Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

ƠN BÌNH AN VÀ THÁNH THẦN - BÀI SUY NIỆM CN II PHỤC SINH C VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA 03.4.2016

Chúa Nhật Phục Sinh 2 Năm C
Về lòng thương xót của Thiên Chúa
Cv5, 12-16; Kh1,9-11a.17-19; Ga20,19-31




ƠN BÌNH AN VÀ THÁNH THẦN

Bài Suy Niệm
Bối cảnh buổi chiều của ngày thứ nhất, ngày Chúa Sống lại: Một nhóm người sợ hãi, thu mình vào trong buổi tiệc ly và khóa cửa lại, họ chỉ lo lắng cho mình thoát chết, và bỗng chốc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra đứng giữa họ, mang lại cho họ sự bình an. Ơn Bình An là quà tặng đầu tiên của Chúa Phục Sinh, khai mào thời mới và thế giới mới. Thánh Gioan tổng kết các sự kiện: Chúa đến, ban bình an, ban Thánh Thần, ban ơn tha tội và sai các môn đồ ra đi. “Chúa Giêsu đến đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em’…Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘ Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Bài Tin Mừng. Ga 20, 19b – 23). Cô đọng lại nơi đây ba khía cạnh của mầu nhiệm sống lại: Phục sinh, Lên trời và Hiện xuống.


Và dường như Chúa Giêsu cấp tốc thông ban cho các tông đồ và thế gian tấtcả hồng ân Phục Sinh. Người không giữ gì lại cho riêng mình, Người vội vàng ban Thánh Thần: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Như buổi ban đầu tạo dựng, trên các tông đồ Người làm tạo dựng mới. Người thổi hơi và ban sự sống mới, sự sống của chính Đấng Phục Sinh, đó là chiến thắng trên sự dữ và thần chết. Thánh Thần chính là nguồn mạch chữa trị tâm hồn, mang ơn cứu độ đến cho hết mọi người, là nguồn suối bình an cho thế giới. Sự tạo dựng mới được tiếp tục thực hiện qua tay các Tông đồ: “ Hồi ấy nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân nhờ bàn tay các Tông đồ…Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông lẫn đàn bà rất đông…Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố, đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó… Tất cả đều được chữa lành”.(Bài đọc 1. Cv 5, 12-16). Chúa Giêsu cũng không quên nói về căn cước của mình, khi các tông đồ thấy các vết thương, các dấu đinh nói lên tính nhân quả của sự phục sinh, dấu chỉ của việc trao ban sự sống, sự trung thành với Thiên Chúa và với con người, dấu chỉ của tình yêu vô điều kiện và không biên giới. Phục Sinh và thứ Sáu Thánh không phải là hai sự kiện đặt bên nhau nhưng là hai mặt của mầu nhiệm Vượt Qua, có khả năng chinh phục kẻ cứng lòng tin như Tôma. Một khi đã liên kết ý nghĩa của hai sự kiện lại với nhau, ông Tôma nhận ra Đức Giêsu bị đánh bầm dập ngày thứ Sáu Thánh chính là Chúa Ki-tô Phục Sinh, ông đã sụp lạy và tuyên xưng: “ Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Đấng đi từ đức Giêsu lịch sử đến Đức Giêsu Ki-tô của niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu Ki-Tô Phục Sinh, Việc Chúa sống lại không làm cho con chạy thoát cảnh đời đang sống, nhưng dạy con đường vào vinh quang phải ngang qua cửa hẹp như Chúa đã đi. Lạy Chúa con tin, xin Chúa hãy thêm đức tin cho con. Amen. Allêluia.
Lm. LUY GONZAGA NGUYỄN QUANG VINH
GX. PHƯƠNG HÒA – GP. KONTUM
------------------------------------------------
Chúa Nhật II Phục Sinh C - 03.4.2016
Kính Lòng Thương Xót Chúa
Lạy Chúa Giêsu, con xin tín thác vào Chúa!
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét