8/6/2013 8:36:00 PMNgày 2 tháng 8 vừa qua, John L. Allen Jr. nhận định rằng: quả là nguy hiểm khi tìm cách rút gọn thành một chữ toàn bộ sứ điệp của Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Rio về Rôma.
Vì sứ điệp này bàn về rất nhiều chủ đề khác nhau mà trọn bản văn ghi lại dài gần 10,000 chữ. Ấy thế nhưng Allen vẫn cứ cố gắng làm việc này mà không xâm hại gì tới bất cứ điểm chủ yếu nào của sứ điệp.
Chữ mà Allen cho không những tóm tắt trọn sứ điệp trên chuyến bay mà còn trọn cả triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, ít nhất từ trước tới nay, là chữ “thương xót”.
Thực vậy, mỗi triều giáo hoàng gần đây đều có một “câu ruột” biểu tượng cho việc nhấn mạnh có tính cốt lõi của mình. Đối với Đức Gioan Phaolô II, câu đó là “Đừng sợ”, vốn được coi như khẩu lệnh nhằm làm sống dậy nhiệt tâm truyền giáo sau một giai đoạn chỉ biết nhìn vào mình và do dự. Đối với Đức Bênêđíctô XVI, nhóm chữ đó là “lý trí và đức tin”, tức luận điểm cho rằng tôn giáo mà thiếu suy tư tự phê sẽ trở thành cực đoan; còn lý trí con người mà thiếu định hướng của các chân lý tối hậu sẽ trở thành chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa hư vô.
Mercy of God
Đối với Đức Phanxicô, ý niệm nền tảng là lòng thương xót. Rất nhiều lần, ngài nhắc đi nhắc lại khả năng tha thứ bất tận của Thiên Chúa bằng cách nhấn mạnh rằng điều mà thế giới cần nghe Giáo Hội nói hơn cả là sứ điệp cảm thương.
Đức GH.Phanxicô trong chuyến bay từ RIO trở về RÔMA đêm 28-07-2013
Lọc lựa qua tất cả các nhận định của Đức Phanxicô trong cuộc họp báo trên không nói trên, điều duy nhất nói nhiều hơn cả là khi ngài trả lời câu hỏi về người Công Giáo ly dị và tái hôn. Và phần dẫn nhập của câu trả lời này cho ta cánh cửa sổ tốt nhất để nhìn vào triết lý mục vụ của ngài. Chủ yếu, ngài nói rằng:
“Lòng thương xót lớn lao hơn là trường hợp được anh nói tới. Tôi tin rằng đây là thời gian của lòng thương xót. Sự thay đổi của thời đại và cũng là của biết bao nhiêu vấn đề trong Giáo Hội - như một chứng tá không tốt của vài linh mục, nhưng cũng có các vần đề gian tham trong Giáo Hội - kể cả vấn đề duy giáo sĩ, chẳng hạn, nó đã để lại biết bao nhiêu người bị thương. Nhưng Giáo Hội là Mẹ phải ra đi chữa lành các người bị thương với lòng thương xót. Nếu Chúa không mệt mỏi tha thứ, thì chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn này: trước hết là săn sóc những người bị thương. Giáo Hội là Mẹ và phải đi trên con đường này của lòng thương xót. Và tìm ra một lòng thương xót đối với tất cả mọi người. Nhưng tôi nghĩ rằng, khi người con hoang đàng trở về nhà, người cha đã không nói: ”Mày, hãy ngồi xuống nghe tao đây, mày đã làm gì với tiền của rồi?” Không, ông tổ chức lễ mừng. Thế rồi có lẽ khi người con muốn nói, anh ta đã nói. Giáo Hội cũng phải làm như thế. Khi có ai đó... nhưng mà không phải chỉ chờ đợi họ, mà là ra đi tìm kiếm họ. Đó là lòng thương xót. Và tôi tin rằng thời điểm (kairos) đã tới, đây là thời điểm của lòng thương xót. Chính Đức Gioan Phaolô II đã có trực giác này khi đã bắt đầu Lòng Thương Xót Chúa với thánh nữ Faustina Kowalska... Người đã trực giác rằng đây là một sự cần thiết của thời nay’.
Kairos vốn là một hạn từ hết sức đặc trưng của Tin Mừng chỉ một thời điểm đã được ấn định trong kế hoạch của Thiên Chúa, như trong Máccô 1:15: “Đây là thời điểm ứng nghiệm. Nước Thiên Chúa đã gần kề”. Hạn từ Hy Ngữ chỉ “thời điểm” ở đây chính là kairos. Trong óc tưởng tượng Kitô Giáo, hạn từ kairos này tương ứng với thời khắc đặc biệt của lịch sử khi một khía cạnh đặc thù trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được tỏ lộ.
Việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới lòng thương xót xẩy ra gần như ở khắp mọi nơi. Trong một nhận định gần đây trên tờ báo Ý Corriere della Sera, Enzo Bianchi, vị sáng lập ra đan viện đại kết nổi tiếng tại Bose, cho ta một phân tích thống kê về các chữ được Đức Phanxicô quen dùng kể từ ngày lên ngôi giáo hoàng. Chữ được dùng nhiều nhất là “vui”, hơn 100 lần; tiếp theo là “thương xót”, gần 100 lần.
Xác tín cho rằng ta hiện đang sống trong thời điểm thương xót làm mọi điều khác được Đức Phanxicô nói tới trên chuyến bay trở lại Rôma trở thành có nghĩa, và cả những điều ngài nói và làm từ trước đến nay kể từ ngày được bầu làm giáo hoàng hồi tháng Ba.
Nó giải thích quyết tâm của ngài không phê phán người đồng tính. Nó cũng giải thích việc ngài không bị cuốn hút vào cuộc tranh luận chính trị khi một nhà báo Ba Tây hỏi ngài về các luật lệ gần đây của xứ sở ông cho phép phá thai và hôn nhân đồng tính. Được hỏi tại sao không nhắc gì tới các vấn đề gây tranh cãi ấy trong suốt cuộc tông du Ba Tây, ngài đáp rằng “không cần phải nói về chúng, mà nói về những điều tích cực giúp người trẻ tiến bước. Dù sao, người trẻ biết rất rõ đâu là chủ trương của Giáo Hội”.
Được ép nói ra xác tín riêng, ngài không tránh né “Đó là xác tín của Giáo Hội... Tôi là con của Giáo Hội mà”.
Cốt lõi là đó. Đức Phanxicô không phải là người cấp tiến về lý thuyết, và chắc chắn sẽ không có bất cứ sự thay đổi đáng kể nào trong các chủ trương của Giáo Hội về các vấn đề phái tính và giới tính hay bất cứ vấn đề gì khác. Và một câu hỏi chuyên biệt được Đức Phanxicô khéo léo trả lời theo đường hướng này là vấn đề phong chức cho nữ giới, ngài tái xác nhận “cánh cửa đã đóng lại rồi”.
ĐGH. Phanxicô trong cuộc họp báo trên không đêm 28-07-2013
Cuộc cách mạng dưới triều Đức Phanxicô không phải là về nội dung mà là về cung giọng. Ngài tin đây là thời điểm để Giáo Hội giương cao gương mặt thương xót của mình cho thế giới thấy, một phần vì các thương tích tự mình gây ra cho chính mình, một phần vì tính khí khó khăn, không chịu tha thứ của thời đại. Đây là vị giáo hoàng tìm mọi dịp để biểu lộ cảm thương, bác bỏ việc chỉ tay kết án ngoại trừ khi thật cần thiết.
Việc ngài tập chú vào lòng thương xót cũng giải thích tại sao bí tích giải tội lại quan trọng đối với ngài đến thế, tại sao ngài nhấn mạnh tới việc ngồi tòa giải tội trước khi cử hành Thánh Lễ lúc thăm một giáo xứ Rôma lần đầu tiên hôm 31 tháng Năm, một điều mà cả hai Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI đều không làm. Tại Rio de Janeiro cũng thế, ngài đích thân ngồi tòa giải tội cho 5 bạn trẻ, coi như đó là việc quan trọng nhất ngài phải làm trong tuần.
Huy hiệu của ĐGH. Phanxicô
Tầm quan trọng của thương xót cũng đã được phát biểu trong huy hiệu giáo hoàng của ngài: Miserando atque eligendo, nghĩa là "bằng thương xót và tuyển chọn”.
Theo Allen, trong dư luận báo chí phổ thông, Đức Phanxicô vốn được gọi là “Giáo Hoàng của Người Nghèo” và “Giáo Hoàng của Dân”, cả hai đều nói lên các khía cạnh chủ chốt của Đức Phanxicô. Tuy nhiên, nếu muốn có một công thức nói lên trái tim đang đập của triều giáo hoàng Phanxicô, thiển nghĩ không gì bằng tước hiệu “Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót”.
