 Nhưng phán quyết của Ngài làm ai nấy kinh ngạc.
 Người ta được chúc phúc hay bị nguyền rủa
 dựa trên những việc họ đã làm hay không làm cho Ngài,
 mà họ không hề hay biết.
 Vua Giêsu chẳng ở đâu xa, chẳng ở cung vàng điện ngọc.
 Ngài ở trong những người cùng khốn.
 Vua Giêsu đồng hoá mình với những người đói khát,
 khách lạ, trần trụi, đau yếu hay ở tù
 mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày.

Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua con người,
 qua những người hèn kém đáng thương nhất.
 Chúa vinh quang không ngại nhận họ là anh em.
 Ngài không khoác tấm áo lộng lẫy kiêu sa
 để dễ gần gũi với nỗi đau của người yếu thế.
 Như thế chúng ta không phải tìm Chúa ở nơi xa xôi.
 Ngài không chỉ ở trong nhà thờ, trong bí tích.
 Ngài còn ở nơi những người đang cần chúng ta.
 Mỗi người khốn cùng đều là một bí tích,
 nơi chúng ta có thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu.
 Có những lần Chúa đi ngang qua đời ta
 như vị vua giả trang làm người hành khất.
 Ngày phán xét, chúng ta không được giả vờ ngạc nhiên
 khi nghe biết mình đã để Ngài đi qua tay trắng.
 “Chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên tình yêu.”
 Tội lớn nhất là tội thiếu sót: không làm điều phải làm.

Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay
 xin ta giúp các anh em bé mọn nhất của Ngài.
 Những người mù chữ, những trẻ em đường phố,
 những người bị suy sụp tinh thần, cần được yêu thương,
 những người không tìm được cho đời mình một chỗ trọ,
 những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê,
 những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác.
 Phải làm một việc gì đó cụ thể
 để Nước Chúa lớn lên trong thế giới này.
 Phải xây dựng một điều tốt đẹp nào đó
 để Vua Giêsu thật sự là Vua Vũ Trụ,
 vũ trụ bên ngoài và vũ trụ trong lòng con người.



Cầu Nguyện


Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ,
 nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,
 nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu,
 nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo,
 thì thế giới này sẽ đổi khác,
 Hội Thánh sẽ đổi khác.

Chúng con không phải là một lượng men nhỏ.
 Nếu khối bột chẳng được dậy lên,
 thì là vì men đã mất phẩm chất.

Chúng con phải chịu trách nhiệm
 về sự dữ trên địa cầu:
 có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.

Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,
 nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ,
 chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,
 giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ,
 nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,
 dù Chúa đã đến trái đất này từ hơn 2000 năm.
 Chúng con sợ Chúa đến làm phiền lòng chúng con,
 và không cho chúng con được yên ổn.
 Ước gì một tỉ người công giáo
 chịu để Chúa chi phối đời mình
 và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
 Như thế vũ trụ này
 trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J