Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

NIỀM VUI VÌ ĐƯỢC SAI ĐI - CN III TN A - 26-01-2013



I.- Lời Chúa (Mt 4,12-23)
12 Khi Ðức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. 13 Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphanaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc hạt Dơvulun và Naptali, 14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: 15 Này đất Dơvulum, và đất Naptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! 16 Ðoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.


17 Từ lúc đó, Ðức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến."
18 Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.


21 Ði một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan.  Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền.  Người gọi các ông. 22 Lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. 23 Thế rồi Ðức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.



II.- Suy Niệm
Khi Gioan bị bắt, Ðức Giêsu đã lánh qua Galilê.
Galilê là vùng ven, ít nguy hiểm cho Ngài.
Dân cư ở đây phần đông là dân ngoại.
Người Do thái ở đây bị coi là những kẻ sống bên lề Dân Chúa.
Nhưng Galilê lại là nguyên quán của Ngôi Lời làm người,
và là nơi Ðức Giêsu chọn để bắt đầu thi hành sứ vụ.
Từ Galilê, Ngài sẽ sai môn đệ đi khắp thế gian (Mt 28,19).
Ðức Giêsu rời bỏ Nadarét, để đến cư ngụ tại Caphácnaum.


Caphácnaum là địa bàn hoạt động được Ngài ưa thích.
Có lúc nó được gọi là thành của Ngài (9,1), dù bất xứng (11,23).
Galilê, Nadarét, Caphácnaum chẳng có chút tiếng tăm (Ga 1,46),
nhưng Ðức Giêsu vẫn là một ngôn sứ xuất thân từ đó (Mt 21,11).
Hãy ngắm nhìn Ðức Giêsu trên những nẻo đường.
Ngài rút về Galilê, Ngài đến Caphácnaum, đi dọc theo bờ biển.
Khắp miền Galilê in dấu chân của Ngài (Mt 4,23),
Ngài không vào hoang địa như Gioan, rồi gọi người ta đến.
Ngài đích thân đến với con người ngay giữa đời thường.
Ngài cứ đi không nghỉ, không đóng đô ở một chỗ.
Nhu cầu quá lớn không cho phép Ngài dừng lại (Mc 1,38).
Ðức Giêsu chuyển động và kéo người ta chuyển động theo Ngài.
Những người đầu tiên là các ngư phủ mà Ngài quen biết.
Tuy là những người ít học, không giàu có hay địa vị,
nhưng đối với Ngài, họ có đủ tố chất cần thiết
để trở nên những người cộng sự của Ngài.
Sự kiên trì khi thả lưới giúp họ biết nhẫn nại chờ đợi.
Sự hòa đồng giúp họ chấp nhận nhau và làm việc chung.
Sự can đảm trước sóng gió giúp họ đối diện với nghịch cảnh.
Khả năng nhận ra khi nào và chỗ nào nên thả lưới
sẽ giúp họ khám phá những vùng truyền giáo màu mỡ.


"Các anh hãy theo Tôi": một lời mời gọi lên đường.
Hãy gắn bó với Tôi và chia sẻ thao thức của Tôi.
Ðể lên đường cần bỏ lại cái êm ấm được phép,
êm ấm bên gia đình, bên vợ con như Phêrô,
êm ấm bên khoang thuyền, cạnh người cha đang vá lưới.
Theo Chúa là chấp nhận ra khơi
hay đúng hơn là chấp nhận lên bờ,
bóc mình ra khỏi khung cảnh sống quen thuộc.
Chấp nhận bấp bênh, không nhà cửa, không nghề nghiệp,
là để có thể đi đến mọi nhà, gặp mọi người,
và tận tụy cho sứ mệnh loan báo Nước Thiên Chúa.
Ðức Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời gần bên.
Ðể đón lấy quà tặng đó, cần sám hối, hoán cải.
Hoán cải là để Ngài kéo vào một chuyển động,
là quay lại, là bỏ con đường mình đã quen từ lâu,
để đi cùng chiều với Chúa và ngược chiều với cái tôi ích kỷ.
Ðức Giêsu gieo rắc niềm vui khắp nơi.
Niềm vui cho người nghe, niềm vui cho người khỏi bệnh.
Bước chân không mỏi, lời nói thiết tha, trái tim gần gũi
Hôm nay Hội Thánh vẫn sống giữa những Galilê dân ngoại.
Chúng ta có đủ niềm vui để làm Galilê bừng sáng không?



III.- Gợi Ý Chia Sẻ
Ði kèm với lời giảng, Ðức Giêsu đã chữa bệnh và trừ quỷ.  Theo ý bạn, người rao giảng Lời Chúa hôm nay cần phải làm gì kèm theo, để dễ được người nghe đón nhận?
Ðức Giêsu đã gọi bốn bạn trẻ khi họ đang tất bật với cuộc sống.  Có khi nào Chúa gọi bạn lúc bạn đang vất vả kiếm sống không?



IV.- Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui của người được lành bệnh.
Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay.
Có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.


Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương

và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

Nguồn: Trích từ Tập suy niệm Manna A của LM. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN: THẤY - BIẾT - LÀM CHỨNG - CN II TN A 19-01-2014


Chúa Nhật 2 Thường Niên A

Tôi Ðã Thấy

I.- Lời Chúa (Ga 1,29-34)
29 Khi ấy, ông Gioan thấy Ðức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: "Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian. 30 Chính Người là Ðấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. 31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước." 32 Ông Gioan còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.
33 Tôi đã không biết Người.  Nhưng chính Ðấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai thì người đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần."
34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Ðấng Thiên Chúa tuyển chọn."


II.- Suy Niệm
Biết một người là đi vào một mầu nhiệm.
Chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, hai lần Gioan khẳng định:
"Tôi đã không biết Người" (cc 31-33).
Cho đến khi làm phép rửa cho Ðức Giêsu,
Gioan thú nhận mình vẫn chưa biết Ngài là Mêsia.
Dù Ðức Giêsu là bà con họ hàng của ông (x.Lc 1,36),
dù hẳn ông đã có một số thông tin về Ngài.
và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (x.Mt 3,14),
nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.
Ðược Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ.
Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá
Ðấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.
Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là Mêsia.
Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Ðức Giêsu
lúc Ngài được ông ban phép rửa.
Bây giờ có thể nói ông đã biết Ðức Giêsu.
Ông đã biết sau khi ông đã thấy.
Từ cái biết nhờ thấy, do ơn Thiên Chúa ban,
Gioan đã trở nên người làm chứng trung tín.
Ông vui lòng giới thiệu Ðức Giêsu cho môn đệ mình.
Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga 3,26).
Ông vui khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật (Ga 3,30).
Làm chứng cho Ðức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng.
Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Ðức Giêsu.


Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm,
thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn.
Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh lọc.
Hành trình của Gioan cũng là của tôi: thấy, biết, làm chứng.
Biết một người là chuyện khó.
Biết Ðức Giêsu Kitô còn khó hơn nhiều.
Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người độc đáo này,
nơi giao nhau giữa trời và đất, giữa Tạo Hóa và thụ tạo.
Ðể biết Ðức Giêsu, tôi cần thấy Ngài tỏ mình.
Không hẳn tôi sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng.
Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng.
Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những chuyện đời thường,
qua những con người đơn sơ tôi vẫn gặp.


Tôi cần tập thấy Ngài ẩn sau lớp vỏ xù xì của thực tế.
Cần thường xuyên làm mới lại cái biết về Ðức Kitô.
để có tương quan thâm trầm hơn, thân mật hơn với Ngài.
Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư,
là hiệp thông, gặp gỡ, chia sẻ chính cuộc đời Ngài,
là để mình sống trong Ngài và Ngài sống trong mình,
thì biết là nỗ lực của cả một đời Kitô hữu.
Gioan đã làm chứng cho dân về Ðấng họ đang đợi.
Con người hôm nay đang đợi ai?
Ðức Giêsu do chúng ta trình bày và sống
có đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của họ không?
Tôi cần thấy và biết Ngài hơn, để làm chứng tốt hơn.


III.- Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, thế nào là biết một người?  Có bao nhiêu mức độ khác nhau trong việc biết một người?  Bạn biết Ðức Giêsu ở mức độ nào?
Gioan giới thiệu Ðức Giêsu là "Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa bỏ tội trần gian."  Còn bạn sẽ giới thiệu Ðức Giêsu như thế nào cho con người hôm nay?


IV.- Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,

mà là chính Ngài đang sống.

Nguồn: Bài suy niệm trích từ Tập MANNA A của LM. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

GƯƠNG KHIÊM HẠ - CN LỄ CG. CHỊU PHÉP RỬA - 12-01-2014


X Lời Chúa (Mt 3,13-17)
13 Khi ấy, Ðức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. 14 Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" 15 Nhưng Ðức Giêsu trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người.
16 Khi Ðức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra.  Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17 Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người."



X Suy Niệm
Xếp hàng chung với những người thu thuế, tội lỗi,
Ðức Giêsu chờ đến phiên mình được Gioan làm phép rửa.
Gioan bối rối, khước từ.
Ðấng ông không đáng xách dép, Ðấng là thẩm phán quyền uy,
Ðấng sẽ ban phép rửa trong Thánh Thần,
Ðấng ấy lại cúi mình xin ông làm phép rửa sám hối.
Ðức Giêsu mời gọi ông cứ làm, dù ông không hiểu,
vì đó là điều hợp với ý muốn của Thiên Chúa.
Câu nói đầu tiên của Ðức Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu (3,15)
tóm gọn cả cuộc đời tương lai của Ngài.
Ngài chỉ muốn giữ trọn, làm trọn điều Thiên Chúa muốn.


Ðức Giêsu hạ mình trước mặt Gioan,
và Ngài còn dìm mình thật sâu trong dòng nước.
Ngài chia sẻ cùng một dòng nước với những hối nhân.
Ngài liên đới với sự hoán cải của cả dân tộc.
Chính lúc Ngài tự hạ vì vâng phục,
Thiên Chúa lại muốn long trọng tôn vinh Ngài.
"Vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra."
Tầng trời mở ra là dấu hiệu Thiên Chúa muốn ngỏ lời.
"Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống và ngự trên Người."


Ðức Giêsu đã được thụ thai nhờ Thánh Thần,
nay Ngài lại nhận được Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ.
"Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người."
Chúa Cha trìu mến giới thiệu cho ta Con của Ngài.
Cha tấn phong Ngài làm Mêsia, nhưng theo kiểu một Tôi Tớ.
Ðức Giêsu hiểu những gì Cha mới vén mở cho mình.
Qua bao năm cầu nguyện, Ngài đã được Cha tỏ lộ
về căn tính và sứ mạng thiên sai của Ngài.
Nhưng hôm nay, nơi sông Giođan,
Cha đã chuẩn nhận một cách long trọng và dứt khoát.
Cả con người Ngài bừng lên ánh sáng và sức mạnh.
Ðức Giêsu biết giai đoạn ẩn dật ở Nadarét đã kết thúc.
Ðã đến lúc Cha muốn Ngài lên đường.
Kinh nghiệm bên sông Giođan, Ðức Giêsu chẳng thể quên.
Kinh nghiệm ấy được sống và lớn lên trong suốt đời Ngài.
Ngài không chỉ đứng chung với tội nhân,
Ngài còn gần gũi họ, nâng dậy và gánh tội của họ.
Ngài chết với những tội nhân và chết như một tội nhân.
Các tầng trời đã mở ra và không bao giờ khép lại.
Sự hiện diện, lời nói, hành động của Ngài
đã luôn là một vén mở về khuôn mặt của Thiên Chúa.


Thần Khí Thiên Chúa đã ngự trên và ngự trong Ngài.
Thần Khí là bạn đường, hướng dẫn Ngài vào hoang địa,
đưa Ngài đi giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật.
Thần Khí làm Ngài hớn hở mừng vui cất lời ca ngợi.
Nhờ Thánh Thần, Ngài đã luôn sống như Con của Cha,
luôn làm điều đẹp lòng Cha và sống đơn sơ phó thác.
Phép rửa ở Giođan chuẩn bị cho phép rửa nơi thập giá.
Chúng ta được mời gọi sống phép Rửa mình đã lãnh nhận.
Mai táng cái tôi ích kỷ và rạng rỡ trong cái tôi tự do.



X Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, đâu là khuôn mặt của một Kitô hữu lý tưởng?  Tương quan của người này với Ba Ngôi, với Hội Thánh và với thế giới có những nét đặc biệt nào?
Ðối với Ðức Giêsu là một chuỗi những tự hạ vì vâng phục Cha và yêu thương con người.  Bạn có thể kể một số tự hạ của Ngài không?  Bạn nghĩ gì về sự tự hạ của bạn?



X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

Nguồn: Bài suy niệm trích từ Tập Manna A của LM. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Ra Ði - Chúa Nhật Lễ Hiển Linh 05-01-2014



 X Lời Chúa (Mt 2,1-12)
1 Khi Ðức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Ðông đến Giêrusalem, 2 và hỏi: "Ðức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu?  Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người."


3 Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Ðấng Kitô phải sinh ra ở đâu. 5Họ trả lời: "Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: 6 Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời."
7 Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người."


9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi.  Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Ðông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đổi đường khác mà về xứ mình.


X Suy Niệm
Thiên Chúa không chỉ tỏ mình cho dân Ít-ra-en.
Ngài còn tỏ mình cho các dân tộc khác,
vì Ngài muốn cứu độ mọi người chẳng trừ ai.
Các nhà chiêm tinh vùng Babylon là đại diện cho dân ngoại.
Ðối với họ, bầu trời là một cuốn sách,
các vì sao nói về những biến cố trên địa cầu.


Có thể Thiên Chúa đã muốn dùng sự xuất hiện
của một vì sao để báo hiệu Con Ngài chào đời.
Thiên Chúa chấp nhận dùng thứ ngôn ngữ đầy khiếm khuyết đó
để mời họ lên đường đi gặp Ðấng Cứu Ðộ.
Hôm nay, Ngài vẫn ngỏ lời với những ai chưa biết Ngài
bằng muôn vàn cách thức khác nhau, khiến họ hiểu được.
Thiên Chúa vẫn làm sáng lên muôn ánh sao,
không ở trên trời cao, nhưng ở trong lòng người.
Ánh sao có thể là một lý tưởng, một khát vọng mãnh liệt:
khát vọng sự thật, tự do, ấm no, hạnh phúc

Ánh sao đưa con người lên đường tìm kiếm,
và Ngài không ngừng ban niềm vui trong suốt cuộc hành trình.



Các nhà chiêm tinh đã phải ra khỏi nhà, ra khỏi mình,
ra khỏi những định kiến, để đón tiếp cái bất ngờ.
Họ chỉ mong được bái lạy vị Vua mới sinh.
Nhưng vị Vua này chẳng ở Giêrusalem cao sang,
mà lại ở vùng Bêlem bé nhỏ.
Vị lãnh tụ dân Ít-ra-en chỉ là một hài nhi bình thường,
sống trong một căn nhà bình thường.


Hêrôđê bối rối lo sợ khi nghe tin sinh hạ Vua Do thái.
Các thượng tế và kinh sư tuy biết rõ nơi Ngài sinh,
nhưng họ không muốn lên đường tìm kiếm.
Các nhà chiêm tinh chỉ có một cái biết mơ hồ,
nhưng họ đã can đảm ra đi, tích cực tìm kiếm,
tin tưởng sấp mình bái lạy và cung kính dâng lễ vật.



Vẫn có đám đông những người không phải là Kitô hữu
đang miệt mài nghiên cứu trong mọi lãnh vực,
khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, tư tưởng...,
đang gắng công tu tập trong các tôn giáo,
hay đang tận tụy làm cho trái đất được tốt đẹp hơn.
Có ánh sáng nào soi chiếu nẻo đường họ đi.
Họ đã chấp nhận bao hy sinh từ bỏ,
để nhẹ nhàng, thanh tịnh mà tiến bước.
Các nhà chiêm tinh ngày xưa đã gặp được Ðấng họ tìm.
Hôm nay, còn bao người vẫn trên đường rong ruổi.
Thiên Chúa đồng hành với họ mà họ chẳng hay.
Họ đã ở gần Chúa ngay khi chưa gặp Ngài.


Lễ Chúa Hiển Linh mời ta nhận ra và trân trọng
hoạt động của Thiên Chúa nơi anh chị em ngoài Kitô giáo.
Có khi chúng ta giống các thượng tế và kinh sư
tự mãn với cái biết lý thuyết của mình về Thiên Chúa,
nên chẳng muốn lên đường gặp mặt Ngài.
Ước gì chúng ta không coi mình như người đã tìm thấy,
nhưng khiêm tốn học hỏi nơi những người đang tìm kiếm.


X Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn có nhìn thấy Thiên Chúa đang hoạt động nơi những anh chị em ngoài Kitô giáo không?  Bạn có quen ai làm bạn cảm phục không?
Thiên Chúa đến với bạn qua những đại lộ (là Thánh Lễ, các Bí Tích...) Nhưng Ngài cũng đến với bạn qua các ngõ hẻm (một biến cố, một bài báo, một câu nói bâng quơ...).  Ðâu là những ngõ hẻm Chúa thường đến với bạn?


X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.



Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
-------------------------------------------------------
Nguồn: Bài suy niệm trích từ Tập MANNA A của LM. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