Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

“Vâng lời Thầy, con xin thả lưới” Suy niệm Ngày Thứ Năm Tuần XXII TN 7-9-2017

“Từ trên thuyền Ngài giảng dạy đám đông” (Lc 5, 3c) 
Thứ Năm tuần XXII TN ,  Lc 5, 1-11
Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng chiếc thuyền của Phêrô để “từ trên thuyền Ngài giảng dạy đám đông” (x.c.3). Thiên Chúa quyền năng nên Ngài tự mình thực hiện chương trình cứu độ đã sắp sẵn từ ngàn đời, mà không cần một phương tiện nào của nhân loại để hoàn thành ý định của Ngài. Tuy vậy, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa vẫn luôn mãi trải rộng đến mọi thụ tạo của Ngài, nhất là con người, và rồi Ngài đã cho con người có cơ hội cộng tác với Ngài để hoàn thành ơn cứu độ.
Các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu thưa tiếng xin vâng, thưa sẵn sàng để đi theo Chúa. Ngài đã gọi các môn đệ đầu tiên trong những tình huống rất khác nhau. Qua Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy ơn gọi xem ra thật bất ngờ.
Luca cho thấy các môn đệ đang sinh hoạt bình thường của nghề chài lưới, bỗng Chúa đến bất ngờ, gọi các ông, và điều làm cho ta ngạc nhiên là phản ứng của họ: họ cũng theo Chúa một cách mau mắn, cũng là một bất ngờ không kém: họ liền bỏ hết mọi sự mà theo Ngài. Nghe kêu là đi liền, làm như hai bên đã hẹn hò với nhau từ trước. Đối với loài người thì thật là bất ngờ, nhưng đối với Thiên Chúa thì không, và người ta gọi đó là việc Chúa quan phòng.
Cái bất ngờ thứ hai là Thiên Chúa thường chọn gọi những con người không mấy hứa hẹn hay hy vọng: như Abraham già nua tuổi tác, như Môsê thì ngọng tếu ngọng táo, không mấy khả năng: như những môn đệ đầu tiên hôm nay chỉ là những người chài lưới, bình dân, quê mùa, không mấy tốt lành, như Matthêu, người thu thuế. Hình như Thiên Chúa không theo tiêu chuẩn của loài người, chọn những người có tài có đức, có triển vọng tương lai.
Simôn-Phêrô cũng như các bạn chài và người thành Caphacnaum đã từng được nghe Chúa giảng và tận mắt chứng kiến các phép lạ của Người. Chắc chắn những lời giảng và các việc Chúa làm đã đánh động suy nghĩ của bác ngư phủ lòng dạ thẳng ngay như Phêrô. Nhưng rồi hôm nay với bài giảng từ trên thuyền và đặc biệt là đứng trước mẻ cá lạ, Phêrô như được mở mắt và nhận ra người đã ra lệnh thả lưới ở chỗ nước sâu kia chính là Chúa quyền năng, nên ông chỉ còn biết sấp mặt dưới chân Người mà nói: lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi. Phêrô và các bạn ông kinh ngạc nhưng đồng thời cũng nhận ra rằng công việc chài lưới bắt cá chẳng còn ý nghĩa gì đối với các ông. Cuộc đời của các ông đã chuyển hướng với một ý nghĩa mới và một ơn gọi mới: Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.
Chiếc thuyền của Phêrô chẳng là gì cả, cũng như những khả năng đầy giới hạn của chúng ta hôm nay. Nhưng đó lại chính là những phương tiện hữu hiệu Chúa muốn dùng để thực hiện một chương trình nào đó của Ngài. Chúng ta có sẵn lòng khiêm tốn và quảng đại để Chúa tự do sử dụng chúng ta hay không? Ngay trong hoàn cảnh riêng của mỗi người, Chúa vẫn đang âm thầm thực hiện thánh ý Ngài để mưu ích cho chúng ta, cho Giáo hội và cho các tâm hồn. Chúa đang cần một chút thiện chí, một chút sức khỏe, một chút thời giờ, một chút năng lực của chúng ta. Liệu chúng ta có sẵn sàng dâng hiến cho Ngài không?
Khi chúng ta đã quảng đại dâng tặng cho Chúa những gì của bản thân, thì Ngài sẽ mời gọi chúng ta: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (c.4), dẫu rằng Ngài vẫn biết chúng ta đã “vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả” (c.5). Thật vậy, cuộc sống hôm nay dường như mỗi ngày càng thêm nhiều vấn đề làm căng thẳng cho con người ở mọi lứa tuổi và trong mọi hoàn cảnh. Những khó khăn và vất vả dưới nhiều hình thức như một sức mạnh vô hình luôn đè nặng trên đôi vai con người từ sáng tinh sương cho đến khi chiều tà. Nhiều khi ngay giữa những vất vả bận rộn muôn mặt ấy, kết quả thu được lại không được bao nhiêu, có khi chẳng được gì cả. Đó cũng chính là tâm trạng của các tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay. Thế nhưng khi có Chúa Giêsu hiện diện, và biết “vâng lời Thầy” thì mọi sự đã được thay đổi hoàn toàn: “bắt được rất nhiều cá”.
Điều ấy đủ cho chúng ta hiểu rằng, dù con người có nỗ lực gắng sức đến đâu đi nữa, mà không có ơn Chúa trợ lực thì mọi sự cũng ra không. Dĩ nhiên là chúng ta phải cố gắng theo khả năng với những phương tiện Chúa ban để chu toàn nhiệm vụ Ngài trao phó, thực hiện chương trình Ngài sắp đặt. Nhưng trên hết là chúng ta phải làm theo lời Ngài như Phêrô: “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới”. Chính sự suy phục thánh ý Chúa, hành động theo lời Ngài hướng dẫn, mới có sức làm nảy sinh những kết quả mỹ mãn hơn nguyện ước của chúng ta. Cái khó là biết lắng nghe và làm theo lời Ngài thôi. Bởi lẽ chúng ta còn quá nhiều tự ái, hay còn vướng bận quá nhiều những lo toan trần thế, những kế hoạch riêng tư của bản thân, mà chưa thể hay khó lòng nghĩ tới việc làm theo thánh ý Ngài. Hy vọng mỗi ngày chúng ta biết bình tâm nghe lời Chúa và nỗ lực sống theo thánh ý Ngài hơn. Để rồi, nhiều thành quả tốt đẹp cũng được phát sinh từ một tâm hồn biết lắng nghe Lời Chúa với một niềm tin yêu phó thác.
Tuy nhiên, những thành quả chúng ta thu nhận được nhờ ơn Chúa cùng với sự cộng tác của bản thân, không bao giờ cho phép chúng ta dừng lại ở hiện tại, mà còn phải tiến xa hơn nữa trên hành trình theo Chúa: “Bỏ hết mọi sự mà theo Người” (c.11).
Chúa Giêsu đến trần gian để thực hiện sứ mạng cứu độ Chúa Cha trao phó. Nhưng Người đã không thực hiện một mình, mà luôn luôn kêu gọi sự cộng tác tích cực của con người. Đứng trước lời mời gọi của Chúa, nếu chúng ta chân thành lắng nghe và nỗ lực thực thi lời Chúa, chắc chắn sẽ đem lại nhiều thành quả tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng của con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn chúng ta dừng lại nơi những thành quả thu được, mà luôn can đảm dấn thân hơn nữa trên hành trình bước theo Ngài.
Quả thế, qua mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa vẫn luôn lên tiếng mời gọi con người đáp trả lại tiếng gọi yêu thương của Ngài, để sẵn sàng dấn bước theo Ngài. Vì điều quan trọng nhất trong cuộc sống chúng ta chính là sự hiện diện đầy yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải là chúng ta làm được điều này hay điều nọ, đạt được thành công này hay địa vị kia. Tất cả chỉ là hồng ân Chúa ban cho chúng ta để sống và phục vụ Ngài. Thế nên, khi Ngài cần chúng ta từ bỏ tất cả để chỉ sống cho một mình Ngài thôi thì có gì là đáng tiếc đâu. Vì trong Ngài, chúng ta lại có được tất cả.
Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn đang lôi kéo ta về với Ngài, để thuộc trọn về Ngài ngay giữa những thực tại đầy hấp dẫn của trần thế. Và rồi ta có sẵn lòng chấp nhận phần thua thiệt dưới cái nhìn của con người để quảng đại theo Ngài không? Để rồi sống trọn vẹn hơn cho tình yêu Chúa, thực hiện sứ mạng Ngài trao phó là xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế này.
Xin Chúa giúp ta ngày mỗi ngày biết từ bỏ một chút những gì không thuộc về Ngài, biết chia sẻ cho tha nhân những hồng ân được nhận lãnh, và biết hy sinh bản thân để thực hiện thánh ý Chúa trong cuộc đời.
Huệ Minh
Nguồn: http://giaoxutanviet.com/lang-nghe-tieng-chua/
--------------------------------------------------------- 
SUY NIỆM VỀ ĐỨC VÂNG LỜI (Lc 5, 1-11)


Tin Mừng: Lc 5, 1-11
Trong quy luật sống của thánh Augustinô, ngài đã cho các tu sĩ của ngài biết rằng: “Vâng Lời là làm nên lợi ích cho đoàn thể của mình, làm cho người tu sĩ toàn thắng vẻ vang, làm cho của lễ rất đẹp lòng Thiên Chúa, làm cho giàu thêm rất nhiều công phúc, giữ gìn cho khỏi nguy hiểm của tội lỗi và đưa đến vinh quang cao nhất”(Augustinô, Quy luật… ). Còn với thánh Biển Đức của chúng ta, trong bản tu luật chương 5 thì: “Vâng lời chính là đang hăm hở tiến vào cõi trường sinh” ( x.Tu Luật 5). Và với cha Humbertô Romans tổng quyền dòng anh em thuyết giảng thì: “Vâng lời là của lễ tốt nhất đẹp lòng Chúa, hệ tại dâng cho Chúa phần trọng nhất trong linh hồn, đó là sự tự do và ý chí”. Trong  Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng cho chúng ta thấy được Phêrô đã Vâng Lời Chúa Giêsu chèo thuyền ra chỗ sâu hơn để thả lưới, nhưng ông đã nhận được gì? Dựa vào bài Tin Mừng này, xin suy niệm 4 điểm sau đây về sự vâng lời:

1. Vâng Lời là chấp nhận một thách đố mệt mỏi
Đối với Phêrô và các bạn chài đã lênh đênh trên biển hồ suốt đêm, rất vất vả mệt mỏi để đánh cá, nhưng “xôi hỏng bỏng không”, các ông đã không bắt được con cá nào, mặc dù các ông là những tay chài lưới chuyên nghiệp. Phêrô và các bạn đang vất vả, mệt mỏi cần lắm một chút thời gian để nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Thế nhưng, Chúa lại bảo ra chỗ sâu hơn để đánh cá và Phêrô đã vâng lời: “ Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Quả thật, vâng lời là chấp nhận những mệt mỏi, chấp nhận một thách đố cam go vì không biết tài năng của mình có đáp ứng được không? và tương lai của mình sẽ như thế nào, có đạt được những điều mong muốn của người truyền lệnh hay không? Chính Phêrô đã vâng lời, nhưng trong sự mệt mỏi lo lắng. Có nhiều khi trong cuộc đời làm kitô hữu, ta cũng gặp rủi ro, lo lắng vì vâng lời. 

2. Vâng Lời sẽ đón nhận được ơn phúc của Chúa
Khi Phêrô vâng lời Chúa Giêsu ra chỗ sâu thả lưới, ông đã bắt được rất nhiều cá, đó là ơn phúc Chúa đã ban cho ông: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới”. Thật vậy, khi ta vâng lời là ta chấp nhận tín thác hoàn toàn vào Chúa và điều kỳ diệu Chúa làm là cho ta hưởng nhiều ơn phúc của Ngài. Phêrô đã vâng lời Chúa, nhưng có lẽ ông không nghĩ rằng, điều kỳ diệu sẽ xảy đến với ông, nhưng điều ông không ngờ thì nó đã đến. Ông được một mẻ cá lớn, mẻ cá của sự vâng phục đem đến ích lợi chung cho mọi người. Hay nói khác đi, vâng lời mang đến lợi ích.  Thánh Augustinô cũng đã chứng thực điều này khi nói:“ Vâng Lời là làm nên lợi ích cho mình và cho đoàn thể của mình”.


 3. Vâng Lời làm cho con người ta ý thức về thân phận yếu đuối tội lỗi của mình…
Phêrô khi vâng lời Chúa đã nhìn ra được Chúa là Đấng cao cả, quyền uy, vượt trỗi trên hết mọi sự. Qua mẻ cá lạ lùng, ông thấy Chúa quả là kỳ diệu mình không xứng với điều kỳ diệu Chúa ban cho mình, ông đã cúi mình xuống đất mà chấp nhận một sự thật là con người của ông đầy tội lỗi: “ Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Khi Vâng lời là con người ta đã khiêm nhường, như Chúa Giêsu đã rất khiêm nhường vâng lời Chúa Cha. Và trong sự khiêm nhường đó, người ta sẽ nhận ra con người thật của mình là con người yếu đuối, tội lỗi, nên cần ơn Chúa nâng đỡ. Vì như thánh Augustinô đã nói: “chính sự vâng lời giữ gìn cho khỏi nguy hiểm của tội lỗi và đưa đến vinh quang cao nhất”. Như thế, nhờ sự vâng lời mà con người ta nhận ra thân phận yếu đuối của mình, nhận ra mình là người tội lỗi.

4. Vâng lời làm cho con người trở nên cao quý và thu phục lòng người
Chính vì sự vâng lời, Phêrô trở thành con người cao cả và được Chúa đặt cho làm người đi thu phục lòng người, nghĩa là được Chúa giao phó cho công việc đi tìm kiếm các linh hồn về cho Chúa:“ Phêrô, đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Và quả thật, Phêrô được Chúa chọn làm thủ lãnh để dẫn dắt anh em mình và coi sóc đoàn chiên của Chúa. Chúa cũng đã trao cho ông quyền đóng và mở cửa Nước Trời: “ Này Phêrô, Thầy sẽ trao chìa khóa Nước Trời cho anh, dưới đất anh cầm buộc điều gì thì trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy”. Quả vậy, nhờ vâng lời, Phêrô đã trở thành con người cao quý và thu phục lòng người.


 Lạy Chúa Giêsu, nhờ Chúa đã vâng lời Cha mà ơn cứu độ xuống trên nhân loại, xin cho chúng con qua sự vâng lời ơn thánh thiêng cũng được trải rộng khắp nơi. Amen.

Minh An.
Nguồn: http://hoidongxitothanhgia.com/hoc-hoi-kinh-thanh/chia-se-tin-mung-thu-nam-tuan-xxii-thuong-nien-minh-an-phuoc-ly-1121.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét