Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Trên Tảng Ðá Này - Chúa Nhật 21 Thường Niên A 24-8-2014



X Lời Chúa: (Mt 16,13-20)
13 Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" 14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ". 15 Ðức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" 16 Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". 17 Ðức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". 20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðấng Kitô.


 X Suy Niệm
Trong cộng đoàn Hội Thánh,
SIMON là khuôn mặt nổi bật trong nhóm Mười Hai.
Ông thuộc nhóm những môn đệ đầu tiên theo Ðức Giêsu,
và là một trong ba môn đệ thân tín nhất.
Ông có mặt lúc Chúa hiển dung và trong Vườn Dầu.
Ông thường là phát ngôn viên của cả nhóm (x. Mt 19,27).
Ðức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho ông trước tiên (1Cr 15,5),
và giao cho ông chăn dắt đoàn chiên của Ngài (Ga 21,15-17).
Simon có bản tính bộc trực, hăng hái.
Vì quá tin vào sức mình, ông đã sa ngã, chối Chúa.
Bất chấp những yếu đuối và giới hạn của Simon,
Ðức Giêsu vẫn chọn ông đứng đầu nhóm Mười Hai,
và làm nền tảng cho Hội Thánh của Ngài.
Ngài đặt cho Simon một tên mới là Phêrô,
tiếng Aram gọi là Kêpha, nghĩa là Tảng Ðá.
Tên mới này phản ánh sứ mạng Chúa giao cho ông.
Phêrô được tuyên bố là người có phúc,
vì ông đã được Cha trên trời cho biết Ðức Giêsu là ai.
Ông đã tin tưởng đón nhận mạc khải ấy.
"Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống."
Ðó là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô.
Nhưng ông không chỉ tuyên xưng đức tin của mình,
ông còn tuyên xưng tình yêu nữa:
"Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy."
Với niềm tin-yêu vào Ðức Giêsu,
Phêrô sẵn sàng chia sẻ sứ mạng Mục Tử của Ngài,
sẵn sàng hiến mình vì đoàn chiên.
Quả thực, Phêrô đã giang tay chịu chết như Thầy Giêsu,
đã theo Thầy và đến nơi mình không muốn đến.
Chúng ta ngỡ ngàng trước sự tin tưởng của Ðức Giêsu.
Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài.
dù ông chỉ là một ngư phủ bình thường, ít học.
Chỉ mình Ðức Giêsu mới là Nền Tảng (x. 1Pr 2,4-5),
nhưng Phêrô cũng được làm nền cho Hội Thánh.
Chỉ mình Ðức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7),
nhưng Phêrô cũng được trao chìa khóa Nước Trời.
Nếu Phêrô có quyền giáo huấn,
quyền thánh hoá và quản trị Hội Thánh,
thì chỉ nhằm mục đích là phục vụ Dân Chúa.
Hội Thánh đã gặp biết bao khó khăn trong dòng lịch sử.
Không phải chỉ là những cuộc bách hại đẫm máu,
mà còn là những chia rẽ, tranh chấp nội bộ,
những sa sút trầm trọng vì chạy theo thế gian.
Hôm nay, Hội Thánh cũng gặp khó khăn không ít,
khi nhiều người bỏ nhà thờ, bỏ đức tin,
khi ơn gọi giảm sút ở nhiều nơi,
khi Ðức Thánh Cha bị công kích�
Ước gì mỗi người chúng ta ở lại và yêu mến Hội Thánh,
cải tổ và canh tân Hội Thánh
bằng việc canh tân chính bản thân mình.



X Gợi Ý Chia Sẻ
Khuôn mặt Hội Thánh vẫn còn nhiều vết nhăn, và trở nên khó coi trước mặt mọi người. Theo ý bạn, đâu là điều cần phải sửa trước hết, để Hội Thánh trở nên đáng tin hơn?
Bạn có khi nào cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha không? Bạn có cảm được gánh nặng trách nhiệm và nỗi âu lo của Ðức Thánh Cha trước những vấn đề của Hội Thánh và của thế giới không?


 X Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa.  Amen.
Nguồn: Trích Tập Manna A của LM. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=12819

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Cùng phiêu lưu theo Chúa - Chia sẻ Tin Mừng CN 19 TN NA (Mt 14, 22-33) - 10-8-2014


Chia sẻ Tin Mừng CN 19 TN NA (Mt 14, 22-33)
Anh Maciek Kozierski, 26 tuổi, người Ba Lan, là người có thể chạy trên mặt nước dễ dàng như chạy trên mặt đất. Trước khi thực hiện màn chạy trên nước, anh Maciek Kozierski đã sử dụng một con diều và bay với tốc độ tối đa, sau đó anh đứng trên ván lướt và thả con diều ra, cách làm này để anh “cảm giác” được những bước đi trên mặt nước.
Để làm được như này, anh Maciek Kozierski đã phải tập luyện rất nhiều lần. Anh đã mất 4 ngày để “làm quen” với con sông Galilee ở Israel. Trong 4 ngày tập luyện này, anh mất tới 50 lần thử nghiệm mà không thành công, anh đã gặp phải không ít khó khăn như gió quá mạnh hay trời mưa… nhưng cuối cùng mọi việc cũng đã ổn.
Ngoài vấn đề về cách chạy, anh Maciek Kozierski còn phải chọn lúc biển lặng và gió không quá mạnh thì mới có thể thực hiện màn trình diễn của mình. Anh tự hào nói: “Những gì tôi làm hoàn toàn không có một chút thủ thuật gì.” (Zing)
Dù rất cố gắng tập luyện, anh Maciek Kozierski chỉ chạy bộ trên hồ Galilê theo quán tính, rồi cuối cùng cũng chìm lỉm, khi hết đà. Làm sao sánh nổi với Đức Giêsu nhẩn nha, bình tĩnh đi bộ trên biển hồ Galilê trong cơn bão?

Tin Mừng hôm nay, Thánh Matthêu thuật lại phép lạ thật bất ngờ. Trong khi vật lộn với bão tố trong đêm tối, các môn đệ nhìn thấy Đức Giêsu đi trên mặt nước. Họ sợ hãi vì nghĩ đó là ma, nhưng Người bảo họ đừng sợ mà hay vững tâm. Người ra tay dẹp tan cơn bão, bước đến lên thuyền và cùng họ vào bờ.
Một chi tiết đáng chú ý trong câu chuyện này, vốn  chỉ được chép trong Phúc âm Mátthêu, khi thấy Đức Giêsu, ông Phêrô bước ra khỏi thuyền, đi trên mặt nước để đến với Người, nhưng đang khi đi thì ông Phêrô bỗng sợ hãi và bắt đầu chìm xuống nước, Đức Giêsu đã cứu ông.
Thiên Chúa luôn an nhiên tự tại. Ngài là chủ tể vũ trụ, nên mọi loài, mọi vật, thời gian và không gian đều quy hướng về Ngài. Theo cảm nhận của ngôn sứ Êlia: Ngài không ở trong bão táp mưa sa gầm hú, chẳng ở động đất kinh khủng, cũng chẳng ở trong lửa đỏ nóng bỏng, mà hiện diện êm ái bình an trong cơn gió hiu hiu. (1V 19, 9A, 11- 13A)

Bình an trước cám dỗ
Sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều gấp vạn lần, có lẽ các môn đệ đã xuất sắc trở thành những “dư luận viên,” tác động dân chúng vừa được no thỏa, đồng lòng tôn vinh Đức Giêsu lên ngôi hoàng đế. “Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.”(Ga 6, 15)
Chẳng phải lần đầu Đức Giêsu chịu cơn cám dỗ háo danh, ham hố quyền lực, phú quý, sang giàu, mà ngay trước khi đi rao giảng, Người đã thấm thía trải qua, khi Satan hứa hẹn trao cho tất cả vinh hoa lợi lộc các nước trên thế gian, nếu bái lạy, tùng phục quỷ vương.
Vũ khí chống lại dục vọng kiêu căng, tham sân si, mà Đức Giêsu sử dụng hiệu quả, chính là mũi giáo cầu nguyện và tấm khiên lao động, hãm mình, hy sinh. Người cách ly ngay các môn đệ khỏi đám đông, lệnh cho các ngài ra khơi. Còn chính Người giải tán dân chúng, rồi lên núi cầu nguyện. Như thế mới vững vàng bình an trước cơn thử thách cám dỗ thế gian.
Đức Giêsu hẳn muốn nhắn nhủ các môn đệ: Hãy quên ngay đi chút vinh quang phù phiếm, quên đi những thành công ngoạn mục, quên đi những công trình giáo đường nguy nga mới kiến thiết, quên đi những thành quả rao giảng rực rỡ. Bởi vì tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa, mà con người chỉ có vinh dự tiếp tay hoàn thành. Bởi vì sự kiện, sự việc đó chỉ để vinh danh Thiên Chúa, chứ không phải tôn vinh bản thân, cá nhân bất cứ ai, vốn đều chỉ là tạo vật thừa hành. Diệt được dục vọng tham quyền cố vị, háo danh, háo lợi, thoát khỏi thói kiêu căng, hợm hĩnh, trở nên khiêm nhường, nhu mì con người mới được bình an đích thực trong Chúa.
Động đất & Sóng thần ngày 11-3-2011 tại Miyako, Iwate, Nhật Bản

Bình an trong bão tố cuộc đời
Cuộc đời ai cũng đều là một cuộc bể dâu, ba chìm bảy nổi, chín bấp bênh, chẳng ai có thể nắm tay qua đêm. Mọi thứ đều có thể xảy ra trong đêm tối giông tố cuộc đời. Nhưng giữa bão bùng, gió thét gầm hú, tưởng chừng sắp bị nhận chìm vào ba đào, thì Đức Giêsu vẫn luôn thương yêu quan tâm, mà âm thầm, lặng lẽ tìm đến an ủi, che chở, cứu giúp. “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Nếu tỉnh táo, sốt mến liền nhận ra Người, hân hoan mừng rỡ và bình an ngay lúc hiểm nguy đó. Nếu không, chắc chắn buông xuôi chìm nghỉm, vì thất vọng ê chề, ngỡ là ma quái gọi hồn, sợ hãi la lên: “Ma đấy!” Vậy cứ vững lòng phiêu lưu cùng Chúa Giêsu trên hành trình Nước Trời, dù bao thử thách phong ba bão táp đe dọa.
Ngay trong bài giảng khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô ngày Chúa nhật 22-10-1978, tại quảng trường Thánh Phêrô, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới “Đừng sợ”:
“Anh chị em đừng sợ đón lấy Chúa Kitô và nhận lấy quyền năng của Người!”.
“Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lãnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào”.
“Đừng sợ! Chúa Kitô biết rõ “mọi điều trong lòng người”! Và chỉ một mình Người biết rõ” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).

Bình an trong Tin Cậy Mến
“Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14, 32-33) Khi có Chúa đồng hành, cư trong tâm hồn, khi tràn đầy lòng Tin Cậy Mến, thì lập tức có bình an, sự dữ bị khuất phục, đẩy lui. Tà thần sóng dữ, gió gầm đành bó tay, tan biến.
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi.”(Ga 14, 27) Đừng bao giờ quên lời dặn ân cần chan chứa tình yêu nồng thắm của Đức Giêsu, Người là Đức Chúa, là Thầy, cùng là Bạn, và là Anh của chúng con.
“Đường con đi có hoa thơm, cảnh đẹp, có chông gai, có hùm beo, có bạn hiền, có trộm cướp, lúc mưa sa, lúc nắng cháy, chuyện không thể tránh được. Con cứ đi, miễn lòng con đầy Chúa, đi như Phanxicô, đi như Cyrillô, Anathasiô,… Đừng mất thì giờ đứng lại, đừng sợ tiếng chửi, đừng ăn mày tiếng khen.” (Đường Hy Vọng, số 693)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đưa tay cho ông Phêrô nắm lấy, thoát chết, xin Chúa tiếp tục nắm lấy tay chúng con, cứu chúng con khỏi sa chước cám dỗ, khỏi cạm bẫy ma quỷ, khỏi hiểm họa, tai ương trần thế, để được mãi bình an của Chúa trao ban.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu, che chở, giúp đỡ và ban sức mạnh chúng con chiến đấu khải hoàn những mưu ma chước quỷ, những cạm bẫy thế gian và những ham muốn dục vọng thấp hèn của chúng con, để chúng con được bình an trong Chúa. Amen. 
AM Trần Bình An
http://danchuahiepthong.wordpress.com/2014/08/06/cung-phieu-luu-theo-chua/#more-36795
--------------------------------
Lạy Chúa, nhân loại chúng con đang sống phiêu bạt giữa giông tố bão táp của cuộc đời. Rất nhiều người đã nhanh chóng đánh mất niềm tin, cậy, mến vào Thiên Chúa và chạy theo tiếng gọi của đam mê phù phiếm, bã vinh hoa danh vọng chóng phai kèm với tinh thần hoang mang, sợ hãi! 
Nguyện xin Chúa mau đến cứu vớt chúng con và ban lại cho chúng con niềm vui ơn cứu độ, niềm vui sống phó thác trọn vẹn vào nguồn tình yêu và quan phòng của Thiên Chúa. Amen.
Peter Cuong Kt

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

"Chính anh em hãy cho họ ăn." (Mt 14,16) CN XVIII TN A 03-8-2014

Bài giảng Chúa Nhật XVIII Mùa Thường Niên - năm A

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Mt 14,13-21
"Chính anh em hãy cho họ ăn." (Mt 14,16)
1. Mở đầu bài Tin mừng hôm nay thánh Mathêô ghi lại một hình ảnh thật đẹp về cuộc đời của Chúa. "Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương" (Mt 14,14).
Mặc dầu họ không phải là bà con, bạn hữu hay là những người quen biết, nhưng thấy họ thì cảm xúc đầu tiên của Ngài là thương, và vì thương nên Ngài chữa bệnh, giảng dạy và cho họ ăn.

Vâng! Chúa thương tất cả mọi người. Mọi người đều là đối tượng cho tình thương của Chúa.
Tin Mừng nhiều lần nhắc tới việc Chúa chạnh lòng thương như thế.
Thấy dân chúng đi theo Chúa vào tận nơi đồng vắng để nghe Chúa giảng, Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường." (Mc 8, 32)

Chúa thương hai người mù ngồi ở vệ đường (Mc 10,2934)
Chúa thương người kia bị bệnh phong đến gặp Ngài. (Mt 8,14)
Tại Nain, Chúa thương một bà mẹ goá đang cùng với đám đông dưa đứa con trai duy nhất của mình ra nơi an nghỉ cuối cùng. (Lc 7,13)
Vâng! Chúa là như thế, còn chúng ta thì sao?

Cha Anthony de Mello thuật lại một câu truyện có thực. Truyện xẩy ra tại đất nước Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc tại xưởng thợ. Vì quá mệt mỏi, ông dừng lại, ngồi nghỉ dưới một bóng cây ven đường và thiếp ngủ đi lúc nào không biết. Khuôn mặt tiều tụy của ông khiến người qua đường ngỡ ông là một người hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Và người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu.
Khi thức giấc, người công nhân già hết sức ngạc nhiên vì thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy những đồng xu, số tiền đếm được còn nhiều hơn một ngày công thợ của ông. Ông mỉm cười tự nghĩ mình đã là một người hành khất bất đắc dĩ.
Trên đường về nhà, ông nhìn thấy nhiều người ăn mày đui mù tàn tật, ông chạnh lòng thương họ, rồi ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo ấy hiểu được: được nhận lãnh và được chia sẻ cũng đều là một niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.
Ước gì loài người có được nhiều người biết chạnh lòng thương như thế thì cuộc sống của con người trên trần gian này sẽ tốt đẹp biết bao!

2. Hình ảnh tiếp theo mà Thánh Matthêô ghi lại cho chúng ta còn đẹp hơn nữa. Đứng trước cảnh dân chúng đã ba ngày theo Chúa vào nơi đồng vắng để nghe Chúa giảng. Giờ đây họ đã đói. Các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." (Mt 14,15) Đức Giêsu bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." (Mt 14,16)
Thật là một mệnh lệnh vượt quá khả năng của con người.

Rõ ràng là các Tông đồ của Chúa lo sợ trước một thách thức không thể vượt qua được trên bình diện con người đó. 5.000 người đàn ông không kể đàn bà con trẻ đang gặp cảnh đói không có gì ăn vào lúc trời sắp tối, có nghĩa là mọi sinh hoạt buôn bán giữa người với người dường như bị đóng lại. Các ông muốn thoái thác, phủi tay. Ðó là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ. Thoái thác như thế cũng là giải pháp nhẹ nhàng. Ai lo phần nấy. Thật dễ dàng. Nhưng đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận. Chúa muốn các môn đệ Chúa nhận lấy trách nhiệm: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn(Mt 14,16). Họ đói! Các con phải lo cho họ ăn. Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ. Nhưng đã cảm thương thì phải có trách nhiệm. Trái tim đã thương thì phải bàn tay phải hành động. Các ông lo sợ và nói theo khuynh hướng tự nhiên là muốn phủi tay chạy trốn trước thách thức khó khăn ấy, để rồi từ đó muốn đổ trách nhiệm cho kẻ khác, và cuối cùng, còn muốn cả Chúa Giêsu cũng phải làm như vậy: "Xin Thầy hãy cho họ về hoặc vào làng để mua gì ăn, vì trời đã tối và họ có thể kiếm được gì ăn qua cơn đói chăng?" (Mt 14,15).

Thế nhưng Chúa lại không muốn như vậy. Điều Chúa muốn là rõ ràng là lo cho dân.“Các con hãy lo cho họ ăn” (Mt 14,16). Phải có một tình thương bao la kinh khủng lắm mới dám nghĩ đến một việc làm như thế. Không thể thoái thác trách nhiệm trước những khó khăn phải đối đầu. Và sau đó là một phép lạ chưa tùng có trên trần gian này.
Tin Mừng ghi lại: "Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho các môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con" (Mt 14,19-21). Vâng đẹp quá thưa anh chị em.

Ngày xưa thì như thế còn hôm nay thì sao? Hôm nay Chúa cũng vẫn muốn như vậy. Chúa không chỉ muốn một mình Ngài làm phép lạ mà Chúa còn muốn cả chúng cũng làm phép lạ như Chúa.
Thời vua Louis 13 đang trị vì nước Pháp, ngày kia hoàng hậu Anne dAutriche mở tiệc đãi khách. Hôm đó bà đeo một sợi dây chuyền bằng ngọc. Thánh Vincent de Paul cũng có mặt trong bữa tiệc đó. Ngài đã nói với bà:
 - Thưa hoàng hậu, nếu bà muốn bà có thể làm một phép lạ.
Hoàng hậu nhìn thánh nhân với vẻ đầy kinh ngạc. Thánh nhân nói tiếp:
 - Vâng, bà có thể đổi viên ngọc này thành bánh mì giúp những người nghèo đói.
Vài giờ sau, phép lạ đã xảy ra: Hoàng hậu trao cho thánh Vincent de Paul sợi dây chuyền ấy để bán lấy tiền mua bánh mì cho người nghèo.

Để kết thúc tôi xin được gửi đến anh chị em một bài thơ
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là tấm Bánh Thánh
nuôi dưỡng cho con,
Nhưng con lại có thể
bẻ vụn tấm bánh đời mình cho anh em con.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là Chén Máu Thánh
bổ sức cho con,
Nhưng con lại có thể quảng đại
mời anh em con uống lấy trọn đời con.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa
mới trao tặng niềm tin,
Nhưng con lại có thể
làm nên chứng tá sống động
cho Chúa hôm nay.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới gửi đến niềm hy vọng,
Nhưng con lại có thể
giúp anh em con tìm lại nguồn cậy trông.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là sự sống vĩnh cửu,
Nhưng con lại có thể đem đến
cho anh em con niềm vui sống.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Tự Ngài đã thực sự viên mãn,
nhưng Ngài lại ưa thích
cho con được cộng tác
trong công việc của Ngài.
Và Ngài lại ưa thích nương nhờ nơi con
Để cứu độ mọi người. 
(Phỏng theo L’INDISPENSABLE PRIÈRE)
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20140731/27080