Không giảng về lửa và diêm sinh
Phil Lawler hoàn toàn đồng ý như thế, nhưng cho rằng không phải chỉ có thế, vì các chủ đề chủ yếu khác của triều giáo hoàng này cũng rất ăn khớp với sứ điệp bao trùm trên.
Theo Lawler, một ít tuần lễ sau khi Đức Phanxicô lên ngôi giáo hoàng, những người quan sát của Vatican bắt đầu chú ý tới việc vị tân giáo hoàng hay nói tới tội lỗi và ma qủy, nhưng không theo lối của những vị giảng thuyết chuyên nói về lửa và diêm sinh. Ngài nói tới tội như một thực tại mà con người nhân bản nào cũng phải đương đầu. Kiểu nói “tôi không sao, bạn không sao” không có hiệu quả; ta biết ta quá rõ mà; để một mình, ta không thể nào vượt qua được các biên giới của bản nhiên sa ngã.
Nhưng đây mới là yếu tính trong sứ điệp của Đức Phanxicô: với ơn Chúa, ta có thể thoát ra khỏi các biên giới kia. Chính vì thế, Đức Phanxicô có thể hân hoan lên tiếng, dù để nói về tội; và cũng là lý do tại sao nhiều người cảm thấy được khuyến khích dù ngài nói tới ma qủy. Trong thông điệp Spe Salvi, Đức Bênêđícô XVI cho rằng để hiểu được niềm hy vọng cứu rỗi nơi Kitô hữu, người ta phải trước nhất nhìn nhận việc cần được cứu rỗi. Nay, Đức Phanxicô trình bày giáo huấn có tính tín lý đó dưới hình thức một lời khuyên mục vụ. Ngài bảo: ta cần sự trợ giúp và Tin Mừng là sự trợ giúp ấy đã có sẵn!
Tuy nhiên, Đức Phanxicô không chỉ bằng lòng với việc một mình rao giảng sứ điệp này. Nhiều lần ngài khuyên các đồng đạo Kitô hữu của ngài cùng với ngài đem Tin Mừng đến với thế giới. Nếu việc cung hiến lòng thương xót của Chúa là sứ điệp quan trọng nhất của triều giáo hoàng này, thì sứ điệp quan trọng gần kề phải là việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới việc Giáo Hội phải đi ra ngoài, đem sứ điệp thương xót tới những người thiếu thốn nhất. Ngài liên tiếp phê phán “thứ Giáo Hội tự qui chiếu vào mình”, khuynh hướng coi Giáo Hội như một định chế nhân bản, như một tổ chức hơn là một cơ thể sống động. Ngài không mệt mỏi nhắc ta nhớ rằng Giáo Hội có đó là để phục vụ, để chu toàn mệnh lệnh của Chúa Kitô, là trải rộng lòng thương xót của Chúa ra khắp thế giới.
Thay vì đào hào chống lại chủ nghĩa duy tục trong các vấn đề như phá thai, hôn nhân đồng tính và phong chức nữ giới, ngài chọn mở cuộc tấn công mới, trực tiếp kêu gọi hàng triệu người tìm nâng đỡ thiêng liêng. Ngài tập trung vào việc cung hiến, và thúc giục các tín hữu khác cung hiến, một khả thể hào hứng mà người duy tục không thể nào cung hiến được: đó là lòng thương xót của Chúa.
ĐGH. Phanxicô ôm chầm lấy em Nathan trong nước mắt vì thương cảm
Một điểm chót: Đức Phanxicô sống giản dị, không phải để người đời tán thưởng, mà để đánh đổ cái nhìn coi ngài như nhân vật vĩ đại có thể dùng thế giá riêng để giảng dạy. Ngài muốn đơn giản hóa Vatican để đánh đổ quan điểm xưa nay vẫn cho rằng điều gì đó đúng là vì mấy viên chức cao cấp ở đó nói vậy. Ngài muốn một “Giáo Hội nghèo, một Giáo Hội cho người nghèo” vì ngài muốn thế giới biết rằng Giáo Hội không có gì để hiến tặng ngoại trừ ân phúc vô lượng của Thiên Chúa. Tóm lại, ngài sống đơn giản để dẫn thế giới tiến tới câu truyện có thực liên quan tới đức tin Công Giáo. Nó không phải là câu truyện về vị giáo hoàng, cũng không phải là câu truyện về Vatican, nhưng là câu truyện về lòng thương xót của Chúa.
Vũ Văn An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét