Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

BÌNH AN & CHIA RẼ! SUY NIỆM CN XX TN C 14-8-2016


PHÚC ÂM:   Lc 12, 49-53
"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".

Suy niệm
Năm 1976, Đức Hồng Y Karol Wojtyla đã giảng Tĩnh tâm cho Giáo triều Roma với 22 bài, được thu thập trong cuốn sách nhan đề “Dấu hiệu chống đối”, trong đó trình bày: cuộc đời của Chúa Giêsu và sau này là đời sống của Giáo Hội luôn bị xem như dấu hiệu chống đối. Khi Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu vào đến thờ, ông già Simêon đã tiên báo: “Trẻ này rồi sẽ trở nên dấu hiệu chống đối”. Khi rao giảng Tin Mừng, loan báo về Cha trên trời, về lối sống Giao ước mới, về cách phụng thờ trong chân lý và tự do…, Chúa Giêsu dường như đi ngược lại với giáo thuyết truyền thống của người Do Thái. Ngài đã “nên cớ vấp phạm” cho giới lãnh đạo tôn giáo và những người đương thời. Cái mới trong Giáo lý của Chúa Giêsu như ánh sáng đối lại với bóng tối tham – sân – si mà con người thích ẩn núp trong đó.
Ngày hôm nay, Tin Mừng của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục là “dấu hiệu chống đối”, chống lại những quan niệm sống chạy theo vật chất, những tâm địa tham lam độc ác, chạy theo lợi nhuận không ngại chà đạp nhân phẩm và quyền lợi của người khác.



Sứ điệp
Kitô giáo chúng ta không dạy ăn ngay ở lành như một số người suy nghĩ, nhưng đời sống ăn ngay ở lành của Kitô hữu là hệ quả nảy sinh từ đời sống yêu thương mà chúng ta hằng ngày để Tin Mừng biến đổi. Khi đặt sự hơn thiệt lên bàn cân, không ít lần lối sống Tin Mừng buộc bạn phải chịu thiệt thòi, đôi khi còn trở nên “dấu hiệu” chống đối lại kiểu sống của con người hôm nay. Nhưng bạn an tâm, Chúa Giêsu đã luôn là dấu hiệu chống đối, và khi bạn sống như Chúa Giêsu dạy, bạn  làm cho người ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh, mặt trời soi sáng thế giới.
Nguồn: Tin Mừng Chúa nhật số 09 (08.2016)
Xem Video clip 
NGUỒN:http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20160810/35770
----------------------
BÀI SUY NIỆM
của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
---oOo---
Chúa Nhật 20 Thường Niên Năm C
Phải Chi Lửa Ấy Ðã Bùng Lên

X Lời Chúa: (Lc 12,49-53)
Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 49 "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! 50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
51 "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. 53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại me; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng".


X Suy Niệm
Nhiệt độ của trái đất có chiều hướng nóng dần lên.
Ðó là một điều đáng sợ.
Nhưng điều đáng sợ hơn
lại là sự lạnh lùng giữa người với người.
Con người cần cơm bánh và giải trí,
nhưng con người còn cần sự nâng đỡ cảm thông.
Nhân loại sống được là nhờ tình thương ấm áp.
Vậy mà băng giá của lạnh đạm dửng dưng
vẫn tồn tại khắp nơi trên mặt đất.
Băng giá nằm ngay nơi lòng con người.


Ðức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài:
Ngài đến để ném lửa trên mặt đất,
và Ngài ước mong, phải chi lửa ấy đã bùng lên.
Ngọn lửa Ðức Giêsu muốn nhóm lên
không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt,
không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê
định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari.
Ðây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài,
lửa của Thánh Thần, lửa của yêu thương,
lửa hâm nóng hai môn đệ Emmau đang tuyệt vọng.


Chúng ta cần được ngọn lửa của Ðức Giêsu chạm đến,
cần được Ngài làm bừng sáng lên
những sức mạnh tiềm ẩn nơi ta,
để chúng ta trở thành ánh lửa cho thế giới.
"Phải chi lửa ấy đã bùng lên!"
Chúng ta được mời gọi để thực hiện niềm ước mong
mà Ðức Giêsu đã suốt đời ôm ấp,
đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn
vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho nhau.
Gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng
là chấp nhận bị từ khước và đe dọa.
Ðức Giêsu linh cảm những gì sẽ xảy ra cho đời mình.
Ngài sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng,
sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau.
Hôm nay, Ngài mời chúng ta ném lửa trên mặt đất
và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối.
Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập tự,
khi Ngài bị giam trong mồ tối,
bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Ngài.
Nhưng ngọn lửa phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen.
Ðó là niềm hy vọng của chúng ta,
những người vẫn còn phải hăng say chiến đấu
để đẩy lui bóng tối ra khỏi mọi nơi, mọi chỗ,
bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng,
bóng tối của hận thù, của nạn mù chữ,
bóng tối của nghèo nàn lạc hậu...
Bóng tối do khép lại cánh cửa của lòng mình,
Bóng tối ở ngay trong lòng tôi.
Có lúc chúng ta sợ hãi bóng tối dầy đặc,
mà ngọn lửa của mình lại yếu ớt.
Nếu một tỷ Kitô hữu đều là những ngọn lửa
thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi khỏi mặt đất.


X Gợi Ý Chia Sẻ
Thế giới hôm nay vẫn còn nhiều bóng tối. Theo ý bạn, đâu là những bóng tối đáng được chúng ta quan tâm hơn (những bóng tối nơi gia đình, ngoài xã hội và trong Giáo Hội)?
Bạn có kinh nghiệm gì khi phải đương đầu với bóng tối của sự dữ, ở ngoài bạn và ở trong bạn? Có khi nào bạn thắng được bóng tối không?


X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa,
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được
Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Nguồn: Trích Tập Manna C của Lm. AnTôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
------------------------
CN XX TN C 14/8/2016 
LỄ VỌNG MỪNG TRỌNG THỂ 
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI



Lạy Đức Mẹ La Vang,
 Xin cầu cho chúng con!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét