Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

BIẾN HÌNH LÀ TRỞ VỀ VỚI CHÍNH MÌNH - CN II MÙA CHAY B - 01-3-2015


Chúa Giêsu Biến Ðổi Hình Dạng

X Lời Chúa: (Mc 9, 2-10)
Hôm ấy, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Ðức Giêsu. 5 Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái". 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.  7 Và có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta Yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người". 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Ðức Giêsu với các ông mà thôi.
9 Ở trên núi xuống, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Con Người đã từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì.


 X Suy Niệm
Ðức Giêsu mê những ngọn núi vắng vẻ,
đó là nơi Ngài gặp gỡ Cha, chìm đắm trong cầu nguyện.
Có nhiều ngọn núi trong cuộc đời Ðức Giêsu:
núi của Bài Giảng về các mối phúc,
núi Tabo nơi Ngài biến hình,
núi Sọ và núi Ô-liu nơi Chúa thăng thiên.
Những ngọn núi trở thành cột mốc đánh dấu.
Những ngọn núi đan vào nhau làm nên cuộc hành trình.
Ba môn đệ thân tín được Ngài đưa lên núi Tabo,
để củng cố niềm tin của họ,
trước khi họ thấy Ngài như người bị Cha bỏ rơi
và bị mọi người khai trừ ruồng rẫy trên núi Sọ.
Nhưng vinh quang của núi Tabo
chỉ là một loé sáng bất ngờ và tạm thời,
báo trước vinh quang viên mãn khi Ngài về Thiên Quốc.


Biến hình là một hành động của Thiên Chúa Cha.
Sau khi gặp Cha, Ðức Giêsu được Cha biến hình.
Sự biến đổi này ảnh hưởng đến thân xác và khuôn mặt,
và đến cả y phục của Ngài.
Vinh quang của Con Thiên Chúa làm người vốn bị che khuất,
nay được Cha hé mở cho các môn đệ.
Ông Môsê ngày xưa, sau khi lên núi gặp Ðức Chúa
cũng đã phải che lại khuôn mặt chói lọi của mình.
Chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không biến hình.


Ðời sống kết hiệp thực sự với Thiên Chúa
làm cho người Kitô hữu tỏa sáng rực rỡ.
Biến hình không phải là trở thành cái gì khác mình,
như Tôn Ngộ Không với các trò biến hoá.
Biến hình là trở lại với cái tôi sâu thẳm của mình:
tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa.
Từ khi chịu phép Thánh Tẩy,
chúng ta đã bước vào một cuộc biến hình,
từ từ và liên tục.
Nếu chúng ta chấp nhận đi vào đường hẹp của Thầy Giêsu
chúng ta sẽ được biến hình đổi dạng
và phản ánh ngời sáng hơn vinh quang Chúa (x. 2Cr 3,18).
Chúng ta phải trở thành điều chúng ta đang là.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc lên núi
và xuống núi với Chúa Kitô mỗi ngày.
Cần cảm nếm được sự dịu ngọt và hạnh phúc
khi được chiêm ngắm Chúa Giêsu trên núi cao.
Nhưng cũng phải xuống núi với Chúa
để đi đến nơi hiến mình, nơi phục vụ,
đi cùng và đi sau Chúa Giêsu
đến với Vườn Dầu và Núi Sọ.

Ước gì chúng ta dám đón nhận những gai góc đời thường
và nhìn mọi khổ đau bằng cái nhìn mới mẻ.
Người Kitô hữu lên núi gặp Chúa
để rồi được sai xuống núi hành đạo.
Nhưng xuống núi rồi, lại có khi thấy cần lên núi.


 X Gợi Ý Chia Sẻ
Một số bạn trẻ bỏ rất nhiều tiền để sửa sang sắc đẹp và chạy theo mốt. Bạn nghĩ gì về tương quan giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong tâm hồn con người?
Cầu nguyện có thể làm con người "biến hình". Bạn có tin điều đó không? Bạn có quen ai đã biến đổi sâu xa nhờ cầu nguyện không?


 X Cầu Nguyện
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Bài suy niệm trích từ Tập Manna B của Lm. An Tôn Nguyễn Cao Siêu,SJ
Sưu tầm: Mai Tự Cường

Ai nhẩm đi nhẩm lại Luật Chúa đêm ngày,
cứ đúng mùa là trổ sinh hoa quả.
TV.1, 2-3


Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

CHIẾN THẮNG CÁC CƠN CÁM DỖ - CN I MÙA CHAY B 22-02-2015

Chúa Nhật I Mùa Chay Năm B
Vào Hoang Ðịa



X Lời Chúa: (Mc 1, 12-15)
Sau khi Ðức Giêsu chịu phép rửa, 12 Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. 13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
14 Sau khi ông Gioan bị nộp, Ðức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."


 X Suy Niệm
Mỗi khi bắt đầu mùa Chay,
Hội Thánh lại mời chúng ta vào hoang địa với Ðức Giêsu.
Chính Thánh Thần đã dẫn đưa Ngài đến nơi đó,
ngay sau khi Ngài chịu phép rửa của Gioan
và nhận được Thánh Thần để lên đường đi sứ vụ.
Bốn mươi ngày sống trong cô tịch và cầu nguyện.
Một cuộc tĩnh tâm để định hướng tương lai,
qua đó Ðức Giêsu thấy rõ con đường Ngài phải đi,
và qua đó Ngài cũng thấy mình bị Xatan cám dỗ.


Mùa Chay là thời gian trở lại với Chúa
và nhận ra những cám dỗ đang bủa vây tôi,
những cám dỗ mới hay cám dỗ cũ dưới lớp áo mới.
Nếu đời tôi là một chuỗi những chọn lựa,
thì nó cũng là một chuỗi những cám dỗ.
Tôi có tự do để chọn giữa cái tốt và cái xấu.
Giữa những cái tốt, tôi có tự do để chọn cái tốt hơn.
Biết mình đã lạc hướng hay lệch hướng là điều cần thiết.
Con người hôm nay không yếu đuối hơn ngày xưa.
Nhưng có lẽ nó bị cám dỗ nhiều hơn xưa,
vì cuộc sống tiến bộ cho người ta nhiều chọn lựa.
Tôi phải chọn kênh truyền hình, chọn băng video,
chọn một loại vải, một kiểu áo, chọn chỗ giải trí tối nay.
Có những áp lực đè nặng trên chọn lựa của tôi:
áp lực của quảng cáo, khuyến mãi,
áp lực của mode, của bạn bè, của dư luận...
Có những mời mọc nhắm vào các giác quan của tôi.
Các giác quan như những cánh cửa mở của căn nhà trống trải.
Bao kích thích khêu gợi như luồng gió lùa vào nhà.
Thắng được những đòi hỏi vô độ của thân xác
đòi hỏi một sự tự chủ lớn lao.
Thắng được những đam mê mù quáng của con tim
cần có một thái độ anh hùng từ bỏ.
Thắng được sự cứng cỏi, cố chấp của trí tuệ
cần có một lòng khiêm tốn mở ra trước chân lý.
Cuộc đời là một cuộc chiến đấu không ngừng,
vì con người vẫn nghiêng như tháp Pizza.
Cần phải tập nghiêng về điều ngược lại
để tạo lập được sự quân bình trong cuộc sống.


Nói cho cùng, cám dỗ nào cũng khiến con người khép kín,
chỉ nghĩ đến mình và sống cho mình.
Cám dỗ im lặng vì sợ liên lụy.
Cám dỗ giả mù trước sự thật rành rành.
Cám dỗ thỏa hiệp với sự dữ để được yên thân.
Cám dỗ sống một đời sống tầm thường và buông thả.
Cái cao cả của con người là chiến đấu và chiến thắng.
Chỉ khi nhận Thiên Chúa và tha nhân làm trung tâm,
con người mới thành người trọn vẹn.
Ước gì mỗi Kitô hữu đều có bản lãnh của Ðức Giêsu
để chiến thắng sự nặng nề, nhỏ mọn của mình.
Nhưng trước hết, chúng ta cần ăn chay và cầu nguyện.


 X Gợi Ý Chia Sẻ
Khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, con người càng cần có bản lãnh để làm chủ. Bạn thấy khi nào con người bị coi là làm nô lệ cho của cải vật chất?
Không những phải chống lại cơn cám dỗ, mà còn phải xa tránh những nơi, những con người có thể đưa đến cám dỗ. Theo ý bạn, người trẻ hay bị cám dỗ ở đâu? Với ai?


 X Cầu Nguyện
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.
Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.
Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.
Bài suy niệm & Cầu nguyện được trích từ tập Manna B
của Lm. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường (MTC)
Trong Mùa Chay Thánh này,
Hãy đóng kín cửa phòng để ăn chay & cầu nguyện!
Hãy mở rộng tâm hồn để chia sẻ & trao ban

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

MUỐN VÀ CÓ THỂ - CN VI TN / B 15-02-2015 - Lm. ANTÔN NGUYỄN CAO SIÊU, SJ

Người bị phong cùi đến xin Chúa Giêsu:" Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch"
(Mc1, 40)

 X Lời Chúa: (Mc 1, 40-45)
Một hôm, 40 có người bị phong hủi đến gặp Ðức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. 41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!" 42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44 và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."
45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.


 X Suy Niệm
Mẹ Têrêxa lập quỹ giúp người phong ở Calcutta.
Những thùng quyên tiền của Mẹ mang dòng chữ:
"Hãy chạm đến một người phong bằng lòng trắc ẩn của bạn".
Chạm đến người phong là điều xưa nay ai cũng sợ.
Theo luật Cựu Ước, người phong phải mặc rách, xõa tóc, che râu.
Ði đâu người ấy cũng phải la to: "Ô uế ! ô uế !" (Lv 13,45-46).
Bị cách ly với mọi người, bị coi như mắc trọng tội,
đau đớn cả xác lẫn hồn, người phong sống mà như chết.


Người phong trong bài Tin Mừng hôm nay khá đặc biệt.
Anh tự ý đến gặp Ðức Giêsu và quỳ xuống trước mặt Ngài.
Lời van xin của anh thật là một lời xin mẫu mực.
"Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch".
Nếu Ngài muốn: anh mời gọi lòng thương xót của Ngài.
Anh để cho Ngài tự do chữa hay không tùy ý.
Dù rất muốn khỏi bệnh,
nhưng anh lại phó thác số phận mình cho ý Ngài muốn.
Ngài có thể: anh tin tưởng vào quyền năng của Ngài.
Anh không nói như người cha của đứa con bị động kinh:
"Nếu Thầy có thể làm được gì..." (Mc 9,22).
Ðối với anh, chắc chắn Ngài có thể chữa anh lành bệnh.
Chỉ cần Ngài muốn là đủ rồi.
Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ, phó thác của anh
đã đụng rất mạnh đến chỗ sâu nhất trong lòng Ðức Giêsu.
Không cưỡng lại được sự tin cậy đó, Ngài nói: "Tôi muốn."
Phép lạ phát sinh từ lòng tin của người phong
và từ ý muốn đầy quyền năng của Ðức Giêsu.
Nhưng Ngài không chỉ muốn, mà còn đụng vào anh.
Ngài không kinh tởm, không sợ lây, không sợ bị ô uế.
Bàn tay Ngài đụng vào da thịt anh với các vết thương.
Ngài không bị ô uế, nhưng Ngài làm cho anh hết ô uế.
Chính lòng thương đã khiến Ngài mạnh dạn đụng vào anh,
như chính anh đã mạnh dạn đến với Ngài bằng lòng tin.
Ðức Giêsu vừa tự do với Lề Luật, vừa lệ thuộc Lề Luật.
Ngài bảo anh đi trình diện với tư tế và dâng của lễ.
Chúng ta cần nếm niềm vui của người phong được lành.
Anh hạnh phúc vì được sạch, được làm người bình thường,
được chung sống với cộng đoàn, được hiệp thông với Thiên Chúa.
Anh lấy lại phẩm giá, ra khỏi những mặc cảm.
Niềm vui quá lớn khiến anh đi loan báo khắp nơi.
Người phong sau khi được khỏi đã có thể vào thành.
Còn Ðức Giêsu lại phải ở ngoài thành, nơi hoang vắng.


Từ khi ông Hansen tìm ra vi trùng bệnh phong năm 1871,
người phong đã có được niềm hy vọng chữa lành.
họ không còn bị trục xuất ra đảo xa hay bị bách hại.
Nhưng để cho họ được sống như mọi người vẫn là điều khó.
Cũng có những người bị ta xa tránh như người phong:
những cô gái lỡ lầm, những người mắc bệnh sida hay nghiện ngập,
những người có tiền án hay thuộc giai cấp cùng đinh...
Hãy đến gần họ và để họ đến gần mình,
vì nói cho cùng, ít nhiều chúng ta đều là người phong.


 X Gợi Ý Chia Sẻ
Khi cầu nguyện để xin ơn, thường chúng ta ít để cho Chúa được tự do. Chúng ta như muốn bắt Chúa phải làm theo ý mình. Lời cầu xin của người phong có nhắc nhở bạn điều gì đó không?
Cha Ðamiêng, Ðức Cha Cassaigne đã sống với người phong và lây bệnh của họ. Bạn có lần nào đụng chạm hay tiếp xúc với một người bị bỏ rơi, bị coi là ô uế không ? Bạn có phải trả giá về hành động này không?

Trong chay tịnh& Sám hối đầu Mùa Chay Thánh với nghi thức xức tro, hãy khẩn xin Chúa thương chữa lành bệnh phong hủi trong tâm hồn!

X Cầu Nguyện
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
đón nhận những người khác
là điều vượt quá sức con,
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
con không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
có những ngày
mà yêu mến người khác
làm cho tim con đau nhói,
vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau
và những giới hạn của bản thân con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa
và đừng để con quên Lời Chúa nói:
"Ðiều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
là làm cho chính Ta."
Trích Bài suy niệm từ Tập Manna B của Lm. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
------------------------------------------------------------------------------
ĐÓN MỪNG NĂM MỚI ẤT MÙI
ĐẦU MÙA CHAY THÁNH 2015
Kính chúc Quý Vị & Các Bạn:
Một Năm Mới với những nỗ lực mới, canh tân chính mình giúp nâng cao đời sống tinh thần & văn hóa của cộng đồng xã hội, mang lại niềm tin yêu và hạnh phúc cho mọi người!
Pháo Bông Mừng Năm Mới Ất Mùi 2015




Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

CẦN TÌM ĐẾN CHÚA ĐỂ XIN CHỮA LÀNH - CN V TN B 08-02-2015


Chúa Nhật 5 Thường Niên Năm B
Chiều Và Sáng

X Lời Chúa: (Mc 1, 29-39)
Hôm ấy 29 vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Ðức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.


32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Ðức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!"38 Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." 39 Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.


 X Suy Niệm
Sốt không phải là một bệnh nan y.
Nhưng người bị sốt cao không dậy nổi, chỉ nằm thôi.
Khi Ðức Giêsu và các môn đệ đến thăm nhà ông Simon
thì bà mẹ vợ ông đang sốt, nằm trên giường.
Ðức Giêsu đem niềm vui đến cho gia đình ông.
Ngài lại gần, nhẹ nhàng cầm lấy tay bà và nâng dậy.
Cơn sốt lui ngay khiến bà có thể đi lại phục vụ.


Một cơn bệnh đơn giản, một cách chữa bệnh đơn giản.
Ðức Giêsu chẳng nói một lời, chỉ làm một cử chỉ thân ái.
Ngài cầm lấy tay bà và nâng dậy,
như sau này Ngài cầm tay đứa con ông trưởng hội đường,
một cô bé mười hai tuổi đã chết lại đứng dậy được (x. Mc 5,41),



như sau này Ngài cầm tay cậu bé bị động kinh nằm trên đất,
nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (x. Mc 9,27).
Cầm tay, nâng dậy, để một người nằm có thể đứng lên.
Sức sống nào truyền qua cử chỉ cầm tay ấy?
Quyền năng nào nâng con người chỗi dậy?
Chúng ta cũng cần được Chúa cầm tay khi không dậy nổi,
cần được Chúa đưa tay ra nắm lấy khi gần chìm như Phêrô.

Khi mặt trời lặn là lúc kết thúc ngày sabát.
Người ta đem đến cho Ðức Giêsu bao người yếu đau đủ loại.
Căn nhà ông Simon hẹp quá khiến nhiều người phải đứng ngoài.
Không rõ bao nhiêu người được chữa lành chiều tối hôm đó.
Nhiều người đã có thể tự về nhà một mình...
Ðức Giêsu đụng chạm đến biển khổ của nhân loại.
Ngài không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi,
chỉ mong cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa.
Thế giới hôm nay vẫn phải đối đầu với bệnh tật.
Những bệnh nan y như ung thư, tim mạch, sida (aids), siêu vi...
Cần có những người làm vơi nhẹ nỗi đau như Ðức Giêsu.
Sau một ngày bận bịu và mệt mỏi,
Ðức Giêsu đã thức dậy sớm, khi các môn đệ còn ngủ say.
Ngài tìm được một chỗ cầu nguyện khá kín đáo.
Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Ðức Giêsu.
Ngài cần có thời gian rút lui, sống riêng tư một mình.
Ngài cần sống bên Cha, tâm sự về gánh nặng công việc,
về nỗi đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan.
Ðức Giêsu thấy mình cần được Cha cảm thông và nâng đỡ,
cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng.
Ngài cần gặp Cha vì Ngài là Con, và vì Ngài được Cha sai.
Ngài sống hết mình cho con người, cho đám đông,
nhưng Ngài cũng say sưa cầu nguyện và hoạt động.
Cầu nguyện đưa Ngài đến với con người,
hoạt động đưa Ngài đến với Cha.


Thành công ở Ca-phác-na-um không làm Ngài dừng chân.
"Mọi người đang tìm Thầy", mọi người vẫn cần Thầy.
Nhưng Ngài biết còn nhiều chỗ khác cũng đang rất cần.
"Hãy đi nơi khác", Tin Mừng cần được gieo vãi ở mọi nơi.
Giữ được tính tự do và cơ động, Ðức Giêsu lại lên đường.


 X Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, thế nào là một đời sống quân bình ? Cần hội đủ những yếu tố nào để được coi là một đời sống Kitô hữu quân bình?
Mẹ Têrêxa Calcutta đã trở nên khuôn mặt rạng ngời của lòng bác ái, nhờ khả năng nhìn thấy Chúa Kitô nơi người nghèo khổ. Bạn thường làm gì để giúp đỡ những người cùng khốn ở gần nhà bạn?


 X Cầu Nguyện
Lạy Thiên Chúa, Ðấng ưa thích sự thinh lặng,
xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài,
trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt,
biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,
biết quay đi truớc những dịp tội gây xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,
để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,
để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi,
để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người,
tránh mọi lời nói gây đớn đau, đổ vỡ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,
để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.
Cuối cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,
để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét,
để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên mọi sự. Amen.
(theo Mẹ Têrêxa Calcutta)
Bài suy niệm trích từ Tập Manna B của Lm. AnTôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
---------------------------------------------

Đón mừng Xuân Mới Ất Mùi 2015, Kính chúc Quý Vị & Các Bạn :
Một Năm Mới khang an & hạnh phúc!


P. Mai Tự Cường (MTC)