Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Ai Hạ Mình Xuống Sẽ Ðược Tôn Lên - CN XXII TN C 01-09-2013



X Lời Chúa: (Lc 14,1.7-14)
1 Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8 "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này". Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho". Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn". 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên".
12 Rồi Ðức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại".

Khiêm hạ  & Đơn sơ trong phục vụ

 X Suy Niệm
Nếu cuộc đời là một bữa tiệc,
hẳn có nhiều thực khách đã chọn chỗ nhất mà ngồi.
Tôi chọn ngồi chỗ nhất vì tôi thấy mình quan trọng,
tôi xứng đáng được hưởng vinh dự đó...
Tiếc thay, không có nhiều chỗ nhất trong bữa tiệc cuộc đời,
nên người ta phải tranh giành nhau bằng mọi thủ đoạn
để chiếm được và giữ được chỗ nhất cho mình.
Những cuộc tranh giành như thế đâu phải là điều xa lạ.
Chúng vẫn diễn ra nơi gia đình, trong cộng đoàn,
trong nhóm, trong giáo xứ, giữa các quốc gia...
Nơi nào có hai người ở với nhau
là có thể có đụng chạm,
vì chỉ có một chỗ nhất.

ĐGH. PHANXICÔ trong nghi thức Rửa chân

Giữa một thế giới tự cao tự đại, rồi xâu xé nhau,
Ðức Giêsu mời gọi chúng ta sống tự khiêm, tự hạ.
Nhiều khi chúng ta hiểu sai về khiêm nhường.
Khiêm nhường không phải là khinh rẻ bản thân,
cũng không phải là thụ động, không dám nhận trách nhiệm,
trách nhiệm làm người ở đời và làm con Thiên Chúa.
Khiêm nhường lại càng không phải là một mặt nạ
để lôi kéo sự chú ý của người khác:
tôi hạ mình xuống để được tôn lên.
Abraham là một mẫu gương khiêm nhường.
Ông ý thức mình chỉ là tro bụi (Kn 18,27),
nhưng ông đã dám mạnh dạn mặc cả với Ðức Chúa
về số người công chính, đủ để cứu thành Sôđôma.
Giêrêmia đã từ chối làm ngôn sứ,
lấy cớ mình còn trẻ người non dạ (Gr 1,6).
Nhưng khi ông dám nhận trách nhiệm Chúa trao,
thì ông trở thành khiêm tốn và can đảm.
Nhiều người định nghĩa khiêm nhường là chấp nhận sự thật.
Nhưng chấp nhận sự thật là điều khó biết bao,
vì sự thật đòi tôi xét lại cách sống.
Khiêm nhường là nhận biết thân phận thụ tạo của mình:
những gì tôi có và cả con người tôi, đều bởi Chúa.
Khiêm nhường là đón nhận đời mình như quà tặng Chúa ban,
và dâng lại đời mình cho Chúa như một quà tặng.
Khiêm nhường cũng là nhìn nhận sự thật về mình:
tôi chưa hoàn hảo, tôi có nhiều giới hạn,
tôi cần được tha nhân nâng đỡ, góp ý...
Tha nhân ấy không phải chỉ là người trên tôi,
mà còn có thể là người kém tôi hay chẳng ưa tôi.
Nơi lời chỉ trích, tôi gặp được khá nhiều sự thật.
Nếu tôi khiêm hạ trước người khác,
tôi sẽ thấy được nhiều ưu điểm bất ngờ của họ.
Những ưu điểm này không phải là mối đe dọa cho tôi
nhưng là quà tặng làm tôi thêm phong phú.
"Xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa."
Càng biết, chúng ta càng khiêm nhường thẳm sâu.
Thánh Phanxicô Borgia viết:
"Tôi thực tâm muốn đặt mình ở dưới Giuđa,
vì tôi đã thấy Ðức Giêsu ngồi dưới chân anh ấy."
Nếu chúng ta chọn ngồi ở chỗ cuối,
thì chỉ vì đó là chỗ ngồi quen thuộc của Ðức Giêsu.
X Gợi Ý Chia Sẻ
Ðối với bạn, thế nào là một người kiêu ngạo? Bạn nhận ra người đó qua những cử chỉ bên ngoài và thái độ bên trong nào?
Theo ý bạn, người khiêm nhường thực sự thi có những nét nào? Làm sao để tập được đức khiêm nhường trước Thiên Chúa và tha nhân?

X Cầu Nguyện
Giữa một thế giới
đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Nguồn: Trích Tập Manna C của Lm.Antôn Nguyễn Cao Siêu,SJ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét