Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

XIN CHÚA CHỮA LÀNH (Lc 4, 38-44) - SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN XXII TN 6-9-2017


Thứ Tư tuần XXII TN  ,Lc 4, 38-44
          “Đời là bể khổ”, đau khổ hiện diện trong cuộc đời chúng ta: nào là bệnh tật, chết chóc, tai ương, hoạn nạn, vất vả lo toan, mâu thuẫn đố kỵ, trái ý cực lòng, khốn khổ nghèo đói vv. Câu chuyện ông Gióp biểu hiện tất cả đau khổ trong kiếp sống con người. Nhưng ông Gióp lại là gương mẫu cho chúng ta trong hành trình đau khổ ấy. Trước mọi thử thách, ông Gióp luôn tin tưởng vào Chúa, ông xem đau khổ là cơ hội để thanh luyện chính  mình và làm sáng danh Chúa. Câu chuyện của ông Gióp không xô đẩy chúng ta vào thất vọng, nhưng từ thực tế phũ phàng đưa lòng chúng ta hướng lên Chúa để cầu xin ơn cứu độ, hướng về Đấng Thiên Sai, hướng về trời mới đất mới.
“Chúng ta hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa” đó là lời phát biểu của Mẹ Têrêsa Calcutta để gián tiếp chấp nhận lời yêu cầu của một số ký giả và những người làm phim muốn làm một cuốn phim tài liệu trình bày những công việc từ thiện do Mẹ và các Nữ tu Dòng Thừa sai bác ái thực hiện. Từ mấy chục năm nay, tinh thần và tình yêu của Mẹ Têrêsa đối với những người đau khổ bệnh tật đã được lan ra khắp nơi trên thế giới, như một tiếp tục công tác chính Chúa Giêsu đã thực hiện mà chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon và ông Anrê, lúc ấy bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng, họ xin người chữa  cho bà. Chúa Giêsu tiếp tục làm công việc cứu độ của mình. Bệnh sốt là một bệnh gây tác động rất mạnh đối với người Do Thái xưa: “Thiên Chúa ngăn đe những ai không chịu đem các huấn lệnh của Ngài ra thực hành, là Ngài trút xuống những người ấy nổi kinh hoàng, sự suy mòn, cơn nóng sốt, khiến mắt họ mờ đi, và phải kiệt sức (Lc 26,14-16).
Cơn sốt là một tai ương ngang bằng với sự chết mà chỉ một mình Thiên Chúa mới làm chủ được nó (Kb 3,5). Chúa Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt và cơn sốt rời khỏi bà. Phúc âm theo Thánh Mác-cô thì nói rằng: “Đức Giêsu cầm lấy tay bà và vực bà trỗi dậy”. Cử chỉ ấy, Chúa Giêsu cũng đã làm khi Ngài cứu cô bé con gái ông Giaia đã chết được sống lại “Người cầm lấy tay cô bé…và lập tức cô bé trỗi dậy” (Mc 5,41- 42).

Thánh sử Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người khác : “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài. Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ”. Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc bấy giờ là bệnh phong cùi.
Chúa Giêsu còn đi xa hơn trong giáo huấn của Ngài: Ngài đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người bị cầm tù. Ngài nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
          Việc làm của Chúa Giêsu như vậy có ý chỉ về sự Phục Sinh, như Đức Kitô trỗi dậy trong biến cố Phục Sinh. Chúa Giêsu thực hiện sứ mạng cứu độ, Ngài bày tỏ uy quyền của Thiên Chúa Cha trao ban cho Ngài, bày tỏ một sức mạnh chiến thắng ma quỷ và sự dữ, Ngài giải thoát con người khỏi ma quỷ và sự dữ. Tuy Chúa không diệt trừ ma quỷ và sự dữ mà chỉ chế ngự mà thôi. Sự dữ và ma quỷ vẫn hoành hành trên trần gian, đe doạ và gây thiệt hại cho con người, nên chúng ta không tránh được sự dữ, nhưng nhờ ơn cứu độ của Chúa Kitô để chúng ta có sức mạnh mà chiến thắng.
          Nhìn vào cử chỉ Chúa Giêsu khi chữa bệnh cho bà nhạc ông Simon, Ngài cúi xuống cầm lấy tay bà, một cung cách khiêm tốn, gần gũi và chân thành, thân thương với bệnh nhân, Ngài cũng mang lấy nỗi khổ đau của con người và chia sẻ thân phận con người với họ, đúng với vai trò tôi tớ đau khổ của Giavê, đến nhận lấy đau khổ của con người để cứu giúp con người. Đau khổ phần xác là hình bóng đau khổ phần linh hồn, Chúa chữa trị phần xác, nhưng quan trọng hơn là cứu rỗi phần linh hồn. Bà nhạc ông Simon vừa được bình phục, tức khắc trỗi dậy phục vụ các Ngài, đó là một việc làm tỏ lòng biết ơn cách chân thành thiết thực. Chúa Giêsu không những thi hành sứ mạng cứu độ ở hội đường, mà còn ở các tư gia, ở mọi nơi mọi lúc, trên mọi nẻo đường, nên khi hết ngày Sabát, chiều đến, người ta đem đến với Ngài hết những ai đau ốm, đủ mọi thứ bệnh tật và Ngài đặt tay chữa họ lành tất cả.
Từ sáng sớm, Ngài đi ra một nơi hoang vắng mà cầu nguyện gặp gỡ Chúa Cha, đó là việc Chúa Giêsu thường làm sau một ngày thi hành sứ vụ, điều này cũng gợi lên cho chúng ta cái đêm bi thảm ở vườn cây Dầu, trước khi chịu tử nạn, thấy vắng Chúa Giêsu, ông Simon và các bạn đi tìm Ngài, nhưng Ngài từ chối không trở lại Ca- pha-na-um, vì sứ vụ của Ngài còn phải thực hiện nhiều nơi khác “ vì Thầy đến cốt để làm việc đó”, đồng thời Ngài cũng không muốn trở nên đối tượng của lòng  nhiệt thành của dân chúng có hại đến sứ mạng ngôn sứ của Ngài.
          Bệnh tật phần hồn thì quan trong hơn bệnh tật phần xác, vì nó ảnh hưởng đến vận mạng đời đời của chúng ta, nên khi chúng ta xin Chúa chữa bệnh phần xác thì đừng quên xin Chúa chữa trị các tính mê tật xấu, đam mê xác thịt, tội lỗi của chúng ta, và chúng ta mau mắn trở lại với Chúa, sống con người mới. Chúng ta không những cầu xin cho mình, và phải biết cầu xin cho người khác nữa. Sức mạnh để chúng ta chiến thắng sự dữ và ma quỷ là ở nơi danh Chúa, nên chúng ta cần cầu nguyện luôn, cần gắn bó với Chúa mới đủ sức chống trả với sự dữ, lướt thắng mọi cám dỗ của ma quỷ thế gian và xác thịt, vì chúng luôn luôn hoành hành quấy nhiễu chúng ta.
Chúng ta phải nhìn nhận mọi ơn lành Chúa ban cho chúng ta, mà khơi dậy lòng biết ơn cách thiết thực bằng việc thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân, qua việc bổn phận hằng ngày và chu toàn công tác tông đồ truyền giáo, tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu là rao giảng Tin Mừng, rao giảng ơn cứu độ, chính là rao giảng Nước Thiên Chúa và triều đại của Ngài, để đưa mọi người về với Thiên Chúa.
Lạy Chúa, khi đọc Tin Mừng, con thấy các phép lạ Chúa làm được kể lại một cách rất bình thường, lời văn bình dị, đơn sơ, vắn gọn, khác xa với cách tường thuật về một sự kiện lạ lùng, ly kỳ như con thường đọc thấy.
Qua cách diễn tả đó, con nhận ra cách Chúa đang can thiệp vào cuộc sống của chúng con. Phép lạ Chúa làm không chú trọng vào kẻ kỳ dị bên ngoài, mà phép lạ chính là lúc Chúa đến tiếp xúc với con người và để cho con người tiếp xúc, gặp gỡ Chúa. Chúa đã cầm tay bà nhạc mẫu của thánh Phêrô để nâng đỡ bà dậy và bà đã khỏi sốt. Chúa đã gặp gỡ con người để đưa con người đến tình trạng tốt hơn. Phép lạ chính là việc Chúa làm để tác động lên đời sống thường nhật của chúng con.
Lạy Chúa, nhìn vào phương cách Chúa làm phép lạ, con nhận ra Chúa đã thực hiện bao nhiêu phép lạ trong cuộc sống con: những điều may lành con nhận được hằng ngày, các khó khăn nguy hiểm con đã vượt qua, những bất hoà trong gia đình được hàn gắn…, tất cả đều là sự can thiệp lạ lùng của Chúa: lạ lùng nhưng quá bình dị đơn sơ nên nhiều lúc con không nhận ra.
Chúa làm phép lạ không phải vì muốn được nổi danh nhưng chỉ vì thương xót chúng con. Điều Chúa muốn chính là cầm tay bà nhạc thánh Phêrô để bà được khỏi bệnh. Và bà đã trỗi dậy để tiếp đón, mời Chúa và các môn đệ dùng bữa ở nhà mình.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng con xin cứu chúng con khỏi moi sự dữ để, chúng con luôn thuộc về Chúa, sống cho Chúa và thăng tiến trên con đường về Nước Trời, đồng thời cũng biết giúp mọi người đạt được ơn cứu độ của Chúa.
Huệ Minh
Nguồn: http://giaoxutanviet.com/xin-chua-chua-lanh/
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét