Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA: Lc 3:15-16, 21-22 - CẦU NGUYỆN - TRỜI MỞ RA - CN 10-1-2016 NĂM C




























LỜI CHÚA Luca 3:15-16,21-22
15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gioan: biết đâu ông chẳng là Đấng Mêsia.
16 Ông Gioan trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.
21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa; sau đó, đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra,
22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra con.

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN

his_baptism_1
Trong năm phụng vụ, ngoài các mùa làm “thay hoa đổi lá” như mùa Vọng. Giáng sinh, mùa Chay, Phục sinh, còn có một thứ mùa được trải ra, xen kẻ vào các thời kỳ tưởng niệm hai biến cố Thiên Chúa sinh ra và chịu khổ nạn để cứu nhân độ thế. Đó là mùa Thường Niên hay còn gọi là mùa Quanh Năm.
Khởi đầu cho mùa Quanh Năm là Chúa nhật kính nhớ biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, ghi dấu ngày xuất quân trang trọng của Đức Kitô để đem tin mừng cho nhân loại. Cứ điểm xuất quân là bờ sông Giođan thuộc vùng Giuđa, xứ Palestin.
Giođan là một trong những giòng sông dốc dác nhất thế giới, chạy suốt từ bắc chí nam, băng qua biển hồ Galilê, đổ ra Biển Chết. Dọc bờ sông là những hàng dương liễu rủ bóng chen lẫn với dãy bạch dương rì rào trong gió. Nước sông tuy nhiều, nhưng hai bờ dựng đứng nên không thích hợp cho việc trồng trọt. Chính tại một nhánh sông trong khu vực Bêtania mà Chúa Giêsu đã đón nhận phép thanh tẩy của Gioan Tiền hô.
Lẽ tất nhiên, phép rửa của Gioan không phải là một bí tích. Nó không thể xóa tội tổ tông hay truyền ban ơn thánh. Song đó chỉ là hình bóng của phép rửa mà Đức Kitô sẽ thiết lập sau này.


Đúng ra, Đức Kitô đâu cần phải chịu thanh tẩy. Ngài có tội tình gì. Thế nhưng qua việc Ngài đến với Gioan là để chuẩn y cho việc làm và lời nói của ông: Thứ nhất Chúa Giêsu xác nhận việc Gioan rao giảng và thanh tẩy dân chúng để chuẩn bị đón nhận Tin Mừng Nước Trời là chính đáng và cần thiết. Thứ hai, Gioan nhắc bảo với dân chúng- “Ta thanh tấy các ngươi bằng nước. Sẽ đến Đấng quyền thế hơn ta, ta không đáng cởi quai dép Ngài. Ngài sẽ rửa các ngươi trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3:16)- là sự thật và sự thật đó được chính Chúa Giêsu xác nhận sau này trong phúc âm của Thánh Gioan: “Ai không sinh bởi Nước và Thánh Thần thì không thể vào được Nước Trời” (Ga 3:5).
Hơn nữa, việc Đức Giêsu đến hòa mình vào đám đông, lãnh nhận phép rửa của vị Tiền hô, là muốn nêu bật tính cách tự ý liệt mình vào hàng tội nhân. Ngài hạ mình, đến với dân, ở giữa dân, gánh tội dân, và cứu dân.
Có lẽ trong tất cả những lần tỏ mình trước đây, chưa bao giờ Đấng Cứu Thế lại hạ mình sâu thẳm bằng hôm nay. Khi tỏ mình ra với mục đồng và các đạo sĩ, thì vẫn có đó nơi Đức Giêsu hình ảnh của một bé thơ dễ thương. Khi tỏ mình ra cho ông Simêon và bà Anna trong đền thờ, Đức Giêsu cũng còn được chiêm ngắm như là “ánh sáng muôn dân”. Ngay khi tỏ mình ra cho các tư tế, luật sĩ ở đền thờ lúc 12 tuổi, Đức Giêsu vẫn được nhìn nhận như một nhà thông thái uyên bác. Nhưng hôm nay, lần tỏ mình ra lớn lao nhất lại là hiển linh qua hình ảnh một tội nhân giữa đoàn dân tội lỗi. Phải chăng Ngài đang muốn chia sẻ và gánh vác thân phận khốn nạn nhất của con người? Phải chăng Ngài đang làm viên thành lời của bao ngôn sứ, đặc biệt là của Gioan Tẩy Giả, khi vị này chỉ vào Ngài và hô lớn: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng tẩy xóa tội trần gian” (Ga 1:29).
Ơn thánh hóa đã được ban xuống qua Đức Kitô. Sự sống đang tuôn đến trên nhân loại. Thánh sử Luca đã khéo léo trình bày ý tưởng trên khi viết: “Đức Giêsu chịu thanh tẩy, và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra” (Lc 3:21).
Cửa trời đã đóng lại sau ngày nhân loại chối từ luật Chúa và chạy theo dục vọng trần gian. Cửa trời đã đóng lại từ lúc con người kiêu căng ngạo mạn muốn lên làm Chúa, để tự định đoạt mọi trật tự của thế giới này. Cửa trời đã đóng lại vì con người không biết ăn năn thống hối, lại còn đổ thừa, sỉ vả, gây khổ cho nhau.


Nhưng hôm nay cửa trời đã mở ra vì có một người không sống theo ý mình nhưng chỉ theo ý Cha, Đấng ngự trên trời.
Hôm nay cửa trời đã mở ra vì có một người đã không “giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Nhưng đã hủy mình ra không, lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta… Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá” (Pl 2:6-8).
Và đặc biệt, hôm nay cửa trời đã mở ra vì có một người biết cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Chắc chắn không phải là Thánh Luca không có ý khi viết “… cầu nguyện thì trời mở ra”. Phải chăng cầu nguyện chính là chiếc chìa khóa thần linh có thể mở tung cánh cửa của ơn phúc và sự sống? Phải chăng cầu nguyện là sức mạnh vô song xé rách được màn trời để ơn cứu độ tuôn trào cho nhân loại?
Thánh Anphongsô đã rất chí lý khi quả quyết: “Cầu nguyện chắc chắn sẽ được ơn cứu độ.” Thế nên trong nhiều tác phẩm hay bài giảng lừng danh, ngài đều hướng người ta về đời sống cầu nguyện. Thánh nhân có nói: nếu trong cuộc đời, chỉ có cơ may một lần giảng, và nếu chỉ được phép giảng một bài duy nhất, ngài sẽ không ngần ngại cất đi tất cả mọi ý tưởng để chỉ giảng về cầu nguyện. Ngài sẽ dạy cho người ta biết thế nào là sống cầu nguyện đúng nghĩa. Vì cầu nguyện đúng nghĩa sẽ là thượng tôn Thiên Chúa, mở lòng với trời cao, và đón nhận ân phúc dồi dào. Cầu nguyện đúng nghĩa không chỉ là cầu xin, nhưng còn biết ca ngợi, cảm tạ, và thống hối.
Người biết cầu nguyện và siêng năng nguyện cầu sẽ tìm thấy niềm vui ơn cứu độ chan chứa, cả đời này và đời sau.
Đôi khi người ta không thấy cửa trời mở ra cho bao ước mơ khát vọng cao đẹp của mình, phải chăng vì họ không cầu nguyện, hay có nhưng còn thiếu hồn, nhạt nhẽo, lấy lệ.
Mong sao khởi đầu mùa phụng vụ Quanh Năm năm nay, mỗi người Kitô hữu sẽ đồng hành với Đức Kitô trong khiêm cung cầu nguyện. Chắc chắn bước đi với thái độ và quyết tâm như thế “trời sẽ mở ra” và ơn Chúa sẽ chan hòa trên ta.
Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn, CSsR
--------------------------------------------------------


BÀI ĐỌC THÊM:

SỰ KHIÊM NHƯỢNG TUYỆT ĐỈNH
Lc 3, 15 - 16. 21 - 22
Không ai hiểu được thánh Gioan Tẩy Giả rửa tội cho Chúa Giêsu bằng cách dìm Ngài xuống nước hay lấy nước đổ trên đầu Ngài ? Tuy nhiên, nói gi thì nói nhưng việc Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay ông Gioan tẩy giả cũng nói lên con người khiêm hạ thẳm sâu của Chúa Giêsu. Đấng sẽ rửa người ta trong Thánh Thần và nước lại cúi rạp mình chịu phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả. Vấn đề không phải là dìm hay rửa, hay xối nước lên đầu của Chúa mà nói lên ý nghĩa và giá trị của việc ông Gioan Tẩy Giả làm cho Chúa Giêsu. Tin Mừng nhất lãm đều đồng loạt ghi lại:" Đây là con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người". Thì ra Chúa Giêsu khi khiêm hạ chịu phép rửa sám hối, Ngài được Thiên chúa Cha tôn vinh.
Phép rửa của Gioan đang làm trong dòng sông Giođăng là phép rửa thống hối, dành riêng cho các tội nhân. Đọc Tin Mừng nhất lãm chúng ta sẽ hiểu rõ câu chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa. Quả thế, cả ba Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca đều diễn tả chi tiết về việc Chúa xếp hàng cùng với đoàn người xin Gioan làm phép rửa cho mình. Chúa Giêsu là Đấng đại thánh, đáng lẽ không cần phải xin Gioan rửa tội cho mình. Gioan cũng hiểu điều đó. Do đó, Gioan đã nói với Chúa Giêsu:" Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa nhưng Ngài lại đến với tôi ". Chúa Giêsu muốn làm như thế để chứng tỏ lòng tuân phục tuyệt đối ý Chúa Cha. Chúa Giêsu là Đấng công chính. Ngài không cần phải được thanh tẩy vì Ngài hoàn toàn trong sạch, thánh thiêng. Chúa Giêsu hoàn toàn làm theo ý Chúa Cha. Do đó, Thiên Chúa đã long trọng tuyên bố Chúa Giêsu là con yêu dấu của Ngài. Người Cha nào cũng sung sướng và hài lòng khi con làm theo ý của mình. Làm được điều này điều nọ không quan trọng bằng việc làm theo ý của Cha khi người hiểu ý của Cha và tuân theo ý của Cha.

“Đức Giêsu chịu thanh tẩy, và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra” (Lc 3:21).

Chúa Giêsu lãnh nhận bí tích rửa tội gợi cho ta nhớ lại phép rửa tội ngày chúng ta được rửa tội. Rửa tội là chúng ta được làm con cái Chúa và con cái của Giáo Hội. Tuy nhiên, chúng ta có trở nên người con dấu yêu và làm hài lòng Thiên Chúa hay không còn tùy thuộc thái độ của con người. Ta có lắng nghe tiếng Chúa, hiểu ý Chúa và làm theo ý Chúa hay không? Đức Giêsu Kitô đã tự hạ, cúi mình thẩm sâu để làm theo ý Chúa Cha. Chiêm ngắm Đức Kitô tự hạ là chúng ta hiểu được thế nào là tình yêu:" một tình yêu sâu thẳm, vô biên". Tình yêu hiến thân để cứu độ mọi người. Chiêm ngắm Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha nơi dòng sông Giođăng, chúng ta hiểu thế nào là tình yêu hiệp thông :" Con là Con của Cha. Hôm Nay, Cha đã sinh ra con"( Lc 3,22 ). Được rửa trong Chúa Thánh Thần, mỗi người chúng ta trở nên hiệp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi người chúng ta được mời gọi lên đường phục vụ, sống yêu thương và chia sẻ với hết mọi người trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế.
 

Đức Giêsu, Đấng thánh tuyệt đối lại chịu hóa thân làm kiếp người. Phép rửa của Chúa Giêsu mời gọi mỗi người lên đường phục vụ và chia sẻ Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Được làm con của Chúa, chúng ta liệu có phải là" con chí ái " của Chúa hoặc được Chúa hài lòng hay không, tất cả đều tùy thuộc xem chúng ta có tìm hiểu ý Chúa và làm theo ý của Ngài hay không ?
 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn yêu mến phép rửa chúng con đã lãnh nhận và luôn luôn tìm ý Chúa, đồng thời thực hiện ý của Chúa.
 Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
Nguồn:http://www.dccthaingoai.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1358:l-chua-giesu-chu-phep-ra-lc-315-16-21-22-cu-nguyn-tri-m-ra&catid=59:tin-mung-hom-nay&Itemid=175
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
TRỜI MỞ RA! THÁNH TÂM CHÚA CŨNG MỞ RA CHO MỌI NGƯỜI TRONG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA "THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét