Thứ Hai tuần XXIII TN , Lc 6, 6-11
Đức Giêsu là người Do-thái, hẳn là Người biết rất rõ về lề luật nơi người Do-thái, luật ngày sabát là luật bất di bất dịch, là luật cắt nghĩa rất cụ thể và rõ ràng, và là luật thứ ba của Thập Giới. Hẳn nhiên một người biết cân nhắc sẽ nói với người khô bại tay: “Này anh, ngày mai anh hãy đến gặp tôi, tôi sẽ chữa anh cho khỏi”, điều đó chẳng mất lòng ai, và cũng được việc, nhưng Đức Giêsu đã không làm điều đó. Trái lại, nhân cơ hội này, Người dạy cho chúng ta cách hành xử trong cuộc sống.
Những người Pharisiêu trong đoạn Tin mừng họ vẫn biết yêu thương người khác, họ vẫn biết chữa lành cho người bệnh là điều nên làm do bản tính thiện trong con người họ nhưng họ gặp phải giới luật giữ ngày sabat và họ đã từ chối thi thố tình yêu trong ngày sabat. Như vậy con người họ không được thống nhất và họ mất bình an.
Còn Chúa Giêsu thì khác hẳn, Người đến không phải để hủy bỏ lề luật nhưng Người kiện toàn nó bằng giới luật yêu thương. Nếu không có tình yêu thương thì việc giữ lề luật như một cái xác không hồn. Cách tuân giữ lề luật trên hết là tôn vinh Thiên Chúa. Tôn vinh
Thiên Chúa thì có nhiều cách mà yêu thương tha nhân là một cách xứng hợp.
Chúa Giêsu đã đến và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn.
Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và
không gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân. Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa lành một người có bàn tay khô bại trong ngày Hưu lễ. Lề luật là một thể hiện ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn chính là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương.
Theo những người luật sĩ và biệt phái thì ngày Sabat là ngày nghỉ “không làm gì cả”. Tuy họ có chấp thuận một số việc được làm trong ngày Sabat nhưng phải tùy trường hợp nào đó rất cụ thể, thì con người mới được phép làm.
Nếu như thế, thì người luật sĩ và biệt phái quá câu nệ vào việc tuân giữ luật ngày Sabat, nên quên mục đích của ngày ấy là nhằm lợi ích cho con người. Sở dĩ có ngày Sabat là để giúp dân chúng có nhiều thời gian thờ phượng Chúa. Điều đó cũng là để giúp dân chúng có nhiều thời gian thờ phượng Chúa. Điều đó cũng là để mang lại lợi ích cho họ mà thôi.
Người luật sĩ và biệt phái quá chú tâm vào việc giữ luật đến nỗi quên mất lề luật đặt ra chỉ vì lợi ích cho con người. Yếu tố con người mới là quan trọng, là chủ chốt, là mục đích để hướng tới.
Lễ nghỉ của đạo Do Thái là ngày Sabat, lễ nghỉ của người Công Giáo là ngày Chúa Nhật. Chúa muốn chúng ta thánh hóa ngày Chúa Nhật bằng cách tham dự Thánh Lễ, học hỏi giáo lý, suy niệm Lời Chúa, làm việc tông đồ, thực hành bác ái và nghỉ ngơi dưỡng sức.
Như vậy, ngày Chúa Nhật cốt để tôi luyện lòng trí chúng ta đến tâm tình mến Chúa và lòng yêu thương con người. Cho nên, nếu có trở ngại cho đức bác ái yêu thương thì luật buộc nghỉ lễ cũng phải nhượng bộ cho tình thương ấy.
Nguyên tắc nền tảng: “Làm lành tránh dữ”. Vì thế Người gọi anh bại tay và nói: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giêsu chất vấn họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Vì thế không ai được nhân danh lề luật để trừ chối làm điều lành trong ngày sabát.
Và rồi “Tin Mừng là để phục vụ sự sống”. Đây là lý do tại sao Đức Giêsu không cân nhắc hẹn người bại tay để hôm sau sẽ chữa anh khỏi. Vì ngày sabát Người có thói quen lên hội đường, để đọc sách Thánh, để được rao giảng Tin mừng. Như thế Tin mừng của Người sẽ chết, ngày sabát sẽ vô nghĩa nếu như sau lời rao giảng của Người, mà Người vẫn vô tâm đi qua một con người đang đau khổ ngồi trước mặt, và không chạnh lòng trước nỗi thống khổ của anh em. Vâng, không thể được, Tin mừng Người là Tin vui, Tin mừng là để mang lại sự sống, một sự sống hoàn hảo, và ngày sabát thực sự phải là ngày phục vụ Niềm vui hân hoan và sự sống. Chính vì thế, không một chút đắn đo, sợ hãi, Người nói với người có tay khô bại: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường”.
Phaolô tìm mọi cách để chu toàn sứ vụ được trao phó: Ngài nói: “Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi… Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.”
Một cách nào đó, Đức Giêsu vì con người Ngài sẵn sàng “vi phạm luật”, thì người môn đệ, chúng ta cũng vì lợi ich cho thân thể Người là Hội Thánh, chúng ta cũng được mời gọi dấn thân. Hình ảnh thánh Phaolô trong bài đọc một chúng ta thấy rõ điều đó.
Vì Hội Thánh, Phaolô trở nên người phục vụ Tin mừng, với ngài Ngài rao giảng Tin Mừng ở mọi nơi và trong một lúc: trong hội đường, ngoài phố chợ, trong khám đường, khi đối chất … rao giảng dù thuận tiện hay không thuận tiện.
Giúp đỡ mọi tín hữu để họ càng ngày càng trở nên hoàn thiện trong Đức Kitô: không chỉ bằng lòng với việc thiết lập các cộng đoàn, Ngài vẫn trở lại để thăm viếng khi có dịp, và viết thư để dạy dỗ và khuyên bảo mọi người.
Lấy tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa để vượt qua mọi tranh chấp và ích kỷ cá nhân; để gìn giữ sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
Huệ Minh
Nguồn: http://giaoxutanviet.com/hay-yeu-thuong-dung-vu-luat/
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét