Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Myanmar và Bangladesh - Ý Nghĩa Khẩu hiệu & Logo Chuyến viếng thăm


Đức Thánh Cha sẽ thăm Myanmar và Bangladesh

8/29/2017 7:40:41 AM
VATICAN. Phòng báo chí tòa thánh chính thức thông báo: ĐTC sẽ viếng thăm Myanmar và Bangladesh vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm nay.

”Nhận lời mời của các vị Quốc trưởng và các Giám Mục liên hệ, ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện một cuộc tông du tại Myanmar từ ngày 27 đến 30-11, viếng thăm các thành phố Yangon và Nay Pyi Taw, rồi tại Bangladesh từ ngày 30-11 đến 2-12-2017, viếng thăm thành phố Dhaka.

 Chương trình chuyến viếng thăm sẽ được công bố trong thời gian tới đây.

 Cùng với thông cáo trên đây, Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố chủ đề và 2 huy hiệu của cuộc viếng thăm.

 - Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC tại Bangladesh là”Hòa hợp và Hòa bình” (Harmony and Peace [tiếng Anh] và Shomprity & Shanti [tiếng Bangla].

 Thực tại và khát vọng Hòa hợp giữa các tôn giáo, văn hóa, dân tộc, xã hội, lịch sử, gia sản và các truyền thống ở Bangladesh.

 Thực tại hòa bình được cảm nghiệm cũng như được khát mong trong tương lai, với một viễn tượng sự phát triển nhân bản toàn diện và tinh thần tại Bangladesh.

 - Huy hiệu (Logo) chuyến viếng thăm của ĐTC tại Bangladesh có hình con chim hòa bình, tượng trưng ĐTC Phanxicô vị sứ giả hòa hợp và hòa bình.

 Thánh giá và Shapla: Thánh giá tượng trưng sự hiện diện của Chúa Kitô và tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Các dân tộc Bangladesh thuộc nhiều văn hóa và tôn giáo đang sống với nhau trong tinh thần hòa hợp dựa trên mối liên hệ chung, được diễn tả bằng bông hoa quốc gia Shpala. Nó cũng tượng trưng sự sống và hy vọng, đồng thời cho thấy niềm tin của chúng ta rất sinh động, dù rằng chúng ta là thiểu số.

 Màu của huy hiệu: xanh lá cây, đỏ và vàng là những màu cờ quốc gia Bangladesh và Vatican. Sự liên kết các màu này tượng trưng sự đoàn kết và tình hữu nghị giữa Vatican và Bangladesh. Vatican là một trong những nước đầu tiên nhìn nhận nền độc lập của Bangladesh hồi năm 1971. Màu xanh dương trong chữ viết diễn tả biểu tượng hòa bình và nước trong của các sông ngòi ở Bangladesh.

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 28.08.2017)
------------------------------ 
Nguồn:http://conggiao.info/duc-thanh-cha-se-tham-myanmar-va-bangladesh-d-42409
------------------------------ 

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Myanmar từ 27 đến 30-11-2017

8/29/2017 7:42:48 AM
VATICAN. Hình huy hiệu là một trái tim. Căn bản chung của Kitô giáo và Phật giáo là Tình yêu. Chính ý niệm này tạo nên sự tôn trọng và đón nhận nhau giữa các tín hữu Kitô và Phật tử.

Sợi dây làm thành hình trái tim là hai lá cờ: cờ Vatican màu vàng và trắng, màu cờ Myanmar màu vàng, xanh trái cây và đỏ.

 Bản đồ Myanmar màu được vẽ màu với một cầu vồng. Nó nói lên sự đa chủng tộc tại Myanmar: nước này có 8 bộ tộc chính và 135 nhóm chủng tộc với những ngôn ngữ, thổ âm và văn hóa khác nhau.

 Hình Đức Thánh Cha với một chim bồ câu có ý nói ĐTC là sứ giả hòa bình.



 ”Yêu thương và Hòa bình”, đó là khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC. Hòa Bình Kitô dựa trên Tình Yêu. Không thể có hòa mình mà không có tình yêu. Tình Yêu mà dân tộc Myanmar yêu chuộng nhất, sẽ dọn đường cho hòa bình. Cuộc viếng thăm của ĐTC là để cổ võ Tình Thương và Hòa bình tại Myanmar.

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 28.08.2017)
------------------------------------ 
Nguồn: http://conggiao.info/khau-hieu-cuoc-vieng-tham-cua-duc-thanh-cha-tai-myanmar-d-42410
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
------------------------------------ 

 Tìm hiểu thêm về Tiến trình ngoại giao giữa Vatican và Myanmar
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và phái đoàn Myanmar do Bà Aung San Suu Kyi hướng dẫn tại Vatican, 04/05/2017 (AP)

Giáo Hội Myanmar Đón Nhận Quan Hệ Ngoại Giao Với Tòa Thánh Vatican

Pathein, Myanmar, 05/05/2017 (MAS) – Đức Giám Mục John Hsane Hgyi, giám mục giáo phận Pathein của Myanmar đã thể hiện niềm vui trước sự đồng thuận chung giữa Tòa Thánh và Nước Cộng Hòa Liên Bang Myanmar về việc thiết lập các mối quan hệ ngoại giao, một quyết định mà Ngài cho là vì sự phát triển tích cực và vì những bước hướng đến sự thay đổi.
Quyết định diễn ra sau một cuộc gặp gỡ tại Vatican được tổ chức vào ngày 04/05, giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, Cố Vấn và Ngoại Trưởng Burma.
Đức Giám Mục nhấn mạnh rằng thách đố chính vẫn là giải quyết các mâu thuẫn với các dân tộc thiểu số. Ngài hy vọng tất cả mọi nhóm thiểu số khác nhau có thể tham gia vào ngày gặp mặt quốc gia 24/05 tại Yangon để cùng ký kết một lệnh ngừng bắn và biến nó thành một bước thực sự hướng đến sự hòa giải quốc gia.
Tất cả mọi dân tộc tại Myanmar và tất cả mọi tôn giáo đều muốn hòa bình, Ngài nói nhưng ngày nay đất nước cần một nỗ lực nhân danh mọi người để đạt tới hòa bình. Giáo Hội Công Giáo thể hiện tình liên đới sâu thẳm nhất ngay cả với anh em Hồi Giáo Rohingya và mong muốn những giải pháp tôn trọng phẩm giá con người và nhân quyền, theo tiêu chuẩn hòa bình và công lý, Đức Giám Mục nhấn mạnh.
Giáo Hội Công Giáo tại Myanmar đang coi năm 2017 là Năm Hòa Bình và người tín hữu được khích lệ ăn chay, thực hiện những hy sinh và nâng cao ý thức về hòa bình tại đất nước. Hiện tại các cuộc hội thảo và thảo luận đều đang được cổ võ về chủ đề hòa giải ở nhiều giáo phận và sự hợp tác của các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đang được tìm kiếm, Đức Giám Mục nói.
Phát ngôn viên chính phủ Zaw Htay nhận định về quan hệ ngoại giao khi nói rằng đất nước của ông muốn là một phần của gia đình quốc tế và rằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican là chìa khóa cho điều đó, trước vai trò của việc này là một điểm qui chiếu đối với tất cả mọi Kitô Hữu.
Một phát ngôn của Giáo Hội Công Giáo tại Myanmar, Cha Soe Naing, nói rằng mối quan hệ mới sẽ thực hiện nhiều hơn là thuần túy sắp xếp các mối liên lạc trực tiếp giữa Tòa Thánh và Yangon.
Sự cần thiết hòa bình được thể hiện ở mọi cấp độ. Đức Hồng Y Bo tại một cuộc hội thảo hòa bình liên tôn tại Yangon vào ngày 26/04 nhắc nhớ các anh em của Ngài từ các niềm tin khác về việc tuân thủ đạo đức của họ để xây dựng hòa bình và hòa hợp ở các cấp độ thấp nhất trong một đất nước đang bị xâu xé. Ngài nói rằng mong muốn hòa bình cần phải chiếu tỏa qua mọi lời nói và việc làm, và giải pháp phải được tìm thấy qua “đối thoại và sự hiểu biết nhau”.
Khoảng 1% trong tổng số 51 triệu dân Myanmar là người Công Giáo nơi mà Giáo Hội đã hoạt động trong 5 thế kỷ. Dịp kỷ niệm 500 năm Giáo Hội Myanmar đã diễn ra vào năm 2011, nhưng tình hình chính trị và sự thiếu sự tự do tôn giáo hồi đó, đã không cho phép một việc tổ chức trên cả nước. Do đó, năm thánh đã bắt đầu từ 24/11/2013 – 24/11/2014.
Âu Dương Duy (Theo Fides)
Nguồn: http://masimpress.com/ban-tin/giao-hoi-myanmar-don-nhan-quan-he-ngoai-giao-voi-toa-thanh-vatican
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
---------------------------------------------------------- 
BẢN ĐỒ 
VỀ CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐTC PHANXICÔ
TẠI MYANMAR (27 ĐẾN 30-11-2017) VÀ TẠI BANGLADESH (30.11 ĐẾN 2.12.2017)


ĐTC. Phanxicô trong các chuyến tông du của ngài

GHI CHÚ:
Giáo hội Công giáo Myanmar đã hình thành và hoạt động tròn 500 năm tính đến năm 2011 với tỉ lệ giáo dân là 1% trên tổng số 51 triệu dân. Đặc biệt, Myanmar đã tiến triển sớm hơn VN trên đường thực hiện nền dân chủ tự do và đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Vatican, nhờ công lao to lớn của Bà Aung San Suu Kyi.
Nay đất nước Myanmar đang nhộn nhịp chuẩn bị đón mừng Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước này từ 27 đến 30-11-2017 sắp tới với khẩu hiệu "YÊU THƯƠNG VÀ HÒA BÌNH". Thật là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao dành cho mọi người tín hữu và toàn thể dân tộc Myanmar, người bạn rất gần gũi và thân thiết với Việt Nam về địa lý và về các mối quan hệ, như cùng là thành viên Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á Châu (gọi tắt là A.S.E.A.N.).
Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng có quá trình lịch sử lâu đời như Giáo hội Myanmar, và hiện đang ước nguyện Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Giáo hội CG và thăm đất nước Việt Nam, nhưng chỉ vì trong hiện tại nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chưa lập quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican, mà chỉ mới chấp nhận liên lạc ngoại giao cấp thấp là thừa nhận vị Đại diện Tòa Thánh không thường trú và những cuộc đàm phán song phương hàng năm, thường rất nặng về hình thức, không cho thấy những bước tiến triển khả quan và nhanh chóng trong nội dung các cuộc đàm phán này.
Do vậy, riêng Giáo hội Việt Nam với tỉ lệ 8% giáo dân trên tổng số 90 triệu dân, sẽ tiếp tục không ngừng cầu nguyện nhiều hơn nữa cho đất nước Việt Nam noi theo gương người tốt, việc tốt của đất nước láng giềng Myanmar, nhanh chóng hội nhập với thế giới trên con đường dân chủ, tự do và hòa bình thực sự, mới mong thấy được ngày Đức Thánh Cha viếng thăm đất nước Việt Nam như một thực tế mà dân tộc Myanmar đang hân hoan đón nhận.
P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét