Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Ai Hạ Mình Xuống Sẽ Ðược Tôn Lên - CN XXII TN C 01-09-2013



X Lời Chúa: (Lc 14,1.7-14)
1 Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này". Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho". Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn". 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên".
12 Rồi Ðức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại".

Khiêm hạ  & Đơn sơ trong phục vụ

 X Suy Niệm
Nếu cuộc đời là một bữa tiệc,
hẳn có nhiều thực khách đã chọn chỗ nhất mà ngồi.
Tôi chọn ngồi chỗ nhất vì tôi thấy mình quan trọng,
tôi xứng đáng được hưởng vinh dự đó...
Tiếc thay, không có nhiều chỗ nhất trong bữa tiệc cuộc đời,
nên người ta phải tranh giành nhau bằng mọi thủ đoạn
để chiếm được và giữ được chỗ nhất cho mình.
Những cuộc tranh giành như thế đâu phải là điều xa lạ.
Chúng vẫn diễn ra nơi gia đình, trong cộng đoàn,
trong nhóm, trong giáo xứ, giữa các quốc gia...
Nơi nào có hai người ở với nhau
là có thể có đụng chạm,
vì chỉ có một chỗ nhất.

ĐGH. PHANXICÔ trong nghi thức Rửa chân

Giữa một thế giới tự cao tự đại, rồi xâu xé nhau,
Ðức Giêsu mời gọi chúng ta sống tự khiêm, tự hạ.
Nhiều khi chúng ta hiểu sai về khiêm nhường.
Khiêm nhường không phải là khinh rẻ bản thân,
cũng không phải là thụ động, không dám nhận trách nhiệm,
trách nhiệm làm người ở đời và làm con Thiên Chúa.
Khiêm nhường lại càng không phải là một mặt nạ
để lôi kéo sự chú ý của người khác:
tôi hạ mình xuống để được tôn lên.
Abraham là một mẫu gương khiêm nhường.
Ông ý thức mình chỉ là tro bụi (Kn 18,27),
nhưng ông đã dám mạnh dạn mặc cả với Ðức Chúa
về số người công chính, đủ để cứu thành Sôđôma.
Giêrêmia đã từ chối làm ngôn sứ,
lấy cớ mình còn trẻ người non dạ (Gr 1,6).
Nhưng khi ông dám nhận trách nhiệm Chúa trao,
thì ông trở thành khiêm tốn và can đảm.
Nhiều người định nghĩa khiêm nhường là chấp nhận sự thật.
Nhưng chấp nhận sự thật là điều khó biết bao,
vì sự thật đòi tôi xét lại cách sống.
Khiêm nhường là nhận biết thân phận thụ tạo của mình:
những gì tôi có và cả con người tôi, đều bởi Chúa.
Khiêm nhường là đón nhận đời mình như quà tặng Chúa ban,
và dâng lại đời mình cho Chúa như một quà tặng.
Khiêm nhường cũng là nhìn nhận sự thật về mình:
tôi chưa hoàn hảo, tôi có nhiều giới hạn,
tôi cần được tha nhân nâng đỡ, góp ý...
Tha nhân ấy không phải chỉ là người trên tôi,
mà còn có thể là người kém tôi hay chẳng ưa tôi.
Nơi lời chỉ trích, tôi gặp được khá nhiều sự thật.
Nếu tôi khiêm hạ trước người khác,
tôi sẽ thấy được nhiều ưu điểm bất ngờ của họ.
Những ưu điểm này không phải là mối đe dọa cho tôi
nhưng là quà tặng làm tôi thêm phong phú.
"Xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa."
Càng biết, chúng ta càng khiêm nhường thẳm sâu.
Thánh Phanxicô Borgia viết:
"Tôi thực tâm muốn đặt mình ở dưới Giuđa,
vì tôi đã thấy Ðức Giêsu ngồi dưới chân anh ấy."
Nếu chúng ta chọn ngồi ở chỗ cuối,
thì chỉ vì đó là chỗ ngồi quen thuộc của Ðức Giêsu.
X Gợi Ý Chia Sẻ
Ðối với bạn, thế nào là một người kiêu ngạo? Bạn nhận ra người đó qua những cử chỉ bên ngoài và thái độ bên trong nào?
Theo ý bạn, người khiêm nhường thực sự thi có những nét nào? Làm sao để tập được đức khiêm nhường trước Thiên Chúa và tha nhân?

X Cầu Nguyện
Giữa một thế giới
đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Nguồn: Trích Tập Manna C của Lm.Antôn Nguyễn Cao Siêu,SJ

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Cửa Hẹp -CN XXI THƯỜNG NIÊN C 25-08-2013


 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa( Lc13, 29)

X Lời Chúa: (Lc 13,23-30)
22 Hồi ấy, trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23 Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?"
 Người bảo họ: 24 "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. 25 "Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!", thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!" 26 Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi". 27 Nhưng ông sẽ đáp với anh em: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!". 28 "Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. 30 "Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót"

X Suy Niệm
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp.
Cửa hẹp khi thi vào đại học.
Cửa hẹp khi đi xin việc làm.
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều.
Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa,
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.
"Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp" (Lc 13,24),
vì "cửa hẹp dẫn đến sự sống" (Mt 7,14).
Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình,
với cái tôi cồng kềnh của mình,
nặng nề vì những vun vén cá nhân,
phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá.
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại,
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng.
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ,
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.
Ðể "người lớn" trở nên hồn hậu như trẻ thơ,
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình.
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng.
Họ gõ cửa và đòi vào.
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc,
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu,
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy.
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ:
"Ta không biết các anh từ đâu đến!"
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy,
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm...
Chúa vẫn không quen biết chúng ta
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình.
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục.
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ.
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban,
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa,
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên:
"Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín."

X Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn thấy để sống đời Kitô hữu xứng đáng, dễ hay khó? Có khi nào bạn thấy khó đến độ không thực hiện nổi không?
Nước Thiên Chúa được ví như một bữa tiệc vui, trong đó có muôn người từ khắp nơi trên thế giới đến dự. Bạn có hình ảnh nào khác để gợi mở về Thiên Ðàng không?


X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động

theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Trích nguồn: manna c của Lm Nguyễn Cao Siêu,SJ 


Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

THÁNH NỮ MONICA (St. Monica) 27/8


 monica
Ngày 27/8
Mt 23,23-26

Có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác.Có những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người khác . Giọt nước mắt của người mẹ luôn có tác dụng rất lớn đối với con cái. Giọt nước mắt của thánh nữ Monica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô,người con trai, đầu lòng thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc. Thánh nữ Monica đã cầu nguyện, đã khóc lóc, Chúa đã nhậm lời và ban cho con của thánh nữ là Augustinô ơn cải hóa từ tâm, ơn đổi mới tâm hồn,ơn làm đẹp con tim :con tim mới,cái nhìn mới .

MỘT CON NGƯỜI
Có một người nữ được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, thánh thiện:tên người nữ ấy là Monica . Monica sinh vào năm 332 tại làng Sucara bên Phi Châu.Gia đình Monica vốn có truyền thống đạo đức,yêu thương tha nhân,yêu thương người nghèo .Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình, monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, nhiệt thành, sốt sắng. Ngay từ lúc còn nhỏ Monica đã có tâm hồn quảng đại yêu thương người nghèo:mỗi bữa cơm Monica thường dành ra một phần cho người đói túng thiếu và Monica thường tìm chỗ vắng vẻ để thân mật nói chuyện với Chúa .Monica đã biết biến những phút giây gặp gỡ người nghèo, chia sẻ cho người nghèo, cầu nguyện làm hạnh phúc cho đời mình. Cô đã biết biến những phút giây ấy làm phút giây cứu độ cho mình và cho người khác.

Con người đạo đức vẫn thường gặp truân chiên như nhiều người thường nói . Oâng Gióp đã là chứng minh hùng hồn cho cuộc đời thánh thiện,nhưng gặp toàn những chuyện thử thách,rắc rối .

Thánh Giuse là người công chính nhưng cũng gặp đắng cay nếu không hiểu được ý Chúa, chắc chắn Người đã đứt gánh giữa đường. Monica cũng nằm trong diện ấy . Năm 22 tuổi,vì vâng lời cha mẹ, thánh nữ đã kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi quí phái,nhưng tính tình xấu xa,ngang ngược,độc ác và lại hơn Monica cả hai con giáp.Đau khổ nhưng Monica đã chấp nhận ý cha mẹ và âm thầm cầu nguyện cho chồng vì thánh nữ xác tín mình sẽ cứu được một linh hồn trở về với Chúa.Nhờ lòng quả cảm,đức tính khiêm nhường,và nhờ cầu nguyện vững tin vào Chúa, Monica đã cảm hóa được người chồng và sau này bà sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng sau này chính nhờ những giọt lệ thành tâm và nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của thánh nữ, Augustinô đã trở lại và trở nên thế giá , trở nên thánh .

VẪN GIỌT NƯỚC MẮT CỦA MONICA

Monica tuy sống trong một gia đình ngoại giáo,đã luôn chứng tỏ bà có Chúa ở cùng.Sự thánh thiện, lòng quảng đại, yêu thương của Monica đã cảm hóa được người chồng ác độc,ngang tàng,ích kỷ. Monica luôn dậy con cái biết mến Chúa, yêu người .Bà luôn yêu thương con cái với tất cả con tim,với tâm hồn đầy ắp Chúa . Bà đã biết biến mọi giây phút trong cuộc đời của bà trở thành những giây phút,những cơ hội hồng ân để thay đổi lòng người khác. Chính cái phút giây bà vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius đã thay đổi đời bà, nghĩa là bà đã chấp nhận điều mình không ưa thích để biến nó thành phút giây cứu độ cho mình và cho người mình sẽ sống, sẽ nhận làm chồng dù rằng bà biết bà sẽ phải đau khổ nhiều, phải hy sinh, phải từ bỏ.Tình yêu Đức Kitô thúc bách bà . Bà đã đi tới cùng, bà đã làm thay đổi chồng, con và biến đổi người con trụy lạc,ham chơi, ham lạc thú là Augustinô trở nên người con tốt, người con đẹp cho Giáo Hội . Qua những giọt lệ của Monica, qua lời cầu xin tha thiết của bà, monica đã làm thay đổi tất cả, đã làm mới mọi sự để bà có thể nói được như ông già Siméon :” Giờ đây xin để tôi tớ ra đi bình an…” .

Thánh nữ Monica đã qua đời năm 387 sau khi Augustinô được thánh Giám mục Ambrosiô rửa tội.Thánh nữ được an táng tại Otti . Đức Thánh Cha Martinô truyền đem xác thánh nữ về nhà thờ Thánh Augustinô ở Roma vào năm 1430.

Lạy Thánh nữ Monica, xin ban cho các bà mẹ công giáo luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức như thánh nữ .
Xin cho các bà mẹ luôn biết giáo dục con cái mình biết mến Chúa và yêu người .
Xin cho các bà mẹ công giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu tha nhân.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG, Ngày 22/8




Thánh vịnh 44, 10 viết rằng:” Lạy Chúa, bên hữu Ngài, Hoàng Hậu sánh vai, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng, và trang điểm huy hoàng rực rỡ “. Thánh lễ mừng kính Đức Maria Trinh Nữ Vương đã có từ lâu, nhưng phải đợi đến năm 1944, Đức Giáo Hoàng Piô XII buộc toàn thể Giáo Hội mừng kính lễ này trọng thể trong toàn thể Giáo Hội.

KHÁI NIỆM VƯƠNG QUYỀN CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA:
Với muôn vàn tước hiệu Giáo Hội và nhân loại cung kính dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, tước hiệu Nữ Vương Vũ Trụ Trời Đất bao gồm mọi tước hiệu Nữ Vương khác, và tước hiệu này có nền tảng trong Sách Khải Huyền:” Một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”( Kh 12,1 ) hoặc “ Người mang Danh viết trên áo, trên tà áo của Người: Vua các vua và Chúa các chúa”( Kh 19, 16 ). Chúa là vua trên hết các vua. Vương quyền của Ngài vượt trên mọi vương quyền.

Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu cũng phải được tôn vinh như vậy và nhân loại phải tung hô vương quyền, tôn nhận Mẹ là Nữ Vương trên hết mọi Nữ Vương. Cha thánh Giám Mục Anphongsô đệ Liguori đã viết:” Chúng ta hãy cám tạ Nữ Vương rất dấu yêu của chúng ta, bởi vì mọi ơn chúng ta đợc lãnh nhận đều từ tay Mẹ và nhờ lời cầu bầu của Mẹ”( Vinh Quang Đức Mẹ, II ).Trong kinh lạy Nữ Vương ta đọc thấy:” Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, Ngọt ngào cho cuộc sống, Kính chào lẽ cậy trông “( Salve Regina ). Mẹ Maria được tôn nhận làm Nữ Vương trên thiên quốc. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập lễ Đức Maria Trinh Vương và công bố tông thư Coeli Reginam nói về Vương Quyền của Đức Trinh Nữ Maria: vương quyền của Mẹ Maria là vương quyền của yêu thương và phục vụ.

MẸ MARIA LÀ NỮ VƯƠNG TRỜI ĐẤT:
Trong kinh lạy Nữ Vương chúng ta xưng tụng” Thân lạy Nữ Vương, lạy Mẹ từ bi, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con”. Mẹ Maria được xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đã cứu dân ra khỏi hoạ diệt vong, Nữ Vương có mọi quyền hành bên Đức Vua và là Đấng bầu cử linh thiêng nhứt bên cạnh Đức Vua. Ngày nay, những lời ca tụng Đức Mẹ hướng về vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ và uy quyền của Mẹ bên ngai tòa Chúa Giêsu. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của ơn cứu độ và là hoa trái tuyệt mỹ của thập giá Chúa Giêsu” Một người nữ mình mặc áo mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”( Kh 12, 1 ).Mẹ Maria là người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Chúa:” Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”( Ga 2, 5 ).

Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa”( Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Maria Nữ Vương ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
17-8-2003

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Chỉ một chữ đủ để mô tả triều giáo hoàng của Đức Phanxicô


8/6/2013 8:36:00 PMNgày 2 tháng 8 vừa qua, John L. Allen Jr. nhận định rằng: quả là nguy hiểm khi tìm cách rút gọn thành một chữ toàn bộ sứ điệp của Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Rio về Rôma.
PopeFrancis-29Jul2013-11.jpg

Vì sứ điệp này bàn về rất nhiều chủ đề khác nhau mà trọn bản văn ghi lại dài gần 10,000 chữ. Ấy thế nhưng Allen vẫn cứ cố gắng làm việc này mà không xâm hại gì tới bất cứ điểm chủ yếu nào của sứ điệp. 

Chữ mà Allen cho không những tóm tắt trọn sứ điệp trên chuyến bay mà còn trọn cả triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, ít nhất từ trước tới nay, là chữ “thương xót”

Thực vậy, mỗi triều giáo hoàng gần đây đều có một “câu ruột” biểu tượng cho việc nhấn mạnh có tính cốt lõi của mình. Đối với Đức Gioan Phaolô II, câu đó là “Đừng sợ”, vốn được coi như khẩu lệnh nhằm làm sống dậy nhiệt tâm truyền giáo sau một giai đoạn chỉ biết nhìn vào mình và do dự. Đối với Đức Bênêđíctô XVI, nhóm chữ đó là “lý trí và đức tin”, tức luận điểm cho rằng tôn giáo mà thiếu suy tư tự phê sẽ trở thành cực đoan; còn lý trí con người mà thiếu định hướng của các chân lý tối hậu sẽ trở thành chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa hư vô. 

Mercy of God


Đối với Đức Phanxicô, ý niệm nền tảng là lòng thương xót. Rất nhiều lần, ngài nhắc đi nhắc lại khả năng tha thứ bất tận của Thiên Chúa bằng cách nhấn mạnh rằng điều mà thế giới cần nghe Giáo Hội nói hơn cả là sứ điệp cảm thương


Đức GH.Phanxicô trong chuyến bay từ RIO trở về RÔMA đêm 28-07-2013


Lọc lựa qua tất cả các nhận định của Đức Phanxicô trong cuộc họp báo trên không nói trên, điều duy nhất nói nhiều hơn cả là khi ngài trả lời câu hỏi về người Công Giáo ly dị và tái hôn. Và phần dẫn nhập của câu trả lời này cho ta cánh cửa sổ tốt nhất để nhìn vào triết lý mục vụ của ngài. Chủ yếu, ngài nói rằng:

“Lòng thương xót lớn lao hơn là trường hợp được anh nói tới. Tôi tin rằng đây là thời gian của lòng thương xót. Sự thay đổi của thời đại và cũng là của biết bao nhiêu vấn đề trong Giáo Hội - như một chứng tá không tốt của vài linh mục, nhưng cũng có các vần đề gian tham trong Giáo Hội - kể cả vấn đề duy giáo sĩ, chẳng hạn, nó đã để lại biết bao nhiêu người bị thương. Nhưng Giáo Hội là Mẹ phải ra đi chữa lành các người bị thương với lòng thương xót. Nếu Chúa không mệt mỏi tha thứ, thì chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn này: trước hết là săn sóc những người bị thương. Giáo Hội là Mẹ và phải đi trên con đường này của lòng thương xót. Và tìm ra một lòng thương xót đối với tất cả mọi người. Nhưng tôi nghĩ rằng, khi người con hoang đàng trở về nhà, người cha đã không nói: ”Mày, hãy ngồi xuống nghe tao đây, mày đã làm gì với tiền của rồi?” Không, ông tổ chức lễ mừng. Thế rồi có lẽ khi người con muốn nói, anh ta đã nói. Giáo Hội cũng phải làm như thế. Khi có ai đó... nhưng mà không phải chỉ chờ đợi họ, mà là ra đi tìm kiếm họ. Đó là lòng thương xót. Và tôi tin rằng thời điểm (kairos) đã tới, đây là thời điểm của lòng thương xót. Chính Đức Gioan Phaolô II đã có trực giác này khi đã bắt đầu Lòng Thương Xót Chúa với thánh nữ Faustina Kowalska... Người đã trực giác rằng đây là một sự cần thiết của thời nay’.

Kairos vốn là một hạn từ hết sức đặc trưng của Tin Mừng chỉ một thời điểm đã được ấn định trong kế hoạch của Thiên Chúa, như trong Máccô 1:15: “Đây là thời điểm ứng nghiệm. Nước Thiên Chúa đã gần kề”. Hạn từ Hy Ngữ chỉ “thời điểm” ở đây chính là kairos. Trong óc tưởng tượng Kitô Giáo, hạn từ kairos này tương ứng với thời khắc đặc biệt của lịch sử khi một khía cạnh đặc thù trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được tỏ lộ. 

Việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới lòng thương xót xẩy ra gần như ở khắp mọi nơi. Trong một nhận định gần đây trên tờ báo Ý Corriere della Sera, Enzo Bianchi, vị sáng lập ra đan viện đại kết nổi tiếng tại Bose, cho ta một phân tích thống kê về các chữ được Đức Phanxicô quen dùng kể từ ngày lên ngôi giáo hoàng. Chữ được dùng nhiều nhất là “vui”, hơn 100 lần; tiếp theo là “thương xót”, gần 100 lần.

Xác tín cho rằng ta hiện đang sống trong thời điểm thương xót làm mọi điều khác được Đức Phanxicô nói tới trên chuyến bay trở lại Rôma trở thành có nghĩa, và cả những điều ngài nói và làm từ trước đến nay kể từ ngày được bầu làm giáo hoàng hồi tháng Ba. 

Nó giải thích quyết tâm của ngài không phê phán người đồng tính. Nó cũng giải thích việc ngài không bị cuốn hút vào cuộc tranh luận chính trị khi một nhà báo Ba Tây hỏi ngài về các luật lệ gần đây của xứ sở ông cho phép phá thai và hôn nhân đồng tính. Được hỏi tại sao không nhắc gì tới các vấn đề gây tranh cãi ấy trong suốt cuộc tông du Ba Tây, ngài đáp rằng “không cần phải nói về chúng, mà nói về những điều tích cực giúp người trẻ tiến bước. Dù sao, người trẻ biết rất rõ đâu là chủ trương của Giáo Hội”. 

Được ép nói ra xác tín riêng, ngài không tránh né “Đó là xác tín của Giáo Hội... Tôi là con của Giáo Hội mà”. 

Cốt lõi là đó. Đức Phanxicô không phải là người cấp tiến về lý thuyết, và chắc chắn sẽ không có bất cứ sự thay đổi đáng kể nào trong các chủ trương của Giáo Hội về các vấn đề phái tính và giới tính hay bất cứ vấn đề gì khác. Và một câu hỏi chuyên biệt được Đức Phanxicô khéo léo trả lời theo đường hướng này là vấn đề phong chức cho nữ giới, ngài tái xác nhận “cánh cửa đã đóng lại rồi”. 


ĐGH. Phanxicô trong cuộc họp báo trên không đêm 28-07-2013


Cuộc cách mạng dưới triều Đức Phanxicô không phải là về nội dung mà là về cung giọng. Ngài tin đây là thời điểm để Giáo Hội giương cao gương mặt thương xót của mình cho thế giới thấy, một phần vì các thương tích tự mình gây ra cho chính mình, một phần vì tính khí khó khăn, không chịu tha thứ của thời đại. Đây là vị giáo hoàng tìm mọi dịp để biểu lộ cảm thương, bác bỏ việc chỉ tay kết án ngoại trừ khi thật cần thiết.

Việc ngài tập chú vào lòng thương xót cũng giải thích tại sao bí tích giải tội lại quan trọng đối với ngài đến thế, tại sao ngài nhấn mạnh tới việc ngồi tòa giải tội trước khi cử hành Thánh Lễ lúc thăm một giáo xứ Rôma lần đầu tiên hôm 31 tháng Năm, một điều mà cả hai Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI đều không làm. Tại Rio de Janeiro cũng thế, ngài đích thân ngồi tòa giải tội cho 5 bạn trẻ, coi như đó là việc quan trọng nhất ngài phải làm trong tuần.


Huy hiệu của ĐGH. Phanxicô
 

Tầm quan trọng của thương xót cũng đã được phát biểu trong huy hiệu giáo hoàng của ngài: Miserando atque eligendo, nghĩa là "bằng thương xót và tuyển chọn”

Theo Allen, trong dư luận báo chí phổ thông, Đức Phanxicô vốn được gọi là “Giáo Hoàng của Người Nghèo” và “Giáo Hoàng của Dân”, cả hai đều nói lên các khía cạnh chủ chốt của Đức Phanxicô. Tuy nhiên, nếu muốn có một công thức nói lên trái tim đang đập của triều giáo hoàng Phanxicô, thiển nghĩ không gì bằng tước hiệu “Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót”.

Không giảng về lửa và diêm sinh

Phil Lawler hoàn toàn đồng ý như thế, nhưng cho rằng không phải chỉ có thế, vì các chủ đề chủ yếu khác của triều giáo hoàng này cũng rất ăn khớp với sứ điệp bao trùm trên. 

Theo Lawler, một ít tuần lễ sau khi Đức Phanxicô lên ngôi giáo hoàng, những người quan sát của Vatican bắt đầu chú ý tới việc vị tân giáo hoàng hay nói tới tội lỗi và ma qủy, nhưng không theo lối của những vị giảng thuyết chuyên nói về lửa và diêm sinh. Ngài nói tới tội như một thực tại mà con người nhân bản nào cũng phải đương đầu. Kiểu nói “tôi không sao, bạn không sao” không có hiệu quả; ta biết ta quá rõ mà; để một mình, ta không thể nào vượt qua được các biên giới của bản nhiên sa ngã. 

Nhưng đây mới là yếu tính trong sứ điệp của Đức Phanxicô: với ơn Chúa, ta có thể thoát ra khỏi các biên giới kia. Chính vì thế, Đức Phanxicô có thể hân hoan lên tiếng, dù để nói về tội; và cũng là lý do tại sao nhiều người cảm thấy được khuyến khích dù ngài nói tới ma qủy. Trong thông điệp Spe Salvi, Đức Bênêđícô XVI cho rằng để hiểu được niềm hy vọng cứu rỗi nơi Kitô hữu, người ta phải trước nhất nhìn nhận việc cần được cứu rỗi. Nay, Đức Phanxicô trình bày giáo huấn có tính tín lý đó dưới hình thức một lời khuyên mục vụ. Ngài bảo: ta cần sự trợ giúp và Tin Mừng là sự trợ giúp ấy đã có sẵn!

Tuy nhiên, Đức Phanxicô không chỉ bằng lòng với việc một mình rao giảng sứ điệp này. Nhiều lần ngài khuyên các đồng đạo Kitô hữu của ngài cùng với ngài đem Tin Mừng đến với thế giới. Nếu việc cung hiến lòng thương xót của Chúa là sứ điệp quan trọng nhất của triều giáo hoàng này, thì sứ điệp quan trọng gần kề phải là việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới việc Giáo Hội phải đi ra ngoài, đem sứ điệp thương xót tới những người thiếu thốn nhất. Ngài liên tiếp phê phán “thứ Giáo Hội tự qui chiếu vào mình”, khuynh hướng coi Giáo Hội như một định chế nhân bản, như một tổ chức hơn là một cơ thể sống động. Ngài không mệt mỏi nhắc ta nhớ rằng Giáo Hội có đó là để phục vụ, để chu toàn mệnh lệnh của Chúa Kitô, là trải rộng lòng thương xót của Chúa ra khắp thế giới. 

Thay vì đào hào chống lại chủ nghĩa duy tục trong các vấn đề như phá thai, hôn nhân đồng tính và phong chức nữ giới, ngài chọn mở cuộc tấn công mới, trực tiếp kêu gọi hàng triệu người tìm nâng đỡ thiêng liêng. Ngài tập trung vào việc cung hiến, và thúc giục các tín hữu khác cung hiến, một khả thể hào hứng mà người duy tục không thể nào cung hiến được: đó là lòng thương xót của Chúa. 


ĐGH. Phanxicô ôm chầm lấy em Nathan trong nước mắt vì thương cảm


Một điểm chót: Đức Phanxicô sống giản dị, không phải để người đời tán thưởng, mà để đánh đổ cái nhìn coi ngài như nhân vật vĩ đại có thể dùng thế giá riêng để giảng dạy. Ngài muốn đơn giản hóa Vatican để đánh đổ quan điểm xưa nay vẫn cho rằng điều gì đó đúng là vì mấy viên chức cao cấp ở đó nói vậy. Ngài muốn một “Giáo Hội nghèo, một Giáo Hội cho người nghèo” vì ngài muốn thế giới biết rằng Giáo Hội không có gì để hiến tặng ngoại trừ ân phúc vô lượng của Thiên Chúa. Tóm lại, ngài sống đơn giản để dẫn thế giới tiến tới câu truyện có thực liên quan tới đức tin Công Giáo. Nó không phải là câu truyện về vị giáo hoàng, cũng không phải là câu truyện về Vatican, nhưng là câu truyện về lòng thương xót của Chúa.



Vũ Văn An